Nam giới sử dụng testosterone không đúng mục đích gây ra những hệ lụy khó lường. Ảnh: Getty Images
Anh N.T.T., 27 tuổi, từng đi khám vì nổi mụn trứng cá toàn thân, rối loạn cương và teo tinh hoàn. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện suốt 6 tháng anh đã tự ý tiêm testosterone để tăng cơ. Xét nghiệm cho thấy tinh dịch đồ của anh không có tinh trùng, T. được chẩn đoán suy sinh dục thứ phát do lạm dụng testosterone.
Bệnh nhân được yêu cầu ngưng sử dụng thuốc hoàn toàn, theo dõi chức năng tuyến yên và thực hiện liệu pháp phục hồi trục nội tiết-sinh sản. May mắn là sau 6 tháng, tinh hoàn của T. phục hồi thể tích và bắt đầu xuất hiện tinh trùng trở lại.
Trường hợp khác là T.H.N., 19 tuổi, chuyển giới nam, tự sử dụng testosterone suốt 1 năm không theo dõi y tế. Hậu quả là N. cảm thấy mệt mỏi, tăng huyết áp và trầm cảm. Xét nghiệm ghi nhận hematocrit (tỷ lệ phần trăm hồng cầu trong máu) tăng 55% và men gan tăng nhẹ. Sau khi được dừng thuốc và xây dựng lại phác đồ phù hợp, các chỉ số sức khỏe bệnh nhân dần cải thiện
Hiểu đúng về testosterone
Là nội tiết tố sinh dục nam chủ yếu, đóng vai trò trung tâm trong hình thành đặc điểm giới tính nam, phát triển cơ bắp, chức năng sinh lý và tâm lý nam giới, nên testosterone được dùng trong y học với nhiều công dụng khác nhau. Thế nhưng cần hiểu đúng những công dụng này để tránh hậu quả đáng tiếc.
Tự ý sử dụng testosterone sẽ dẫn đến nhiều nguy hiểm cho sức khỏe. Ảnh: MMT
- Điều trị suy sinh dục: Testosterone là liệu pháp chính trong điều trị suy sinh dục. Đây là tình trạng cơ thể không sản xuất đủ testosterone, có thể xảy ra ở thiếu niên dậy thì muộn, người trưởng thành mắc suy tinh hoàn nguyên phát hoặc thứ phát, hoặc người lớn tuổi bị mãn dục.
Các nghiên cứu cho thấy bổ sung testosterone sẽ giúp kích hoạt dậy thì ở thanh thiếu niên, cải thiện mật độ xương, khối cơ, chức năng tình dục và tâm trạng ở người trưởng thành.
Nghiên cứu của Palmert và Dunkel công bố trên The New England Journal of Medicine năm 2012 cho thấy testosterone enanthate liều thấp giúp cải thiện rõ rệt sự phát triển giới tính ở thiếu niên dậy thì muộn.
Năm 2018, nghiên cứu của Bhasin đăng trên tạp chí này cũng xác nhận testosterone giúp cải thiện sức mạnh và vận động ở người cao tuổi có testosterone thấp.
- Hỗ trợ chuyển giới nữ thành nam: Liệu pháp testosterone còn là nền tảng điều trị nội tiết cho người chuyển giới nữ thành nam (female-to-male transgender hormone therapy). Thuốc giúp phát triển các đặc điểm nam tính như mọc râu, làm dày giọng, tăng khối cơ và phì đại âm vật.
Theo hướng dẫn của Endocrine Society, cộng đồng quy tụ hơn 18.000 chuyên gia nội tiết hàng đầu thế giới, trong trường hợp này liệu pháp testosterone là an toàn, hiệu quả và cải thiện rõ rệt chất lượng sống cho người chuyển giới.
- Tăng cường sinh lý: Một số người không mắc suy sinh dục vẫn sử dụng testosterone với kỳ vọng tăng ham muốn tình dục (libido) hoặc cải thiện khả năng cương (erectile function). Nhưng cần biết khi testosterone ở mức bình thường thì việc sử dụng thêm không mang lại lợi ích rõ rệt, thậm chí còn có thể gây hại.
- Tăng cơ bắp: Trong tập luyện và thi đấu thể thao, testosterone thường bị lạm dụng như chất tăng cơ. Đúng là thuốc giúp tăng khối cơ nạc nhưng việc sử dụng không kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, rối loạn tâm thần và vô sinh.
- Chống lão hóa: Liệu pháp testosterone cũng được quảng bá như một phương pháp chống lão hóa. Một số bằng chứng cho thấy thuốc có thể cải thiện năng lượng, giảm mỡ bụng (abdominal fat), tuy nhiên đến nay y học vẫn chưa có đủ dữ liệu vững chắc để khuyến cáo sử dụng đại trà.
- Hỗ trợ điều trị hiếm muộn nam: Về sinh sản, testosterone nội sinh là yếu tố thiết yếu cho quá trình sinh tinh, nhưng testosterone ngoại sinh lại ức chế trục hạ đồi - tuyến yên - tinh hoàn (hypothalamic - pituitary - gonadal axis), làm giảm sản xuất tinh trùng. Chỉ trong những trường hợp hiếm gặp, khi phối hợp với thuốc kích thích sinh tinh như hCG hoặc FSH, testosterone mới có vai trò hỗ trợ sinh sản.
- Hỗ trợ điều trị hội chứng chuyển hóa và đái tháo đường type 2: Testosterone còn được nghiên cứu như một yếu tố điều chỉnh chuyển hóa. Ở nam giới có testosterone thấp, nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa và đái tháo đường type 2 gia tăng rõ rệt.
Theo nghiên cứu của Haider và cộng sự công bố trên Diabetes Care năm 2014, điều trị testosterone giúp cải thiện HbA1c, vòng eo và lipid máu, đồng thời làm giảm tỷ lệ mắc mới đái tháo đường type 2 trong thời gian 6 năm.
Tác dụng phụ, biến chứng nguy hiểm của testosterone
Testosterone có nhiều tác dụng phụ, biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh: Healthagains
- Ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt: Trong những tác dụng phụ nghiêm trọng được ghi nhận khi sử dụng testosterone, ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt là mối quan tâm phổ biến. Testosterone có thể làm tăng thể tích tuyến tiền liệt và nồng độ PSA, dẫn đến các rối loạn tiểu tiện. Dù chưa có bằng chứng trực tiếp cho thấy testosterone làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt nhưng bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tuyến tiền liệt cần được theo dõi sát sao.
- Biến chứng tim mạch: Cụ thể testosterone có thể làm tăng nguy cơ huyết khối. Năm 2014, Finkle và cộng sự công bố trên PLOS ONE nghiên cứu ghi nhận nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp đôi trong 3 tháng đầu ở nam giới bắt đầu điều trị testosterone.
- Rối loạn chuyển hóa và tổn thương gan: Testosterone có thể gây rối loạn chuyển hóa như tăng men gan, tăng hematocrit và làm trầm trọng tình trạng rối loạn lipid máu.
- Ức chế trục sinh sản và vô sinh: Nguy cơ ức chế trục nội tiết sinh sản là phổ biến nhất, gây giảm LH và FSH, dẫn đến teo tinh hoàn và vô sinh.
- Rối loạn tâm thần và hành vi: Một số trường hợp dùng liều cao ghi nhận các triệu chứng rối loạn tâm thần như kích động, hưng cảm, hành vi hung hăng hoặc rối loạn cảm xúc.
Theo TSK số 695
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}