Ngộ độc botulinum là một bệnh ngộ độc thực phẩm hiếm gặp, xảy ra khi con người ăn phải thực phẩm có chứa ngoại độc tố của vi khuẩn C. botulinum. Ðặc biệt, ngoại độc tố botulinum có khả năng tấn công vào các dây thần kinh của cơ thể người bệnh gây khó thở, tê liệt cơ nhất là các cơ hô hấp (cơ khí quản, tiểu khí quản, phế quản, cơ liên sườn, cơ hoành…) và các cơ khác của cơ thể, thậm chí gây tử vong.
Ðặc điểm của vi khuẩn C. botulinum
C. botulinum là vi khuẩn kỵ khí bắt buộc (tức là vi khuẩn sống trong điều kiện không có oxy hoặc rất ít oxy), phân bố rộng rãi trong tự nhiên và được cho là có mặt trên tất cả các bề mặt thực phẩm. Nhiệt độ phát triển tối ưu của vi khuẩn này là trong phạm vi ưa nhiệt. Ở dạng bào tử (nha bào),_ C. botulinum là mầm bệnh chịu nhiệt tốt nhất có thể tồn tại trong thực phẩm có độ acid thấp và phát triển để tạo ra ngoại độc tố botulinum. Ngoài ra, ngoại độc tố botulinum đôi khi còn được sinh ra bởi những vi khuẩn còn sống thuộc họ Botulinum như Clostridium butyricum và Clostridium baratii_.
Vi khuẩn C. botulinum được tìm thấy trong tự nhiên ở nhiều nơi, nhưng chúng hiếm khi gây bệnh cho người trừ khi con người ăn phải loại thực phẩm có chứa vi khuẩn này hoặc ngoại độc tố botulinum của vi khuẩn này. Khi gặp điều kiện không thuận lợi chúng sẽ tạo ra nha bào (đây là dạng hình thái vi khuẩn C. botulinum không hoạt động nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi thì chúng sẽ quay lại hoạt động ngay lập tức) giúp chúng tồn tại trong môi trường, ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt. Các nha bào thường không gây bệnh cho người nhưng trong những điều kiện thuận lợi nhất định, những nha bào này có thể phát triển và tạo ra ngoại độc tố botulinum rất nguy hiểm cho người khi ăn phải thực phẩm có chứa chất độc này. Vi khuẩn C. botulinum được phân chi thành các týp huyết thanh khác nhau nhưng đều có khả năng gây bệnh như nhau, đó là các týp A, B, C, D, E, F và G.
Ðiều kiện nào để vi khuẩn C. botulinum phát sinh ngoại độc tố botulinum?
Ðiều kiện để vi khuẩn C. botulinum phát triển và sinh ngoại độc tố là môi trường ít hoặc không có oxy, lượng acid thấp, đường, muối thấp, ở một nhiệt độ thích hợp và có một lượng nước nhất định. Vì vậy, ở những thực phẩm đóng hộp, bảo quản hoặc lên men tại nhà không đúng cách có thể tạo điều kiện thích hợp cho các nha bào vi khuẩn C. botulinum phát triển và tạo ra ngoại độc tố botulinum.
Ngoài gây ngộ độc thực phẩm, ngoại độc tố botulinum còn gây ra các loại ngộ độc khác, ví dụ như ngộ độc botulinum ở trẻ sơ sinh (khi vi khuẩn C. botulinum hoặc nha bào của nó xâm nhập, phát triển vào ruột của trẻ và sinh ra độc tố botulinum); nhiễm độc vết thương (khi nha bào C. botulinum xâm nhập vào vết thương từ tiêm chích không vô khuẩn hoặc do tai nạn giao thông, tai nạn lao động tạo nên vết thương bẩn… từ đó vi khuẩn C. botulinum sinh ra ngoại độc tố botulinum, gây nhiễm độc).
