Ung thư là một bệnh đáng sợ. Các nhà nghiên cứu đã dự đoán rằng vào cuối thế kỷ này ung thư sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở mọi quốc gia trên thế giới.
Trong bài này, chúng tôi chỉ nêu lên một số tài liệu khoa học có xuất xứ đáng tin cậy, đề cập đến vai trò của thực phẩm và chế độ ăn uống trên sự phát triển của bệnh ung thư, để quý bạn đọc tham khảo.
Thực phẩm và chế độ ăn uống có liên quan đến nguy cơ ung thư
Dưới đây là một vài ví dụ tiêu biểu đã được các nghiên cứu nghiêm túc xác nhận:
– Aflatoxin: là một hợp chất được tạo ra bởi một loại nấm thường phát triển trong các loại nông sản để lâu và bảo quản kém trong điều kiện nóng ẩm, như đậu phộng (lạc), các loại ngũ cốc, trái cây khô,…
Tiếp xúc lâu dài với aflatoxin có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư gan, túi mật và cũng có thể cả ung thư ruột già và thận.
– Thịt đã qua chế biến ở nhiệt độ cao: từ năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp một số thịt qua chế biến là “chất gây ung thư” và thịt đỏ là “chất có thể gây ung thư”. Các nhà khoa học đã chứng minh những hợp chất được tạo ra trong quá trình chiên (rán), nướng, hoặc hun khói ở nhiệt độ cao, có thể gây ra tổn thương tế bào tạo sự phát triển của các tế bào ung thư.
Các tài liệu công bố trên tạp chí chuyên về ung thư quốc tế (IJC) ngày 6.12.2017 cho thấy chế độ ăn nhiều thịt, như thịt đã qua chế biến ở nhiệt độ cao (khoảng 60g mỗi ngày) và thịt đỏ (đến 150g mỗi ngày) có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng lên khoảng 20%.
Tiêu thụ nhiều các sản phẩm từ động vật có vú, chẳng hạn như thịt đỏ và các sản phẩm sữa, còn làm tăng lượng N-glycolylneuraminic acid (Neu5Gc) có thể là một yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng.
Ngoài ra, nhiều tài liệu khoa học cũng liên kết chế độ ăn nhiều thịt chế biến và thịt đỏ với việc tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác, bao gồm ung thư dạ dày và ung thư vú.
– Thực phẩm siêu chế biến: là những thực phẩm qua quá trình chế biến công nghiệp để dễ bảo quản và sử dụng, gồm các loại thức ăn nhanh (ngọt và mặn) như bánh hộp, kẹo, crackers, chips, các sản phẩm thịt hộp hay đóng gói sẵn, nước ngọt, nước tăng lực,…
Thực phẩm siêu chế biến thường chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo trans, đường, muối,… Quá trình chế biến thực phẩm ở nhiệt độ cao tạo ra các chất được xem là có khả năng gây ung thư, như các amin dị vòng và hydrocarbon thơm đa vòng… Trong khi đó, những thực phẩm siêu chế biến thường có rất ít những chất dinh dưỡng cần thiết cho việc bảo vệ sức khỏe như: chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Trên tạp chí BMJ (số tháng 2.2018), có đăng các nghiên cứu thống kê dữ liệu của gần 105.000 người, cho thấy: việc tăng tỷ lệ thực phẩm siêu chế biến lên 10% có liên quan đến tăng 12% nguy cơ mắc bệnh ung thư nói chung, và tăng 11% khả năng phát triển ung thư vú.
Các hóa chất thường được sử dụng để bảo quản thịt đã qua chế biến, trong đó có các nitrat và nitrit như xúc xích, lạp xưởng,… cũng là nguyên nhân có thể làm tăng khả năng tiếp xúc của ruột với các hợp chất N-nitroso gây ung thư ở gan và một số cơ quan khác như: ống mật, thận, phổi,... Ngoài ra, một số chất phụ gia công nghiệp, các chất ô nhiễm từ bao bì, cũng có thể là những chất có khả năng gây ung thư.
– Cá khô ướp muối: cá ướp muối phơi khô ở một số vùng của châu Á có thể tạo ra một số chất gây ung thư tiềm ẩn đã được xác định, bao gồm N-_nitrosodimethylamin _và các hợp chất N-nitroso khác. Tổ chức IARC xếp cá muối khô thuộc nhóm chất gây ung thư cho người.
– Chế độ ăn nhiều muối, đường, tinh bột: các nhà khoa học cho rằng chế độ ăn nhiều muối cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra. Nhiễm H. pylori làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư dạ dày.
Chế độ ăn nhiều đường và carbohydrat tinh chế (như bánh mì trắng và gạo trắng) tạo ảnh hưởng xấu đến lượng đường trong máu, làm tăng tiết insulin và phản ứng kháng insulin mãn tính, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ phát triển một số chứng ung thư.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh mối liên quan giữa việc uống rượu và đồ uống có cồn với ung thư miệng, hầu, thanh quản và thực quản, có thể cả ung thư vú và gan. Nguy cơ ung thư phụ thuộc vào lượng cồn sử dụng. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư do đồ uống có cồn tăng lên một cách bất thường ở những người có hút thuốc.
Giảm nguy cơ ung thư thông qua thực phẩm và chế độ ăn uống
Mặc dù có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển ung thư ở người, bao gồm cả những yếu tố mà người ta không thể kiểm soát. Tuy nhiên, việc hạn chế sử dụng các thực phẩm và chế độ ăn uống có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư, như những ví dụ nêu trên, đã góp phần đáng kể làm giảm khả năng mắc ung thư.
Thêm vào đó, các chuyên gia về dinh dưỡng còn cho rằng: chế độ ăn nhiều rau quả, các ngũ cốc nguyên hạt và các loại thực phẩm thực vật giàu chất xơ khác có khả năng giúp bảo vệ chống lại phát triển của nhiều dạng ung thư. Những thực phẩm này chứa các hợp chất thiên nhiên có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, bẫy gốc tự do… giúp bảo vệ chống lại các tổn thương tế bào, góp phần hạn chế mắc bệnh ung thư.
Ngoài ra, các yếu tố khác: tránh môi trường ô nhiễm, tránh hút thuốc, giảm uống rượu, sống lạc quan, năng động, quản lý trọng lượng cơ thể tốt,… cũng là những yếu tố rất quan trọng để giảm nguy cơ ung thư.
Cũng cần nói thêm, cho đến nay, cả hai cơ quan chuyên môn là Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF) và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) đều không đánh giá bất kỳ yếu tố chế độ ăn uống nào có khả năng bảo vệ chống lại ung thư một cách thuyết phục.
Các tài liệu nghiên cứu khoa học nghiêm túc cũng không xác định một chất nào trong các loại thực phẩm hay dược liệu thiên nhiên, với liều dùng cụ thể, có thể có hiệu quả để phòng chống một dạng ung thư xác định. Các cơ quan thẩm quyền về y tế cũng không chấp thuận hoặc ủng hộ việc sử dụng các chế phẩm công nghiệp dạng thực phẩm chức năng, các sản phẩm hỗ trợ, các chất bổ sung (supplements, vitamin, khoáng chất),… như những chất thật sự có tác dụng trong việc phòng chống bệnh ung thư.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}