Cholesterol là một chất béo quan trọng của cơ thể. Ảnh: Getty Images
1. Cholesterol luôn có hại cho sức khỏe
Sự thật: Cholesterol là một chất béo trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc màng tế bào và sản xuất các hormone thiết yếu.
Ngoài ra, cholesterol còn góp phần vào quá trình phát triển thai nhi trong bụng mẹ.
Có hai loại cholesterol thường được nhắc đến:
• LDL (cholesterol “xấu”): Khi dư thừa, LDL có thể lắng đọng trong lòng mạch, gây xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
• HDL (cholesterol “tốt”): Giúp vận chuyển cholesterol dư thừa từ các mô về gan để xử lý. Do đó, cholesterol không hoàn toàn “xấu”, mà vấn đề nằm ở sự mất cân bằng giữa LDL và HDL.
2. Cholesterol “tốt” (HDL) càng cao càng tốt
Nồng độ HDL cao không có nghĩa là bạn không mắc các vấn đề về tim mạch. Ảnh: Getty Images
Sự thật: Ngày nay quan điểm này đã thay đổi vì một số nghiên cứu cho thấy nồng độ HDL cao không mang lại lợi ích rõ ràng, thậm chí đôi khi còn liên quan đến tình trạng viêm hoặc rối loạn chuyển hóa.
Ví dụ trong một nghiên cứu trên 400.000 người tại Anh đăng trên tạp chí American Journal of Cardiology vào năm 2022, các nhà khoa học nhận thấy nam giới có HDL <40 hoặc >80 mg/ dL và nữ giới có HDL >100 mg/dL có nguy cơ tử vong do tim mạch tăng cao. (Lưu ý: Nồng độ bình thường HDLCholesterol trong máu là 40-50 mg/dL ở nam và 50-59 mg/dl ở nữ).
Tương tự, trong một nghiên cứu tại Ý trên hơn 11.000 người bị tăng huyết áp đăng trên tạp chí Hypertension vào năm 2022, người ta cũng nhận thấy những ai có HDL cao (>80mg/dL) đều có nguy cơ biến cố tim mạch cao hơn những người có HDL trung bình (từ 40 80mg/dL) Như thế điều quan trọng ở đây có lẽ không chỉ là số lượng HDL, mà còn là cách thức thành phần này hoạt động như thế nào.
Nhưng đây chỉ là giả thiết và đến nay y học vẫn chưa có được câu trả lời chính xác. Vì thế tốt nhất bạn không nên chủ quan nếu có HDL cao mà hãy duy trì lối sống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ.
3. Chỉ cần kiểm tra cholesterol khi có tuổi
Tấm soát cholesterol thường xuyên nếu bạn có tiền sử mắc bệnh tim. Ảnh Getty Images
Sự thật: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association) khuyến cáo người lớn từ 20 tuổi trở lên nên kiểm tra cholesterol máu mỗi 4–6 năm. Việc tầm soát cần thường xuyên hơn nếu bạn có tiền sử gia đình hoặc tiền sử cá nhân có bệnh tim.
Trong khi đó Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) khuyến cáo tất cả trẻ em nên được sàng lọc cholesterol, đặc biệt trẻ từ 9-11 tuổi nếu có yếu tố nguy cơ cao như béo phì, di truyền hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim sớm.
4. Tôi không thể kiểm soát mức cholesterol của mình
Có thể kiểm soát cholesterol bằng cách tập thể dục. Ảnh: Getty Images
Sự thật: Đúng là có một số yếu tố ảnh hưởng đến cholesterol nằm ngoài tầm kiểm soát như tuổi tác hay yếu tố di truyền. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách để bạn chủ động kiểm soát cholesterol như:
• Tập thể dục đều đặn, nhất là các bài tập vận động mạnh như chạy bộ hoặc đạp xe với tốc độ vừa phải đến nhanh vì chúng có thể giúp giảm cholesterol ít nhất 10%. Ngoài ra, vận động còn cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe tim mạch toàn diện. Không loại thuốc nào có thể thay thế hoàn toàn lợi ích sinh lý mà tập thể dục mang lại.