Biểu hiện của ngộ độc botulinum
Bệnh bắt đầu các triệu chứng thường từ 18 – 36 giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm ngoại độc tố botulinum. Ðau bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa, kèm theo bị tiêu chảy. Người bệnh bắt đầu nuốt khó, yếu cơ, nhìn đôi (nhìn một thành hai), sụp mí mắt, mờ mắt, nói lắp, khó cử động mắt, đặc biệt là khó thở (do các cơ hô hấp bắt đầu bị liệt).
Ðối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh có các dấu hiệu và triệu như táo bón, bú kém, sụp mí mắt, khó thở, chậm phản ứng với ánh sáng, khuôn mặt ít biểu cảm hơn bình thường, tiếng khóc yếu nghe khác với bình thường.
Hậu quả của ngộ độc botulinum đều dẫn đến tê liệt cơ gây ra bởi ngoại độc tố botulinum. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tiến triển xấu dẫn đến tê liệt hoàn toàn một số cơ cơ hô hấp như cơ ở khí quản, phế quản, cơ liên sườn, cơ hoành và có thể xuất hiện liệt ở các cơ cánh tay, chân và thân. Trong bệnh ngộ độc thực phẩm, người bệnh bị ngộ độc botulinum có thể không có tất cả các triệu chứng này cùng một lúc, vì vậy, người dân không nên chủ quan.
Có thuốc đặc trị căn bệnh ngộ độc botulinum không?
Hiện nay, đã có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh ngộ độc botulinum, đó là loại giải độc tố botulinum có tên gọi là Botulinum Antitoxin Heptavalent (viết tắt là BAT). Ðây là loại thuốc được xếp vào loại thuốc hiếm, số lượng chế phẩm thuốc giải độc độc tố botulinum được lưu hành mức độ hạn chế trong chương trình dự trữ thuốc hiếm của các quốc gia. Chế phẩm đã được đề cập nhiều trong các tài liệu hướng dẫn gần đây và ưu tiên sử dụng hiện nay là loại HBAT được sản xuất từ ngựa.
Thuốc có tác dụng trung hòa đặc hiệu độc tố botulinum. Thuốc BAT có đủ các thành phần kháng thể/mảnh kháng thể trung hòa các thành phần độc tố tương ứng có thể gây ngộ độc trên người. Về lý thuyết thuốc chỉ có tác dụng với các độc tố còn tự do, không có tác dụng với các độc tố đã gắn vào thần kinh của người bệnh, do đó không thể ngay lập tức đảo ngược lại các triệu chứng liệt đã xảy ra khi bắt đầu được sử dụng thuốc HBAT. Tuy nhiên, thuốc có thể ngăn ngộ độc tiến triển nặng lên và rút ngắn đáng kể thời gian ngộ độc, giảm thời gian thở máy, hồi sức và thời gian nằm viện.
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do botulinum
Mọi người hãy coi phòng ngộ độc thực phẩm do ngoại độc tố botulinum là rất cần thiết bởi bệnh diễn biến rất nặng, khó điều trị, nhất là thuốc giải độc loại ngoại độc tố này (BAT: Botulism Antitoxin Heptavalent) còn hết sức khan hiếm. Gần đây, do Việt Nam đã xuất hiện một số người mắc hoặc nghi căn bệnh này cho nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cố gắng để giúp Việt Nam có thuốc khan hiếm này trong thời gian sớm nhất có thể từ kho của WHO tại Thụy Sĩ.
Ðể phòng bệnh ngộc độc thực phẩm do botulinum người dân cần lưu ý chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm thực phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen rỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Luôn luôn thực hiện ăn chín, uống chín (nước được đun sôi để nguội hoặc đã được khử khuẩn đạt tiêu chuẩn ngành y tế quy định, đặc biệt là các loại nước đóng chai).
Hàng ngày nên ăn các loại thực phẩm nhất là thịt, cá vừa chế biến đúng kỹ thuật. Cần hết sức cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ ăn nhanh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng rất cần lưu ý với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn theo như khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế Việt Nam). Khi nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm dù là nguyên nhân gì cũng cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện có uy tín để được cấp cứu kịp thời.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}