Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư gan:
- Viêm gan do virút
Viêm gan siêu vi B và C (HBV, HCV) là một đại dịch với mối đe dọa chết người: xơ gan và ung thư gan. Nước ta nằm trong vùng dịch viêm gan này. Ước tính có 10% – 20% dân số bị nhiễm HBV mạn tính, tính ra cả nước có khoảng 7 – 14 triệu người nhiễm HBV mạn tính. Trong khi đó, số người nhiễm HCV hiện nay vẫn chưa tính được. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: cứ 100 người bị ung thư tế bào gan thì 80 người là do HBV và 20 người là do HCV.
Các virút này có thể lây lan từ người này sang người khác qua đường máu (truyền máu, dùng chung bơm kim tiêm), qua quan hệ tình dục và từ mẹ sang con khi sanh. Ung thư gan và xơ gan phát triển âm thầm sau nhiều năm nhiễm virút. Nhiều người không thấy triệu chứng viêm gan mà chỉ phát hiện bệnh qua xét nghiệm máu khi khám sức khỏe định kỳ.
- Nhiễm chất độc aflatoxin
Aflatoxin là độc tố do nấm mốc Aspergillus flavus tạo ra. Vi nấm này có ở các loại ngũ cốc (Bắp, Gạo, Đậu phộng, hạt Hướng dương,…) do quá trình chế biến, vận chuyển và bảo quản không đúng cách, chúng ta thường gọi là mọc nấm mốc. Aflatoxin gây hại khắp cơ thể nhưng lại ưa gan nhất. Aflatoxin hại gan, dẫn tới gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan. Aflatoxin và HBV mà liên kết thì gây ung thư gan cao hơn 60 lần nhiễm HBV riêng lẻ.
- Bệnh gan do rượu
Cũng là một nguyên nhân gây ung thư gan trong tình hình lạm dụng rượu bia nhiều như hiện nay. Gan bị tổn thương do uống rượu nhiều, mặc dù gan có thể tái tạo khi bị tổn thương, nhưng rượu tàn phá thời gian dài sẽ làm gan bị tổn thương mất bù. Lúc đầu là gan nhiễm mỡ, rồi đến viêm gan và giai đoạn cuối là xơ gan, lúc này HCV mà vào thì phá gan dễ dàng. Ngược lại, nhiễm HCV mà uống rượu thì xơ gan và ung thư gan bùng lên.
Phát hiện ung thư gan
Ung thư gan ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì. Chụp CT scan giúp thấy rõ được có bướu hay không, trong hay ngoài gan, loại gì. Chụp MRI có thể định được bướu lành hay ác tính. Nếu nghi ngờ thì sinh thiết gan để chẩn đoán chính xác.
Tầm soát ung thư gan
Những người bị viêm gan HBV hoặc HCV, trong gia đình có người bị ung thư gan hoặc thấy mình có nguy cơ cao (nghiện rượu) thì nên nhờ bác sĩ tầm soát. Siêu âm gan không tốn kém nhiều, không có hại, giúp phát hiện ung thư gan. Xét nghiệm AFP (Alpha - Feto Protein) trong máu, nếu AFP quá ngưỡng thì có thể nghi ngờ ung thư gan (hoặc ung thư khác). Nhưng có khi ung thư gan đã lớn mà lượng AFP bình thường và ngược lại, lượng AFP bất thường cũng có thể gặp ở nhiều bệnh không ung thư.
Phòng ngừa ung thư gan bằng cách không để viêm gan do HBV, HCV. Chủ động tiêm phòng HBV, vắc xin giúp tránh nguy cơ nhiễm bệnh khoảng 90% cho trẻ em và người lớn; trẻ em nên được tiêm chủng thật sớm, từ lúc mới sinh cho đến một tuổi. Ngừa nhiễm HCV bằng cách: quan hệ tình dục an toàn, khi cần tiêm thuốc thì phải chắc là kim vô trùng, thận trọng khi xâm lông mày, xăm hình trên da, xỏ lỗ tai, lỗ mũi để đeo bông… Điều trị đúng cách bệnh viêm gan do HBV bằng các loại thuốc đặc trị theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa; với HCV thì việc điều trị rất khó khăn, hiện chưa có vắc xin phòng ngừa nhưng đã có vài loại thuốc dùng thử. Không uống rượu khi đã bị viêm gan do virút. Tránh ăn ngũ cốc bị nấm mốc.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}