Tập luyện là phương pháp phòng, chống ung thư hiệu quả. Ảnh: 123RF
Tập luyện giúp phòng ngừa ung thư
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2022 toàn cầu có 20 triệu ca mắc mới và 9,7 triệu ca tử vong vì ung thư. Nghiên cứu cũng ghi nhận cứ 5 người sẽ có 1 người mắc ung thư trong suốt cuộc đời, và khoảng 1 trong 9 người nam, 1 trong 12 người nữ sẽ chết vì bệnh này.
Để phòng ngừa sát thủ xếp thứ nhì thế giới này (chỉ sau bệnh tim mạch), các tổ chức y học khuyến cáo con người cần thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có tập luyện.
Tại Hoa Kỳ, một nghiên cứu ước tính rằng hơn 46.000 ca ung thư hàng năm có thể được ngăn chặn nếu người dân tuân thủ các khuyến nghị về hoạt động thể chất. Nghiên cứu tập trung vào 7 loại ung thư có mối liên hệ mật thiết với lối sống ít vận động gồm ung thư dạ dày, thận, thực quản, đại tràng, bàng quang, vú và nội mạc tử cung.
Thậm chí một báo cáo từ năm 2019 còn tính toán rằng nguy cơ mắc một số loại ung thư có thể giảm tới 69% ở những người thường xuyên vận động so với những người có lối sống tĩnh tại.
Đối với nam giới, một nghiên cứu trên gần 58.000 người đàn ông Thụy Điển cũng cho thấy những người cải thiện được mức độ thể chất của mình qua nhiều năm có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn tới 35%.
Để giảm nguy cơ ung thư, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) khuyến nghị mục tiêu lý tưởng là 300 phút (tương đương 5 giờ) vận động cường độ trung bình mỗi tuần.
Điều này có thể bao gồm các hoạt động như đi bộ nhanh, đạp xe với tốc độ vừa phải, hoặc bơi lội. Nếu chia đều, đó là khoảng 45 phút mỗi ngày Ngoài tăng cường hệ miễn dịch, tập luyện còn giúp phòng ngừa ung thư thông qua nhiều cơ chế khác.
Các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng tập luyện có thể làm thay đổi môi trường vi mô xung quanh khối u, khiến điều kiện trở nên kém thuận lợi hơn cho sự phát triển của các tế bào ung thư, thậm chí có thể làm chậm hoặc ngừng sự tăng trưởng.
Bên cạnh đó, tập luyện còn giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả, giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể. Mỡ thừa, đặc biệt là mỡ nội tạng, có thể sản sinh ra các hormone và yếu tố tăng trưởng có khả năng thúc đẩy sự phát triển của ung thư.
Cuối cùng, tập luyện giúp giảm tình trạng viêm mạn tính và stress oxy hóa, những yếu tố nền tảng được cho là góp phần vào sự phát sinh của nhiều bệnh mạn tính, bao gồm cả ung thư. Cần nhớ rằng ung thư là một căn bệnh phức tạp, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau.
Tập luyện là một phần quan trọng và hiệu quả trong chiến lược phòng ngừa, nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Việc chủ động kiểm soát những yếu tố có thể thay đổi, trong đó có thói quen vận động, là một bước đi thông minh để bảo vệ sức khỏe.
Tập luyện cải thiện cuộc sống bệnh nhân ung thư
Khi đối mặt với chẩn đoán ung thư, việc duy trì một lối sống năng động, phù hợp có thể mang lại những thay đổi tích cực không ngờ.
Tháng 6 vừa qua, một nghiên cứu đăng trên tạp chí uy tín The New England Journal of Medicine cho một kết quả đáng chú ý: Các nhà khoa học chia 900 bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn II nguy cơ tái phát cao và giai đoạn III đã được phẫu trị và hóa trị thành 2 nhóm: một nhóm nhận được sự hỗ trợ từ “chuyên gia thể chất” trong ba năm để tăng cường và duy trì bài tập aerobic của họ, trong khi nhóm đối chứng chỉ nhận được tài liệu giáo dục khuyến khích hoạt động thể chất và dinh dưỡng lành mạnh.
Năm 2011, hậu vệ Eric Abidal của CLB Barcelona được chẩn đoán ung thư gan. Nhưng nhờ nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có tập luyện, anh đã quay lại cùng CLB giành chức vô địch Champions League. Ảnh: The Independent.
