Đại tràng (ruột già) được chia thành 4 đoạn: đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống và đại tràng sigma. Ung thư có thể xuất phát từ bất cứ đoạn nào trên đại tràng hay trên trực tràng. Về vi thể, ung thư xuất phát từ lớp niêm mạc, là lớp trong cùng của thành ruột, sau đó xâm lấn ra phía ngoài qua các lớp của thành ruột. Sau đây, BSCKII. Đặng Huy Quốc Thịnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM sẽ cung cấp thông tin cho các độc giả của báo Thuốc & Sức Khỏe về loại ung thư thường gặp này.
– Thưa bác sĩ, có biết được nguyên nhân nào gây ra ung thư đại trực tràng không?
– Hiện nay, chưa biết nguyên nhân chính xác gây ra ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên có những yếu tố nguy cơ làm dễ mắc bệnh hơn, gồm có: tiêu thụ nhiều chất béo (nhất là mỡ động vật), ăn ít chất xơ (rau, củ, quả…), ít vận động (người làm việc văn phòng, ngồi nhiều), Hút thuốc lá, uống rượu, bệnh polyp đại tràng sau thời gian dài trở thành ung thư (nhất là polyp có kích thước lớn hoặc nhiều polyp), trước đây đã từng bị viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn.
– Thưa bác sĩ, có những triệu chứng và xét nghiệm nào để chẩn đoán ung thư đại trực tràng ?
– Tùy theo vị trí của đoạn đại tràng bị ung thư mà bệnh nhân sẽ có các triệu chứng khác nhau, thường nhất là có máu trong phân, đa số ung thư đại trực tràng phát triển âm thầm trong thời gian dài.
Rối loạn về đi tiêu như táo bón kéo dài hay tiêu chảy, mắc đi tiêu nhưng sau khi đi xong vẫn còn cảm giác mắc, tiêu phân có máu (từ ít đến nhiều), đau bụng kéo dài, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân, có thể thiếu máu do mất máu rỉ rả trong thời gian dài. Khi có các triệu chứng này, cần đi khám để xác định là có mắc bệnh ung thư đại trực tràng hay không. Bác sĩ sẽ cho làm một số xét nghiệm là: nội soi đại tràng, nếu thấy có tổn thương, bác sĩ sẽ cắt lấy một mẩu bướu để xem dưới kính hiển vi, gọi là xét nghiệm mô bệnh học hay giải phẫu bệnh lý, qua đó để biết có tế bào ung thư hay không.
CT Scan (Computed Tomography Scan) giúp thầy thuốc biết ung thư có di căn qua các cơ quan khác như gan, phổi… hay chưa? Khi chụp CT Scan có thể dùng chất cản quang qua đường uống hay tiêm để nhìn khối u rõ hơn.
PET Scan (Positron Emission Tomography Scan), xét nghiệm này dựa vào sự thay đổi chuyển hóa của tế bào ung thư. PET Scan cho hình ảnh rất rõ vì kết hợp với CT Scan, gọi là PET–CT, dùng khi chưa biết ung thư đại tràng có di căn hay không? Vị trí di căn ở đâu?
Đa số trường hợp, chỉ khi mổ mới biết chính xác giai đoạn ung thư, từ đó thầy thuốc sẽ chọn cách điều trị tốt nhất cho người bệnh.
– Bác sĩ có thể giải thích về các phương thức điều trị ung thư đại trực tràng?
– Điều trị ung thư đại trực tràng có ba phương thức kinh điển: phẫu trị, hóa trị và xạ trị; hiện nay có liệu pháp nhắm trúng đích là phương thức mới nhất. Tùy theo giai đoạn ung thư mà áp dụng phối hợp các liệu pháp.
Phẫu thuật là phương pháp chính để điều trị ung thư đại trực tràng. Với ung thư đại tràng, có thể mổ hở hay mổ nội soi, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt đoạn đại tràng có ung thư và lấy các hạch đi kèm. Hai đầu ruột sẽ được khâu nối lại (bằng tay hay bằng máy) và người bệnh đi cầu như bình thường, ung thư ở phần thấp của đại tràng thì áp dụng phẫu thuật cắt trước thấp. Nếu ung thư giai đoạn sớm, có thể mổ cắt bướu qua nội soi ổ bụng với các đường mổ nhỏ, người bệnh sẽ ít đau sau mổ và phục hồi nhanh. Với ung thư trực tràng, nếu ở phần dưới, gần sát hậu môn thì phải phẫu thuật cắt toàn bộ hậu môn, trực tràng và đại tràng sigma, đầu trên đại tràng được mở ra da có thoát phân ra ngoài, làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn, nghĩa là sau mổ bệnh nhân sẽ đi cầu ở bụng suốt đời.
Hóa trị là dùng hóa chất bằng đường tiêm truyền hoặc uống để diệt tế bào ung thư.
Xạ trị là dùng tia phóng xạ để diệt tế bào ung thư, nếu bướu quá lớn, dính vào thành bụng hay ở vị trí khó mổ, xạ trị trước để bướu nhỏ lại dễ mổ hơn.
– Thưa bác sĩ, kết quả điều trị phụ thuộc vào những yếu tố nào?
– Kết quả điều trị và tiên lượng của người bệnh tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư, mức độ biệt hóa của các tế bào tại mô bướu và thể trạng người bệnh có đủ sức cho các phương thức điều trị (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị) hay không?
– Thưa bác sĩ, có cách nào để phát hiện sớm và phòng ngừa ung thư đại trực tràng?
– Tầm soát nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, trước khi người bệnh có triệu chứng, sẽ giúp tăng kết quả điều trị. Người trên 50 tuổi, hàng năm xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (FOBT – Fecal Occult Blood Test), test này giúp phát hiện chảy máu trong đại tràng ở mức độ vi thể, mắt thường nhìn không thấy. Nếu test dương tính sẽ làm thêm nội soi đại tràng để tìm nguyên nhân chảy máu. Mỗi 5 năm soi đại tràng sigma, ống soi đại tràng sigma mềm, có đường kính bằng ngón tay, chiều dài 60cm, ống được đưa vào qua ngã hậu môn, lên trực tràng rồi đại tràng sigma. Nội soi giúp thầy thuốc nhìn bên trong lòng trực tràng và đại tràng sigma để tìm xem có polyp hay tổn thương loét, sùi không. Mỗi 10 năm, nên soi toàn bộ khung đại tràng với ống nội soi đại tràng dài từ 1,2 mét đến 1,7 mét. Trước khi nội soi, bệnh nhân phải thụt tháo sạch hết phân để nhìn rõ trong lòng ruột và phát hiện tổn thương nếu có.
Phòng bệnh bằng cách tầm soát và cắt polyp đại tràng nếu có. Hạn chế dùng thức ăn nhiều mỡ, ăn nhiều rau củ quả hàng ngày. Vận động thường xuyên, ít nhất là 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần.
– Xin cám ơn bác sĩ đã cung cấp thông tin cho độc giả báo Thuốc & Sức Khỏe.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}