• Giảm cân, dù chỉ một chút, cũng tạo ra hiệu quả lớn. Một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy chỉ cần giảm 5–10% trọng lượng cơ thể bạn cũng có thể giảm đáng kể tổng cholesterol, LDL và triglyceride. Tóm lại, dù tuổi tác và di truyền có ảnh hưởng nhất định, bạn vẫn hoàn toàn có thể chủ động thay đổi lối sống để cải thiện mức cholesterol máu, từ đó giảm được nguy cơ bệnh tim mạch một cách bền vững.
5. Cholesterol thấp nghĩa là không bị nhồi máu cơ tim
Sự thật: Chỉ số cholesterol thấp không đồng nghĩa với không có nguy cơ tim mạch. Cholesterol chỉ là một trong rất nhiều yếu tố nguy cơ như tuổi tác, giới tính nam, hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, lối sống ít vận động.
Thậm chí, có những người cholesterol bình thường nhưng vẫn bị nhồi máu cơ tim do có những yếu tố nguy cơ khác. Do đó, bạn không nên nhìn vào chỉ số cholesterol mà hãy đánh giá toàn diện về nguy cơ nhồi máu cơ tim.
6. Muốn giảm cholesterol thì phải kiêng trứng tuyệt đối
Các chuyên gia tim mạch khuyên bạn nên xây dựng một chế độ ăn lành mạnh thay vì kiêng trứng. Ảnh: Shutter stock
Sự thật: Có thể bạn từng thấy những sản phẩm ghi rõ “Không cholesterol” và được khuyên hạn chế trứng. Trước đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ khuyến cáo không ăn quá 300mg cholesterol/ngày. Nhưng từ năm 2015, hướng dẫn dinh dưỡng này đã bỏ giới hạn cụ thể vì đa số người dân không tiêu thụ vượt quá mức đó. Các nghiên cứu tại nhiều quốc gia cũng cho thấy cholesterol trong thực phẩm (như trứng) không liên quan rõ ràng đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở đa số người.
Vì sao có điều này? Đơn giản vì người ra biết rằng điều thực sự làm tăng “cholesterol xấu” (LDL) là chất béo bão hòa như bơ, phô mai, mỡ động vật. Ngược lại, chất béo không bão hòa như dầu ô liu, dầu cá, dầu hạt thì có lợi cho tim mạch. Vì thế, thay vì quá chú trọng “kiêng trứng”, các chuyên gia tim mạch đề nghị một chế độ ăn lành mạnh tổng thể như tăng cường rau, củ, quả; ưu tiên cá, đậu và các loại hạt thay vì thịt đỏ; sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ động vật
7. Có thể kiểm soát cholesterol hoàn toàn bằng lối sống, không cần thuốc
Sự thật: Lối sống là nền tảng nhưng không phải ai cũng kiểm soát được cholesterol trong máu chỉ bằng ăn uống và tập luyện. Một số người mắc rối loạn lipid di truyền, như chứng tăng cholesterol gia đình (familial hypercholesterolemia), khiến LDL tăng cao ngay từ nhỏ và cần được điều trị bằng thuốc.
Ngoài ra, một số người từng bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ cũng cần dùng các thuốc giảm cholesterol để giảm tái phát biến cố tim mạch. Theo các hướng dẫn hiện nay, nếu nguy cơ tim mạch 10 năm của bạn vượt quá 7,5% (*) hoặc có yếu tố nguy cơ cao, bác sĩ có thể kê thuốc dù chỉ số LDL chưa quá cao.
Một số giải pháp để có trái tim khỏe mạnh •Tầm soát cholesterol định kỳ từ năm 20 tuổi, đặc biệt nếu bạn có yếu tố nguy cơ tim mạch. • Duy trì chế độ ăn lành mạnh: Giảm mỡ bão hòa; tăng cường chất xơ; ăn nhiều rau, cá và ngũ cốc nguyên hạt. • Vận động đều đặn: Ít nhất 150 phút/ tuần với cường độ vừa, hoặc 75 phút cường độ cao. • Không hút thuốc lá; hạn chế rượu, bia; kiểm soát cân nặng và ngủ đủ. • Trao đổi với bác sĩ nếu có bệnh nền hoặc tiền sử gia đình để được đánh giá nguy cơ tim mạch và điều trị phù hợp.
|
Theo TSK số 696
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}