Bệnh nhân trong nhóm đầu có thể chọn một số hoạt động như đạp xe, chạy bộ, bơi lội hoặc chèo thuyền kayak, nhưng hầu hết đều chọn đi bộ nhanh trong 45 phút, 4 lần/tuần.
Kết quả là những người này có nguy cơ tử vong thấp hơn 37% và nguy cơ tái phát ung thư hoặc phát hiện ung thư mới thấp hơn 28% so với nhóm chỉ nhận tài liệu hướng dẫn.
Đáng nói là sau 5 năm 80% bệnh nhân trong nhóm tập luyện vẫn chưa phát hiện tái phát so với 74% ở nhóm đối chứng. Thậm chí, sau 8 năm, nghiên cứu này đã giúp ngăn ngừa một ca tử vong cho mỗi 14 người của nhóm tham gia tập luyện.
Theo tiến sĩ Christopher Booth, giáo sư ung thư học Đại học Queen’s (Canada) và tác giả chính của nghiên cứu, bằng chứng này cho thấy tập luyện không chỉ là biện pháp nâng cao chất lượng cuộc sống và thể lực, mà còn giúp cải thiện sự sống còn của bệnh nhân ung thư. Vì thế vận động nên được xem là một phần tiêu chuẩn trong chăm sóc nhóm bệnh nhân này.
Ngoài lợi ích về tiên lượng, tập luyện còn giúp bệnh nhân ung thư khỏe khoắn hơn về cả thể chất lẫn tinh thần, giúp họ giảm bớt cảm giác mệt mỏi triền miên thường gặp. Đồng thời tập luyện cũng góp phần làm dịu đi lo âu và các dấu hiệu trầm cảm.
Đặc biệt hơn, việc tập luyện thường xuyên có thể giúp bệnh nhân ung thư giảm được tình trạng “não hóa trị” (brain chemo), nghĩa là những vấn đề về suy nghĩ, trí nhớ và tập trung mà một số bệnh nhân ung thư gặp phải trong hoặc sau quá trình hóa trị.
Nghiên cứu đăng trên Journal of Clinical Oncology vào năm 2021 đã cũng cố quan điểm này. Khi quan sát hơn 500 phụ nữ mắc ung thư vú, các nhà khoa học phát hiện thấy những người hoạt động nhiều nhất trước, trong hoặc sau quá trình điều trị ít có khả năng mắc chứng não hóa trị.
Nghiên cứu tuy không chỉ ra chính xác cách tập thể dục có thể bảo vệ não trong quá trình hóa trị, nhưng lại cho thấy ngay cả chỉ vận động ít, chẳng hạn đi bộ 30 phút khi có thể, cũng có thể tạo ra sự khác biệt trong khả năng suy nghĩ và ghi nhớ của bệnh nhân ung thư khi họ tiến tới quá trình phục hồi.
Câu hỏi đặt ra là vì sao việc tập luyện có ích cho bệnh nhân ung thư?
Các nghiên cứu gợi ý rằng lợi ích có thể đến từ việc tập luyện giúp cải thiện độ nhạy insulin và giảm tình trạng viêm mạn tính trong cơ thể. Ngoài ra, tập luyện cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch. Khi vận động, cơ thể gia tăng sản sinh lactate, một chất dường như có khả năng “huấn luyện” tế bào miễn dịch đặc hiệu T CD8+ (còn gọi là “tế bào T sát thủ”) trở nên hiệu quả hơn trong việc nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Tập luyện ra sao khi mắc ung thư? Bệnh nhân ung thư nên cố gắng tập luyện ít nhất 3 lần/tuần. Mỗi buổi tập nên kéo dài khoảng 30 phút với cường độ vừa phải, ví dụ như đi bộ nhanh đến mức bạn cảm thấy hơi thở gấp nhưng vẫn có thể nói chuyện được. Nếu điều kiện cho phép, việc kết hợp thêm hai buổi tập tạ nhẹ nhàng mỗi tuần sẽ giúp duy trì sức mạnh cơ bắp. Điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ điều trị trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào. Bác sĩ sẽ giúp đánh giá tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân và đưa ra lời khuyên phù hợp để đảm bảo sự an toàn, hiệu quả cho họ. |
Theo TSK số 696
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}