Mông chết là tình trạng cơ mông yếu do ít hoạt động. Ảnh: Medtruth
Vì sao mông chết?
Thực tế, “Hội chứng mông chết” (Dead butt syndrome) chỉ là cách gọi dân gian. Tên y học phải là “Hội chứng mất trí nhớ cơ mông” (Gluteal amnesia), chỉ tình trạng cơ mông yếu đến mức quên luôn cách thức hoạt động.
Mông là nơi tập hợp ba cơ ở bên ngoài và sau hông gồm cơ mông lớn, cơ mông nhỡ và cơ mông bé giúp ổn định hông, nâng chân và xoay đùi.
Khi đứng lên ngồi xuống, các nhóm cơ trên co duỗi nhịp nhàng, giúp cột sống, xương chậu và lõi cơ thể ổn định. Ngược lại, việc ngồi lâu một chỗ khiến các cơ vùng mông không được co dãn đều đặn, từ đó gây nên hội chứng mông chết.
Giới văn phòng là nhóm người dễ bị hội chứng này nhất, có lẽ do họ dành quá nhiều thời gian để ngồi trước màn hình vi tính.
Ba cơ mông (lớn, nhỏ và bé) giúp ổn định hông, nâng chân và xoay đùi. Ảnh: Getty Images
Trên tờ New York Times, Chris Kolba, chuyên gia vật lý trị liệu tại Trung tâm Y tế Wexner của Đại học Bang Ohio (Mỹ) giải thích: “Khi một người bước về phía trước, cơ mông được kích hoạt đầu tiên. Nhưng khi họ ngồi, các cơ ở phía trước hông và đùi cho phép chúng nghỉ ngơi.
Ngồi làm việc 8 tiếng liên tục có thể khiến các neuron báo hiệu kích hoạt cơ mông hoạt động chậm trễ. Theo thời gian, chu kỳ này khiến cơ mông yếu đi, gây nên tình trạng đau lưng dưới và đau gối”.
Ngồi càng nhiều, càng ít đứng lên ngồi xuống, bạn càng có khả năng làm yếu vùng cơ mông. TS Jane Konidis, chuyên gia y học vật lý và phục hồi chức năng tại Rochester (Hoa Kỳ) cũng đồng tình khi cho rằng việc ngồi trên 3-4 tiếng/ngày sẽ phần nào khiến mông trở nên kém linh hoạt. Bà nói: “Nếu cơ mông thực sự chết, chúng ta sẽ không thể đứng được”.
Ngoài những người làm văn phòng, một số người khác cũng có thể bị hội chứng mông chết.
Konidis cho biết thêm: “Cơ mông lớn là một trong những cơ khỏe nhất trong cơ thể và là bộ phận giảm xóc lớn nhất. Cơ mông yếu khiến các cơ và khớp khác, đặc biệt là lưng dưới và đầu gối, phải gánh vác thêm trọng lượng và gây đau. Cơn đau đặc biệt ảnh hưởng đến những người chạy bộ và vận động viên, như golfer hay người chơi tennis. Tiger Woods đã từng phải bỏ thi đấu vì tình trạng này”.
Hội chứng mông chết đang có xu hướng trẻ hóa. Ảnh: iStock
Hội chứng mông chết đang có xu hướng trẻ hóa trong vài năm gần đây. Nếu bị hội chứng này, ban đầu bạn có thể cảm thấy tê hoặc đau ở vùng mông. Lâu dần, nó sẽ làm bạn khó chịu với những cơn đau dai dẳng, khiến việc đứng ngồi trở nên khó khăn hơn.
Bạn có thể đau và cứng ở những khu vực khác, ở một hoặc cả hai bên hông, vùng lưng dưới và đầu gối. Cảm giác có thể đau lan xuống chân giống như đau thần kinh tọa.
Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó bạn đến văn phòng để làm việc, mà việc đứng lên ngồi xuống khiến bạn ê ẩm, đau đớn, thì rõ ràng hội chứng này đã gây ra vô số phiền toái cho công việc của bạn.
Nếu là người chơi thể thao, việc mắc phải hội chứng này sẽ làm giảm thể lực của bạn. Việc tập luyện đòi hỏi rất nhiều sự dẻo dai của cơ thể. Nếu không để ý đến động tác của mình, bạn sẽ có khả năng khiến cơ mông và các cơ vùng hông của mình lên tiếng.
Chấn thương là hậu quả không thể lường trước. Khi đó, khả năng tập luyện và thi đấu của bạn sẽ bị hạn chế đáng kể. Nghiêm trọng hơn, bạn có thể phải ngưng tập luyện trong một thời gian dài.
Phòng ngừa bằng tăng vận động
Để phòng ngừa hội chứng mông chết, câu trả lời đơn giản là hãy vận động nhiều hơn. Nếu làm một công việc phải ngồi nhiều, bạn hãy đặt hẹn giờ trên điện thoại. Mỗi 30-50 phút hãy đứng dậy và đi bộ xung quanh hoặc lên xuống một cầu thang.
Bên cạnh đó, nên thực hiện các động tác siết mông và kéo giãn gân kheo thường xuyên khi ngồi. Những cách đơn giản này giúp kéo dài các vùng bị căng cứng, kích thích lưu lượng máu để làm ấm các mô.
Khi luyện tập thể thao, cần chú ý động tác và tư thế. Điều chỉnh và lắng nghe cơ thể. Một khi cảm thấy nhức mỏi hay đau đớn, dù ở bất kỳ mức độ nhẹ hay nặng nào, bạn cũng cần nghỉ ngơi nhiều hơn.
Bài tập giúp phòng ngừa hội chứng mông chết. Ảnh: iStock
Thực hiện các động tác squat với cường độ tăng dần có thể cải thiện tình trạng đau cơ vùng mông của bạn. Các bài tập như gập bụng, đẩy hông, plank nghiêng, gập người và nâng cầu mông một chân không cần thiết bị và có thể thực hiện tại nhà.
Chọn 2 hoặc 3 bài tập cách ngày và thực hiện chúng một cách có kiểm soát, chậm rãi cho đến khi bạn cảm thấy hơi nóng ở mông.
Nếu bạn đi bộ hoặc chạy thường xuyên, đừng cho rằng cơ mông của bạn khỏe. Hãy thêm các bài tập như gập người hoặc nhảy tấn ít nhất một vài lần một tuần.
Còn nếu bạn thường xuyên tập cơ mông nhưng mông không bao giờ cảm thấy mệt mỏi và bạn cảm thấy đau khi thực hiện các hoạt động như chạy, hãy tìm sự trợ giúp từ bác sĩ y học thể thao hoặc chuyên gia vật lý trị liệu.
Nhận biết "Hội chứng mông chết" Bạn có thể kiểm tra nhanh bằng cách thực hiện động tác cầu xương chậu trên sàn. Nằm ngửa trên sàn với bàn chân đặt trên sàn, mắt cá chân thấp hơn đầu gối. Từ tư thế này, nâng hông lên cho đến khi ngang bằng với đầu gối. Nếu bạn cảm thấy căng ở gân kheo hoặc lưng dưới, khả năng là bạn bị mất trí nhớ cơ mông và nên đặt lịch hẹn với bác sĩ để được chẩn đoán chính thức. Một bài kiểm tra khác là đứng trên một chân, thả lỏng chân còn lại. Mông của bạn ở phía bên thả lỏng sẽ mềm. Bây giờ hãy dồn trọng lượng lên chân đó và bóp mạnh má mông. Bạn sẽ cảm thấy cơ bắp săn chắc nhẹ. Nếu mông của bạn yếu, bạn có thể cần phải bóp vài lần trước khi cảm thấy nó nóng lên. |
Theo TSK số 696
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}