Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với khí hậu nắng nóng kéo dài, tạo điều kiện phát sinh nhiều bệnh do nhiễm khuẩn (vi khuẩn và virus) ở trẻ em cũng như người cao tuổi có sức đề kháng giảm. Hậu quả là tỉ lệ người bệnh phải nhập viện gia tăng một cách đột biến, đặc biệt vào mùa nắng nóng. Nhiệt độ môi trường tăng quá cao sẽ gây suy giảm toàn bộ các chức năng hoạt động thiết yếu của cơ the như: chức năng sản nhiệt - thải nhiệt, chức năng bài tiết - hấp thu và chức năng điều hòa miễn dịch gây nóng, sốt, ngứa, táo bón, tiểu gắt buốt, tiêu hóa kém, mất nước và điện giải... Do đó, để giúp cơ thể chống chịu với thời tiết nắng nóng, chúng ta có thể tận dụng những cây thuốc dễ tìm quanh vườn nhà có khả năng thanh lọc cơ thể hay được gọi là thuốc Nam (thuốc được trồng hay mọc hoang tại Việt Nam) kinh điển có bài “Toa căn bản”.
“Toa căn bản” là bài thuốc được sử dụng từ những năm 1950 do cố BS Nguyễn Văn Hưởng (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) sưu tầm từ Lương y Võ Văn Hưng và phổ biến ứng dụng trong phòng và trị nhiều loại bệnh lý thường gặp trong cộng đồng thời kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ, và đến nay vẫn còn giá trị sử dụng trị bệnh. Toa căn bản gồm 10 loại cây quanh nhà dễ tìm: gừng, sả, lá muồng, cỏ mần trầu, rau má, rễ tranh, cam thảo nam, trần bì, ké đầu ngựa, cỏ mực, với tỷ lệ các thành phần ngang nhau và nấu thành dạng nước mát uống, giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, lợi gan mật, kích thích tiêu hóa, giải độc, nhuận trường. Chủ trị các chứng sốt, nóng trong người, mụn nhọt, lở ngứa ngoài da, táo bón, tiểu tiện gắt buốt,...
Nguồn gốc của tên “Toa căn bản” cấu thành từ một bài thuốc gốc ban đầu gồm mười vị thuốc nam căn bản dễ tìm quanh nhà như đã giới thiệu ở trên, người dân bình thường cũng có thể tự mình thu thập các dược liệu này và tự chế biến để có một bài thuốc với khá nhiều công dụng chữa các chứng bệnh thường gặp hàng ngày. Từ bài thuốc căn bản này, các thầy thuốc có thể thay đổi bằng cách tăng hoặc giảm một số vị thuốc để tạo thành nhiều bài thuốc khác nhau trị các loại bệnh lý như cảm hàn, cảm nhiệt, cảm phong, cảm thử, thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt lợi tiểu, thanh nhiệt lợi gan mật, cảm thương hàn, sốt rét… Do đó bài thuốc mới có tên gọi là “Toa căn bản”.
Xét theo phương diện y học hiện đại, bài thuốc với các thành phần nói trên có các tác dụng dược lý sau đây:
- Thuốc có vị ngọt nhẹ, mát, giúp bổ sung lượng nước mất qua đường đổ mồ hôi ở da hoặc lao động cơ bắp cường độ cao, chống tình trạng tăng thân nhiệt quá mức trong những ngày nắng nóng.
- Thuốc giúp hỗ trợ sự tiêu hóa để chống đầy bụng khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn ói, viêm dạ dày, chống táo bón, giải cơn cảm nóng có kèm sốt, và còn có thể giúp điều trị các triệu chứng mệt mỏi, đuối sức của cơn hạ đường huyết nhẹ.
- Thuốc có tính kháng khuẩn tiêu viêm, chống dị ứng, giải độc cho cơ thể, chống oxy hóa và lão hóa. Do đó có thể hỗ trợ điều trị các bệnh lý viêm nhiễm hô hấp, viêm da dị ứng, nhiệt miệng, loét niêm mạc lưỡi, chảy máu cam do nhiệt.
- Thuốc có tính lợi tiểu nên trị được các triệu chứng tiểu gắt buốt do nhiễm trùng tiểu, sỏi thận - niệu quản, bí tiểu sau sanh hoặc sau phẫu thuật vùng bụng dưới.
Cách nấu thuốc khá đơn giản: mỗi vị thuốc đều được rửa sách, cắt nhỏ và cân với trọng lượng đồng đều khoảng 10 gam từng vị trộn với nhau, nấu với khoảng 500ml nước đến cô đặc còn khoảng 200ml là được, sau đó đổ vào chai thủy tinh hoặc bình giữ nhiệt và đậy kín, dùng trong ngày. Thuốc để nguội và dùng như nước giải khát, uống trước, trong hoặc sau bữa ăn đều được. Người lớn uống mỗi lần 1 chai nói trên. Trẻ em từ 6 – 13 tuổi uống mỗi lần 1/2 chai. Trẻ em từ 2 – 5 tuổi uống mỗi lần 1/3 chai. Ngày uống 2 – 3 lần. Bài thuốc đã được sử dụng rộng rãi từ xưa đến nay, ứng dụng vào điều trị trong nhiều chục năm qua và mang lại rất nhiều hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe của người dân.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}