Năm 1992, BS. Hashimoto - người Nhật Bản - đã mô tả một kiểu bệnh lý viêm của tuyến giáp hay gặp ở phụ nữ, đây là một bệnh viêm mãn tính với bướu cổ to. Sau đó bệnh này được đặt tên là viêm giáp Hashimoto, ngoài ra nó còn mang tên khác: viêm tuyến giáp mạn tính lympho bào, viêm giáp tự miễn. Đã có 14 triệu người Mỹ bị bệnh này và phụ nữ nhiều gấp 7 lần nam giới. Đặc trưng của viêm giáp Hashimoto là sự tạo ra các tế bào miễn dịch và kháng thể từ hệ thống miễn dịch của cơ thể, bệnh gây tổn thương tế bào tuyến giáp làm giảm khả năng sản xuất hormon.
Viêm giáp Hashimoto tương tự viêm giáp khác
Viêm giáp Hashimoto gặp trên 90% phụ nữ trong tuổi sắp mãn kinh (từ 40 – 50 tuổi). Trong giai đoạn đầu không có triệu chứng nào gợi ý, có thể tồn tại nhiều năm không phát hiện ra và chẩn đoán chỉ được nghĩ đến khi thấy có bướu cổ cùng xét nghiệm máu bất thường. Đôi khi có thể phát hiện ra bệnh khi khám sức khỏe định kỳ. Khi bệnh tiến triển, xuất hiện triệu chứng đè ép ở cổ do bướu của tuyến giáp to ra, có thể kèm với giảm lượng hormon tuyến giáp trong máu. Triệu chứng đầu tiên của bệnh là việc sưng đau ở vùng tuyến giáp (phía trước cổ), sự to ra của tuyến giáp dễ dàng nhận biết bằng quan sát hoặc cảm giác khó chịu của người bệnh. Nếu không được điều trị, bướu to ra làm bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt hoặc khó thở.
Bệnh nhân viêm giáp Hashimoto ở giai đoạn suy giảm chức năng tuyến giáp sẽ có nhiều triệu chứng: mệt mỏi, hay buồn ngủ, mau quên, học tập khó khăn, tóc và móng giòn, khô dễ gãy, da khô và ngứa, mặt phịn ra, táo bón, đau cơ, tăng cân, rối loạn kinh nguyệt, tăng tần suất bị sẩy thai, tăng nhạy cảm với nhiều thuốc… Triệu chứng suy tuyến giáp trong viêm giáp Hashimoto diễn biến chậm chạp. Việc điều trị thích hợp với hormon tuyến giáp sẽ loại trừ được các triệu chứng của suy giáp và thậm chí ngăn chặn được sự to lên của tuyến giáp, đôi khi còn giúp co nhỏ bướu cổ.
Viêm giáp Hashimoto do tự miễn và điều trị thường thuận lợi
Như đã đề cập, viêm giáp Hashimoto còn gọi là viêm giáp tự miễn dịch. Ở đây có sự đặc trưng về mô bệnh học là sự xâm nhập lympho bào và tương bào vào mô viêm, các nang giáp teo lại thoái hóa lớp biểu bì ở nhiều mức độ khác nhau, một số lớp biểu bì đã trở thành ái toan và phì đại. Năm 1960, Domiach đã xác định được yếu tố miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong bệnh học viêm giáp Hashimoto, có nhiều rối loạn ở hệ thống miễn dịch. Hệ miễn dịch hoạt động không còn chính xác, bình thường chúng bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của yếu tố ngoại lai: vi khuẩn, virus, các chất khác. Trong viêm giáp Hashimoto, hệ thống miễn dịch nhận diện nhầm tế bào tuyến giáp bình thường là mô lạ nên đã sản xuất kháng thể phá hủy các tế bào này. Mặc dù người ta xem xét đến nhiều yếu tố môi trường khác nhau nhưng không chứng minh được sự liên quan với viêm giáp Hashimoto.
Khi bệnh nhân đến khám, bác sĩ sẽ phát hiện tình trạng to của tuyến giáp, có thể gấp 3 – 4 lần thể tích bình thường. Mặt bướu nhẵn, đều đặn, mật độ dày, cứng như cao su, đôi khi sờ thấy một hoặc nhiều nhân, di động theo nhịp nuốt và không gây đau hay chèn ép (ở giai đoạn đầu). Để xác định chẩn đoán viêm giáp Hashimoto, người ta dựa vào các xét nghiệm về hormon (giảm hormon tuyến giáp ở trong máu). Bên cạnh đó là sự hiện diện của kháng thể chống tuyến giáp nhưng không phải tất cả các trường hợp đều có; tăng TSH trong máu (đây là hormon tạo ra từ tuyến yên có chức năng kích thích tuyến giáp sản xuất hormon giáp trạng). Trong viêm giáp Hashimoto, cần thiết phải chọc hút tuyến giáp để xét nghiệm mô học.
Cần phân biệt một số bệnh có to tuyến giáp với viêm giáp Hashimoto. Đầu tiên phải loại trừ ung thư tuyến giáp, ở trường hợp này bướu giáp thường có nhân, mật độ cứng, dính vào mô xung quanh. Thường có kèm vào dây thần kinh quặt ngược gây ra khàn tiếng. Bướu to nhanh hơn, có hạch vùng cổ hoặc hố trên đòn, điều trị hormon bướu không nhỏ lại. Viêm giáp trạng bán cấp cũng cần phải phân biệt khi khởi đầu bướu có kèm đau. Trong viêm giáp bán cấp, độ tập trung I131 hạ thấp, nếu có kháng thể chống tuyến giáp thì nồng độ cũng thấp (có tính chất tạm thời, sau đó sẽ mất đi). Khi bệnh viêm giáp Hashimoto có cường giáp ở giai đoạn đầu cần phải phân biệt với cường giáp thật sự, bằng cách dùng nghiệm pháp kiềm hãm bằng T3, trong cường giáp thật sự không thể kiềm hãm được.
Khi chẩn đoán viêm giáp Hashimoto, người bệnh cần phải điều trị bằng thyroxin nhất là khi có bướu cổ kèm suy giáp. Hormon giáp sẽ làm giảm tăng tiết TSH giúp cho tuyến giáp nhỏ lại, dùng thuốc trong 4 – 6 tháng cho đến khi hormon tuyến giáp trở lại bình thường. Do là bệnh miễn dịch nên một số trường hợp bướu phát triển nhanh, triệu chứng rầm rộ có thể phải dùng thuốc corticoid. Bệnh nhân phải được bác sĩ chuyên khoa nội tiết theo dõi điều trị, được dò liều dùng hormon giáp trạng có hiệu quả, theo dõi các biến chứng… Nếu liều dùng không đủ, bướu cổ sẽ to ra, triệu chứng suy giáp sẽ tồn tại và có thể liên quan đến việc tăng cholesterol máu (tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh tim). Nếu quá liều sẽ gây triệu chứng cường giáp trạng, tạo nhiều gánh nặng lên tim, tăng nguy cơ loãng xương,…
Viêm giáp Hashimoto là bệnh miễn dịch nên có liên quan đến di truyền, có thể đi kèm với một số bệnh khác: đái tháo đường týp 1, viêm khớp dạng thấp, bệnh Addison, suy buồng trứng nguyên phát, lupus ban đỏ, ban xuất huyết do giảm tiểu cầu, thiếu máu ác tính,…
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}