Như vậy đái tháo đường là tình trạng cơ thể không có khả năng cung cấp lượng insulin cần thiết vào mọi lúc để giữ cho glucose huyết bình thường.
Tuyến tụy
Tụy là cơ quan tiêu hóa có hai chức năng ngoại tiết và nội tiết.
– Tụy ngoại tiết bài tiết các sản phẩm qua một ống dẫn, sản xuất men tiêu hóa thức ăn, đổ vào ống Wirsung trong tá tràng cùng với dịch mật rồi chảy dọc theo ruột non (tiểu tràng) trộn lẫn với những sản phẩm của dạ dày để đồng hóa thức ăn.
– Tụy nội tiết đổ trực tiếp các sản phẩm là các hormon vào các mạch máu nhỏ, rồi vào các tĩnh mạch. Sau khi vượt qua tim, các hormon này đi đến tất cả các động mạch, các mao mạch rồi dừng chân tại các mô cơ thể. Trong số các hormon này có glucagon, somatostatin, các peptid và insulin. Insulin được sản xuất bởi các tế bào beta tập hợp thành những nhóm nhỏ rải rác trong tụy gọi là những tiểu đảo Langerhans. Tụy của một người trưởng thành có khoảng 400 tiểu đảo beta này.
Vào năm 1923, Banting và Best phát hiện insulin là hormon chính làm hạ tỷ lệ glucose trong máu bằng cách giúp glucose xâm nhập vào trong mỗi tế bào cơ thể. Như vậy vào bất cứ lúc nào cũng đều có một mối liên hệ chặt chẽ giữ lượng glucose trong máu với lượng insulin do tụy sản xuất.
Glucose huyết
Nhà sinh lý học người Pháp Claude Bernard (1813 – 1878) đã dùng từ glycémie (glucose huyết) để chỉ sự có mặt của glucose trong máu. Glucose huyết lúc đói bình thường xê dịch giữa 0,8 và 1g/l (4,4 – 5,5mmol/l). Nếu glucose lúc đói trên 1g/l (5,5mmol/l) nhưng dưới 1,26g/l (7mmol/l); và dưới 2g/l (11mmol/l) khi thử máu vào bất cứ lúc nào trong 24 giờ thì gọi là “tăng glucose huyết khi đói”. Đây là giai đoạn trung gian giữa trạng thái bình thường và đái tháo đường. Nếu glucose huyết lúc đói bằng ít nhất 1,26g/l (7mmol/l) và bằng 2g/l (11mmol/l) vào bất cứ lúc nào trong ngày thì gọi là đái tháo đường. Thiếu glucose là “hạ glucose huyết” (hypoglycémie) tương ứng với tỷ lệ glucose dưới 0,4g/l (2,2mmol/l). Thừa glucose là “hyperglycémie (tăng glucose huyết)”. Trong cơ thể, glucose được vận chuyển bởi huyết tương. Máu tĩnh mạch chứa ít glucose hơn máu mao mạch vì các mô cơ thể đã sử dụng glucose làm cho glucose nghèo đi nhưng sự hao hụt này chỉ là nhẹ nên người ta không để ý đến khi đo tỷ lệ glucose huyết.
Vai trò của glucose trong cơ thể
Cơ thể người được cấu tạo bởi các tế bào bảo đảm cho hoạt động của nó. Muốn tồn tại và hoạt động tốt những tế bào này cần đến oxy do hệ hô hấp cung cấp và thức ăn đã đồng hóa trực tiếp (nutriments) do hệ tiêu hóa bảo đảm. Vào cuối thời gian tiêu hóa, phần lớn các chất đường đã chuyển thành glucose, mỡ đã trở thành những hạt nhỏ chứa chủ yếu các acid béo, còn protein đã bị cắt thành những đơn vị nhỏ gọi là acid amin.
Trong số các thức ăn đồng hóa trực tiếp này, glucose là nhiên liệu cung cấp năng lượng tốt nhất cho cơ thể, chủ yếu là cho những tế bào thần kinh. Glucose là một loại đường đơn mono-saccharid dự trữ trong cơ bắp và chủ yếu là trong gan. Cơ quan này có những thiết bị nắm bắt glucose rất nhạy; nó sử dụng glucose như là nhiên liệu sản xuất ra năng lượng của nó, hoặc có thể dự trữ glucose dưới dạng glycogen. Gan có thể chứa được 100 – 150g glycogen là nguồn dự trữ glucose có thể sử dụng được ngay tức khắc khi cần và luôn được bổ sung mới trong các bữa ăn. Khi glucose bị phân hủy sẽ giải phóng năng lượng vào tất cả các tế bào cơ thể. Trong thức ăn, glucose tồn tại dưới hình thức phối hợp với các loại đường đơn khác tạo thành disaccharid gồm có hai đường như saccharose của đường mía hoặc lactose của sữa, các polysaccharid hợp thành từ nhiều loại đường đơn như amidon trong lúa mì hoặc các loại hạt có bột (féculents).
Biến đổi của glucose phụ thuộc vào các bữa ăn
Khi đói chỉ số glucose huyết vào khoảng 1g/l, sau khi ăn tăng lên đến 1,4g/l. Khi ăn một mẩu bánh mì, tinh bột (amidon) trong bánh sẽ tiếp xúc với nước bọt và một vị ngọt xuất hiện trong miệng vì nước bọt đã giải phóng glucose từ bánh mì. Tinh bột sẽ xuống dạ dày rồi đến ruột non và giải phóng hết lượng glucose của nó. Glucose sẽ vượt qua các tế bào ruột rồi theo đường tĩnh mạch cửa đến gan là cơ quan đích đầu tiên của nó. Tại đây, quá nửa số insulin được dùng để kích thích glucose chuyển thành glycogen dự trữ và giúp sản xuất các protein và triglycerid. Phần insulin còn lại sẽ thoát khỏi gan bằng đường các tĩnh mạch trên gan rồi đến tim phải, qua đường tĩnh mạch chủ dưới. Sau khi vượt qua phổi, máu trở về tâm nhĩ trái, rồi tâm thất trái, cuối cùng qua động mạch chủ đến những động mạch của các cơ quan trong cơ thể rồi chia thành các nhánh càng ngày càng nhỏ gọi là mao mạch đưa glucose đến tất cả các mô.
Cần biết rõ là số glucose dư thừa không phải được các tế bào bơm hết ngay từ đầu và sự tiêu hóa đường và hấp thu glucose lại không xảy ra cùng một lúc nên sau các bữa ăn, chỉ số glucose huyết bao giờ cũng cao hơn khi đói.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}