Vi khuẩn C. botulinum và độc tố Botulinum
Clostridium botulinum (C. botulinum) là vi khuẩn hình que, thuộc loại yếm khí, nghĩa là chúng chỉ sống và phát triển trong môi trường oxy thấp. Vi khuẩn C. botulinum tồn tại trong đất, nước phân động vật, ruột cá, ruột động vật có vú, từ đó xâm nhập vào thực phẩm, sinh độc tố gây ngộ độc khi vào cơ thể. Khi gặp phải điều kiện không thuận lợi, vi khuẩn này hình thành bào tử bảo vệ giúp nó có thể tồn tại đến vài năm.
Các bào tử nói chung là vô hại, nguy hiểm xảy ra khi chúng xâm nhập cơ thể, phát triển thành vi khuẩn hoạt động và tạo ra độc tố thần kinh Botulinum. Vi khuẩn C. botulinum tạo ra bảy ngoại độc tố gồm A, B, C (C1 , C2) , D, E, F và G, chúng khác biệt về mặt kháng nguyên và huyết thanh học nhưng giống nhau về cấu trúc. Loại A là loại độc tố mạnh nhất, tiếp theo là loại B và F. Các loại A, B và E thường liên quan đến chứng ngộ độc thịt toàn thân ở người. Trong y học, Botulinum týp A được sử dụng để điều trị một số rối loạn đặc trưng do sự hoạt động quá mức của cơ, gồm bại não, co cứng sau đột quỵ hay chấn thương tủy sống, mí mắt, hàm, tay, chân,… chứng đổ nhiều mồ hôi và giảm nếp nhăn trong thẩm mỹ.
Tất cả các kiểu độc tố trên đều can thiệp vào sự dẫn truyền thần kinh do ngăn chặn quá trình giải phóng chất dẫn truyền thần kinh acetylcholin tại điểm nối thần kinh cơ. Nó có thể phá hủy, làm tê liệt hoặc ảnh hưởng xấu đến dây thần kinh hoặc mô thần kinh.
Các thể bệnh gây ra do C. botulinum
– Nhiễm khuẩn từ thức ăn (ngộ độc thịt): do ăn phải thực phẩm có nhiễm độc tố C. botulinum, thường là rau củ, nước sốt, thịt, hải sản không được chế biến và bảo quản đúng cách.
– Nhiễm độc tố Botulinum ở nhũ nhi: khi trẻ ăn phải bào tử C. botulinum, sau đó bào tử phát triển và sinh độc tố trong ruột. Mật ong là một nguồn chứa bào tử C. botulinum thường gặp, vì vậy không nên cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong tươi.
– Nhiễm từ vết thương: vết thương hở bị nhiễm vi khuẩn C. botulinum, trong điều kiện yếm khí, vi khuẩn phát triển và giải phóng độc tố vào máu làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và xuất hiện các cơn co giật.
– Nhiễm từ đường ruột người lớn: cơ chế như ở nhũ nhi.
– Nhiễm độc tố qua đường hô hấp: hiếm gặp, thường ở các nhân viên phòng thí nghiệm.
Ngộ độc thịt
Ngộ độc thịt là một bệnh gây ra do ăn phải thực phẩm nhiễm một trong những chất độc thần kinh được vi khuẩn C. botulinum tạo ra. Đây là một trong những chất độc nhất, ngay cả với một lượng nhỏ cũng có thể gây ngộ độc, trường hợp nặng có thể tử vong.
Các triệu chứng của ngộ độc thịt thường xuất hiện trong vòng 12 đến 36 giờ sau khi ăn thức ăn có chứa chất độc, cũng có tài liệu ghi nhận dao động từ 4 giờ đến 8 ngày. Các triệu chứng xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nghiêm trọng. Triệu chứng đầu tiên là buồn nôn, nôn mửa, suy nhược và chóng mặt, sau đó xuất hiện các triệu chứng thần kinh gồm: suy giảm thị lực (mờ hoặc nhìn đôi), mất chức năng cổ họng và miệng (khó nói và nuốt; khô miệng, họng và lưỡi đau), thiếu sự phối hợp của các cơ và khó thở. Bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp và tắc nghẽn đường thở.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, việc tiêm thuốc chống độc nhằm trung hòa độc tố chưakịpliên kết với các đầu dây thần kinh có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, do nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng chỉ địnhsửdụngkháng độc tố.
Môi trường kín, thiếu oxy (như đồ hộp) tạo điều kiện để bào tử (nếu còn sống sót) C. botulinum phát triển thành vi khuẩn và tiết ra độc tố.
Đồ hộp (thực phẩm đóng hộp) thường được ưu tiên lựa chọn khi bận rộn hoặc mang đi xa vì tiện lợi, nhưng nếu không cẩn thận có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc Botulinum. Đối với thực phẩm đóng hộp, độc tố hình thành khi sản phẩm được chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và quy trình đóng hộp. C. botulinum không thể phát triển khi độ pH dưới 4,6, vì vậy thực phẩm có tính acid, chẳng hạn như hầu hết các loại trái cây, cà chua và dưa chua, có thể được chế biến an toàn trong đồ hộp cách thủy, còn các thực phẩm có độ pH cao hơn (hầu hết các loại rau và thịt) phải được tiệt trùng ở nhiệt độ cao (116 – 130 độ C) mới có thể tiêu diệt được bào tử (nếu có). Điều này rất khó thực hiện với việc đóng hộp tại nhà, không dùng nồi áp suất. Quá trình đóng hộp sẽ loại bỏ oxy trong hộp, nếu bào tử không bị tiêu diệt thì môi trường oxy thấp sẽ tạo điều kiện để chúng phát triển thành vi khuẩn hoạt động và sản sinh độc tố. Tuy nhiên, may mắn là độc tố Botulinum nhạy cảm với nhiệt và có thể bị phá hủy nếu được đun sôi trong 10 phút.
Để tránh nguy cơ nhiễm độc tố vi khuẩn C. botulinum, cần:
– Thực hiện đúng nguyên tắc ăn chín uống sôi. Thức ăn nấu xong cần ăn ngay, thức ăn thừa của bữa trước nên nấu sôi lại ít nhất 10 phút.
– Khi chế biến cần để riêng thức ăn sống và đã nấu chín, dùng dao thớt riêng cho mỗi loại thực phẩm sống và chín.
– Cất vào tủ lạnh tất cả thức ăn thừa và thức ăn chín trong vòng 2 giờ sau khi nấu.
– Bỏ tất cả thức ăn ôi thiu, đồ hộp bị phồng, có hơi hoặc móp méo.
Thuốc điều trị bệnh nhiễm độc tố botulinum
Khi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh nhiễm độc tố Botulinum, người bệnh cần được nhanh chóng nhập viện và tiến hành điều trị cấp cứu với các loại thuốc sau:
– Thuốc kháng sinh: chỉ được sử dụng trong điều trị bệnh nhiễm độc tố Botulinum do nhiễm độc vết thương, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
Các thuốc kháng sinh thường được sử dụng là pencillin G, chloramphenicol, clindamycin….
– Thuốc kháng độc tố: trong thành phần có chứa các kháng thể đặc hiệu chống lại các độc tố, làm vô hiệu hóa độc tính của độc tố Botulinum.
Thuốc kháng độc tố tác động bằng cách ngăn chặn những tác hại của độc tố Botulinum trên hệ thần kinh.
Hiện nay, Heptavalent là thuốc kháng độc tố được FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) chấp thuận, là thuốc được lựa chọn hàng đầu trong điều trị bệnh nhiễm độc tố Botulinum do C. botulinum gây ra.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}