Từ trước đến nay, để xác định có bị đái tháo đường hay không, phải làm xét nghiệm gọi là đo đường huyết, tức đo hàm lượng glucose có trong máu. Thầy thuốc chẩn đoán xác định đái tháo đường dựa vào 1 trong 3 chỉ số sau:
– Đường huyết lúc đói (đo glucose trong huyết tương sau 8 giờ không ăn) là vượt trên 126mg/dl (7mmol/l)
– Đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose (tức đo đường huyết 2 giờ sau khi uống 75g glucose) trên 200mg/dl (11,1mmol/l)
– Đường huyết ở thời điểm bất kỳ trên 200mg/dl (11,1mmol/l).
Dựa vào đo đường huyết, ta chỉ biết được tình trạng có bị đái tháo đường hay không ngay vào thời điểm lấy máu xét nghiệm. Rất có thể trước đó người bệnh bị tăng đường huyết một cách bất thường nhưng không biết được. Vì vậy, để theo dõi tình trạng đường huyết trong thời gian dài 3 tháng hoặc theo dõi việc dùng thuốc trị đái tháo đường có hiệu quả hay không, người ta dùng chỉ số xét nghiệm HbA1C.
Đo HbA1C có nghĩa là đo tỷ lệ hemoglobin (viết tắt Hb) là chất có màu đỏ (huyết sắc tố) có trong hồng cầu đã được gắn với đường glucose. Ta cần biết glucose có trong máu không chỉ ở trạng thái tự do mà còn ở trạng thái liên kết (gắn) với hemoglobin của hồng cầu. Vì đời sống của tế bào hồng cầu vào khoảng 120 ngày, cho nên đo HbA1C tức đo hemoglobin có gắn đường glucose (gọi là hemoglobin glycat hóa hay glycosylated hemoglobin) ta biết được tình trạng glucose có trong máu (thực chất gắn với hồng cầu), tăng giảm như thế nào trong thời gian đến 3 – 4 tháng. Đối với việc dùng thuốc trị đái tháo đường cũng vậy, đo HbA1C ta biết được hiệu quả của thuốc làm giảm glucose như thế nào trong suốt 3 tháng qua. Tiêu chí của đo HbA1C trước đây là dưới 7%; dưới 7% là kiểm soát đường huyết tốt, trên 7% là kiểm soát đường huyết không tốt, phải thay đổi chế độ dùng thuốc.
Nay, theo hướng dẫn điều trị đái tháo đường týp 2 phiên bản 2010 của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) người ta xác định HbA1C là một tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường giống như tiêu chí đo đường huyết (chứ không chỉ để theo dõi nữa) với mức trên 6,5%. Tức là không cần đo đường huyết mà chỉ cần đo HbA1C, nếu trên hoặc bằng 6,5% là bị mắc bệnh đái tháo đường. Cũng theo hướng dẫn này, nếu HbA1C dưới hoặc bằng 5% có nghĩa là hoàn toàn không bị đái tháo đường, HbA1C nằm trong khoảng 5,7% – 6,4% có nghĩa bị tiền đái tháo đường (prediabet, chưa mắc nhưng có nguy cơ sẽ mắc đái tháo đường).
Việc đưa xét nghiệm HbA1C lên thành tiêu chuẩn xét nghiệm đái tháo đường được xem là một thành tựu của ngành y trong năm 2010. Bởi vì đo HbA1C không phải bắt bệnh nhân nhịn đói suốt 8 giờ trước khi đo như đo đường huyết (hiện nay ở các nước tiên tiến, máy đo HbA1C tại nhà đã được dùng rất phổ biến). Đặc biệt, thành tựu này giúp bệnh nhân nhanh chóng đạt mục tiêu điều trị (tức kiểm soát tốt đường huyết), giảm các biến chứng (kiểm soát tốt HbA1C sẽ giảm các biến chứng mạch máu lớn như đột quỵ, bệnh mạch vành…) và kéo dài đời sống với chất lượng sống tương đương người không bị bệnh.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}