Khi nghe nói “thực phẩm chống ung thư” nhiều người nghĩ rằng thực phẩm này có khả năng chữa lành bệnh ung thư. Theo GS Raphaelle Ancellin thuộc Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ thì quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Thực phẩm đó không phải là chất giải độc (antidote) cũng không phải là chế phẩm thần kỳ mà nó chỉ là thức ăn có chứa chất phòng ngừa ung thư thôi. Bệnh ung thư xảy ra khi cơ thể không thể chỉnh sửa được những đột biến nhỏ trong ADN, các tế bào bị tổn thương này sẽ tự nhân bản và lan rộng. Ngoài ra, còn có các yếu tố tác động khác, trong đó một số có thể thay đổi được như hoạt động thể lực, thuốc lá, dinh dưỡng… và số khác không thay đổi được như bẩm sinh di truyền, tuổi tác… Tại Pháp, một nửa số trường hợp ung thư có thể phòng tránh được nhờ vào chế độ ăn hợp lý.
Trên internet và mạng xã hội quảng cáo về “siêu tác dụng chống ung thư” của các “siêu thực phẩm” như cây nghệ, cải xoắn, trà xanh… Nhưng, những luận cứ này chỉ dựa vào các công trình nghiên cứu thực hiện trên tế bào nuôi cấy hay trên súc vật chứ không phải trên con người. Ðối với thực phẩm, đã có những chứng cứ chắc chắn về tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại ung thư của một số loại, ví dụ thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc, đậu khô, trái cây và rau xanh giúp cơ thể có một sự bảo vệ chống lại ung thư đại - trực tràng. Những chất xơ này tác động theo nhiều cơ chế khác nhau đến cơ chế sinh ra ung thư, chẳng hạn như tích lũy quá cao nồng độ insulin hay hormon sinh dục và yếu tố tăng trưởng trong máu. Ở đại tràng, những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi cho sự tổng hợp các chất kháng viêm và các chất chống tăng sinh do khuẩn lạc.
Thực hiện khẩu phần ăn thế nào cho hợp lý?
Tiêu thụ như thế nào là đầy đủ lượng chất xơ? Tối thiểu là 2 lần mỗi tuần ăn đầy đủ các loại đậu khô, và mỗi ngày có một bữa ăn có tinh bột ở dạng thô cùng với 5 loại trái cây và rau xanh. Những thứ này sẽ bảo vệ cơ thể chống lại ung thư đường tiêu hóa và đường hô hấp. Sự thay đổi tối đa về khẩu phần ăn sẽ mang lại sự dồi dào vi chất dinh dưỡng (kẽm, vitamin B9…) và các thành phần bảo vệ khác như các hợp chất lưu huỳnh của hành, tỏi và cây họ cải, các flavonoid của trái cây (quả mọng, cam quýt…). Còn các chế phẩm từ sữa (sữa, phô-mai, yaourt…) nên dùng mỗi 2 ngày, chúng có thể giúp cơ thể chống lại ung thư đại trực tràng.
Một số thực phẩm chống ung thư
– Ðậu nành: loại đậu khô này đã tồn tại trong khẩu phần ăn của người Á đông từ hàng ngàn năm nay. Sữa đậu nành được làm đông lại thành tàu hủ là loại thực phẩm chứa những chất dinh dưỡng tuyệt vời.
Ðậu nành là một nguồn cung cấp protein và acid béo không no. Nó cũng có chứa các chất isoflavon, là chất có khả năng kết nối với các thụ thể hormon. Những phụ nữ châu Á ăn nhiều đậu nành cho thấy ít bị ung thư vú hơn so với phụ nữ châu Âu. Trong sữa đậu nành có chứa khoảng 10 – 30mg isoflavon mà liều tối đa không được vượt quá 60mg/ngày đối với người 60kg.
– Nghệ: là một loại gia vị có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và chống ung thư vì trong nghệ có chứa nhiều sắc tố curcumin.
Tác dụng của nghệ đã được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên thú vật cũng như được phân tích trong 135 trường hợp thử nghiệm lâm sàng để đánh giá hiệu quả đối với nhiều bệnh khác nhau (kể cả ung thư) mà chưa được phép thử nghiệm trên người, do tính không ổn định và khả năng hấp thu kém trong cơ thể người.
Nghệ thường được dùng dưới dạng bột hay xắt lát để tạo hương vị hay màu sắc cho thức ăn kèm thêm các gia vị khác. Cần lưu ý đến tác dụng phụ khi được sử dụng dưới dạng thực phẩm chức năng.
– Cải xoắn (chou kale): cải xoắn hay cải kale đã trở nên thời thượng trong thập niên 2010, được biết đến như rau xanh chống ung thư vì trong cải xoắn có chứa rất nhiều vi chất dinh dưỡng.
Tác dụng chống ung thư của cải xoắn chưa được kiểm chứng nhưng cải xoắn nằm trong nhóm thực phẩm chống ung thư, ít tạo calo, giàu vitamin C, khoáng chất (calci) và các hợp chất glucosinolat. Tuy nhiên, trong cải xoắn chứa rất ít vitamin B9 và chất xơ.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}