TS.BS Ngô Thị Kim Oanh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, trả lời:
Bệnh gout là một dạng viêm khớp mạn tính do rối loạn chuyển hóa purin trong cơ thể, dẫn đến tăng acid uric máu và lắng đọng tinh thể urat ở khớp. Bệnh thường gặp ở nam giới trung niên, diễn tiến kéo dài, dễ tái phát và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống.
Trong điều trị gout, Tây y thường dùng thuốc giảm đau, chống viêm trong đợt cấp (như colchicin, NSAIDs, corticosteroids), giảm acid uric máu
lâu dài (như allopurinol, febuxostat).
Nhưng nếu bệnh nhân dùng kéo dài các thuốc này mà không theo dõi chức năng gan – thận định kỳ có thể dẫn đến tác dụng phụ, nhất là ở người có
bệnh nền hoặc tuổi cao.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của Y học cổ truyền (YHCT) gout là “Thống phong”, tức đau nhức do phong tà xâm nhập kết hợp thấp nhiệt, huyết ứ, khí
trệ. Gốc bệnh thường do tạng can thận hư yếu, rối loạn vận hóa thủy thấp, lâu ngày sinh đàm trọc, ứ đọng ở khớp.
Việc điều trị trong Đông y không chỉ dừng lại ở việc giảm đau mà còn điều hòa toàn thân, bồi bổ khí huyết, phục hồi chức năng tạng phủ để phòng tái
phát.
Những thảo dược thường dùng hỗ trợ điều trị gout trong YHCT có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, hoạt huyết, thông lạc, cụ thể như:
Đỗ Trọng là một trong những cây thuốc quý, chữa được gout và nhiều bệnh khác nhau. Ảnh: direc tree
Thổ phục linh: vị ngọt nhạt, tính bình, có tác dụng giải độc, trừ thấp, thường dùng khi khớp sưng đỏ do gout cấp;
Đỗ trọng: bổ can thận, mạnh gân xương, hỗ trợ cải thiện nền tảng cơ địa yếu ở bệnh nhân mạn tính;
Rễ cỏ xước (Ngưu tất): giúp hoạt huyết, thông kinh lạc, lợi niệu, giảm acid uric nhẹ; Hy thiêm: trừ phong thấp, giảm đau khớp, đặc biệt hiệu quả ở người cao tuổi bị viêm khớp;
Trạch tả, râu ngô, kim tiền thảo: tác dụng lợi tiểu, hỗ trợ tăng đào thải acid uric qua đường niệu.
Tùy thể bệnh (như phong thấp nhiệt, tỳ thận hư, khí huyết ứ trệ) mà bác sĩ sẽ lựa chọn bài thuốc phù hợp, có thể là thuốc sắc, viên hoàn, cao mềm hoặc kết hợp châm cứu, cứu ngải, xoa bóp, bấm huyệt để tăng hiệu quả.
Nhưng cần biết, dù là dược liệu từ thiên nhiên, nếu dùng không đúng liều lượng, không phù hợp cơ địa, thì thảo dược vẫn có thể gây hại. Thí dụ rễ cỏ xước nếu dùng quá liều có thể gây tụt huyết áp; thổ phục linh dùng kéo dài dễ gây khó tiêu, mệt mỏi; chưa kể một số “thuốc nam” trôi nổi không rõ nguồn gốc có thể chứa corticoid làm giảm đau nhanh, dùng kéo dài dẫn đến suy thận, loãng xương, tăng đường huyết.
Do đó, chị không nên tự ý dùng các bài thuốc dân gian truyền miệng chưa kiểm chứng. Thay vào đó, nên đưa người thân đến cơ sở y học cổ truyền
uy tín, có bác sĩ chuyên khoa để được khám, chẩn đoán thể bệnh và kê toa phù hợp.
Với người bệnh đã điều trị Tây y nhiều năm, bác sĩ có thể kết hợp điều trị hỗ trợ bằng YHCT để hạn chế tác dụng phụ của thuốc Tây; tăng cường
đào thải acid uric qua thận; nâng cao thể trạng, giảm tái phát đợt gout cấp. Nhưng quá trình phối hợp này cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ để tránh tương tác bất lợi.
Theo TSK số 696
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}