Ăn mặn (nhiều muối) được cho là một trong những lý do khiến số người mắc tăng huyết áp gia tăng báo động. Ảnh: Getty Images
Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tử vong trên thế giới. Một công bố trên tạp chí Lancet vào năm 2016 cho biết toàn cầu có hơn 1 tỷ người bị tăng huyết áp, tăng từ 594 triệu người năm 1975 lên hơn 1,1 tỷ người năm 2015, trong đó nhiều nhất là ở Nam Á và châu Phi.
Công bố cũng ghi nhận có đến hơn phân nửa người tăng huyết áp sống ở châu Á (226 triệu người Trung Quốc và 199 triệu người Ấn Độ).
Mỗi năm có đến 9 triệu người tử vong liên quan đến bệnh tăng huyết áp. Tần suất mắc bệnh tăng huyết áp khác nhau giữa nông thôn và thành thị, nam giới nhiều hơn nữ giới.
Tại Việt Nam theo những số liệu chưa chính thức và toàn diện, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, đến 2009 tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn là 25,4% và năm 2016 tỷ lệ tăng lên mức báo động là 48%.
Thống kê năm 2015 của Hội Tim mạch học Việt Nam thực hiện trên 5.454 người trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên) trong quần thể 44 triệu người tại 8 tỉnh, thành phố trên toàn quốc cho thấy có 52,8% người huyết áp bình thường (23,2 triệu người) và 47,2% người (20,8 triệu người) bị tăng huyết áp.
Đặc biệt trong những người bị tăng huyết áp ở nước ta, có đến 39,1% (8,1 triệu người) không được phát hiện bị tăng huyết áp, 7,2% (0,9 triệu người) bị tăng huyết áp không được điều trị và 69% (8,1 triệu người) bị tăng huyết áp chưa kiểm soát được.
50% người bệnh không biết mình bị mắc tăng huyết áp. Ảnh: qmul
Trong thực tế việc chẩn đoán tăng huyết áp chỉ đơn giản bằng cách đo huyết áp, nên tăng huyết áp là bệnh rất dễ phát hiện.
Nhưng có tới 50% người bệnh không biết mình bị mắc tăng huyết áp và không được điều trị. Điều không may là nhiều trường hợp bị tăng huyết áp mà không hề có biểu hiện, triệu chứng, nhưng tăng huyết áp lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nên người ta ví tăng huyết áp là “Kẻ giết người thầm lặng”.
Ngoài lý do tăng huyết áp không có biểu hiện gì khiến người bệnh không biết mình bị bệnh thì còn có một lý do chủ quan, đó là những người này không khám sức khỏe định kỳ để được đo huyết áp và cũng không có máy đo huyết áp để tự kiểm tra tại nhà. Kể cả nhân viên y tế đôi khi cũng không biết con số huyết áp của mình là bao nhiêu.
Năm 2023, một nghiên cứu ở người dân từ 18 – 60 tuổi khám ngoại trú ở Bệnh viện Giao thông vận tải ghi nhận tỷ lệ tăng huyết áp là 17,6% (nhóm tuổi 51– 60 tuổi có tỷ lệ tăng huyết áp cao nhất 39,4%).
Đây là nhóm đối tượng có vấn đề sức khỏe đến khám bệnh, còn trong cộng đồng dân cư bình thường thì chưa có ghi nhận mới kể từ khi có số liệu nêu trên.
Vì sao tần suất mắc tăng huyết áp khác nhau?
Người ta ghi nhận có sự khác nhau về tần suất bệnh tăng huyết áp ở các châu lục. Nói cách khác, tăng huyết áp liên quan đến chủng tộc, tức mang tính di truyền.
Tuy nhiên, sau khi đi sâu vào phân tích sự khác nhau về các yếu tố như môi trường, ăn uống, sinh hoạt, nhận thức, các chuyên gia đã phát hiện ra một số yếu tố có thể thay đổi được và chính những yếu tố này góp phần làm gia tăng bệnh tăng huyết áp thời gian qua.
Các quốc gia có thu nhập thấp có tần suất tăng huyết áp cao hơn. Ảnh: wajamama
Cụ thể các quốc gia có thu nhập thấp thì tần suất tăng huyết áp cao hơn. Chẳng hạn ở châu Phi tần suất là 27% nhưng châu Mỹ chỉ 18%. Chỉ 40% nam giới mắc bệnh tăng huyết áp ý thức được bệnh, còn phụ nữ quan tâm nhiều hơn (54%), nên họ cũng điều trị tốt hơn so với nam giới
Nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng, chống tăng huyết áp và bệnh tim mạch, từ năm 2005 WHO và Liên đoàn Tăng huyết áp thế giới (World Hypertension League) quyết định lấy ngày 17.5 hàng năm là Ngày Tăng huyết áp thế giới.
WHO cũng chọn tháng 5 để tập trung quan tâm đến bệnh tăng huyết áp. Từ năm 2017, 2018, 2019, tháng hành động này nhấn mạnh việc phát hiện tăng huyết áp bằng một cách đơn giản là đo huyết áp để phát hiện sớm nhằm điều trị kịp thời, có hiệu quả.
Trong 3 năm, chương trình được đánh giá thành công với 4,2 triệu người được tầm soát ở gần 100 quốc gia, gần 1 triệu người phát hiện mắc tăng huyết áp nhưng không điều trị hoặc điều trị chưa phù hợp.
Năm 2020 chương trình tạm dừng và trở lại từ năm 2021. Trong 40 năm qua, trong khi nhiều nơi tần suất mắc tăng huyết áp tăng lên thì có những nơi giảm rất thấp. Chẳng hạn ở Anh Quốc, tỷ lệ mắc tăng huyết áp trong cộng đồng giảm thấp nhất nhờ một biện pháp đơn giản là thực hiện chương trình giảm ăn muối từ những năm 2000.
Bên cạnh đó, chính phủ còn vận động người dân thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh như dùng nhiều trái cây và rau quả, tăng cường tầm soát huyết áp để phát hiện sớm và điều trị kiểm soát huyết áp.
Tăng huyết áp ở nước ta liên quan đến ăn nhiều muối
Giảm muối trong khẩu phần ăn đề phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác. Ảnh: Freepik
Tại Việt Nam, tập quán ăn uống của người dân với thói quen ăn mặn (nhiều muối) có thể là lý do làm cho bệnh tăng huyết áp tăng đến mức báo động trong thời gian gần đây.
Nhận diện được vấn đề sức khỏe cộng đồng này, năm 2018 ngành y tế đã ban hành Kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn đề phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2018 – 2025.
Mục tiêu của kế hoạch là vận động người dân giảm mức tiêu thụ muối trung bình của người trưởng thành xuống còn dưới 7 gam/người/ngày.
Kế hoạch cũng đề ra chỉ tiêu trên 30% số cơ sở sản xuất thực phẩm bao gói sẵn có ít nhất một sản phẩm được giảm muối và dán nhãn sản phẩm có công bố hàm lượng muối, chỉ báo thực phẩm có nhiều muối và cảnh báo sức khỏe của ăn nhiều muối.
Kế hoạch được triển khai trên toàn quốc, từ năm 2018 đến năm 2025. Tuy nhiên đến nay chúng ta đã đạt được những kết quả gì thì chưa rõ. Cần thiết có những đánh giá chương trình để điều chỉnh và triển khai có hiệu quả, trong đó có mục tiêu giảm bệnh tăng huyết áp trong tương lai.
Theo TSK số 683
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}