Nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cứ 30 giây trên thế giới lại có một người phải cắt cụt bàn chân do biến chứng trong bệnh lý đái tháo đường. Đây chỉ là một trong những biến chứng do bệnh đái tháo đường gây nên mà một trong những nguyên nhân là do sự thiếu hiểu biết và dự phòng bệnh của người dân còn kém...
Có biến chứng mới đi viện
Ông Ninh (64 tuổi, ở Thọ Xuân, Thanh Hóa) tự nhiên thấy chân của mình phồng lên, chảy nước vàng, rồi có mủ không đi được. Ấy thế nhưng cũng phải chần chừ mãi ông mới chịu cho người nhà đưa đi bệnh viện. Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, sau khi khám các bác sĩ cho biết, ông đã bị hoại tử bàn chân do bệnh đái tháo đường. Bàn chân của ông trong tình trạng loét rộng, và nhiễm tới bốn loại vi khuẩn khác nhau. Ông được đưa vào điều trị tại Khoa chăm sóc bàn chân của Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Sau một thời gian điều trị tích cực, vết thương tiến triển tốt, và tương đối ổn định (vết thương sạch, tổ chức hạt mọc tốt). Hiện chân của ông đã khỏi tới 70%, đường huyết và cả huyết áp đều ổn định.
Ông Ninh tình cờ biết mình bị đái tháo đường từ năm 1997, trong lần điều trị tai biến mạch máu não. Nhưng lúc đó ông chẳng hiểu gì về bệnh này mà cũng chẳng được ai hướng dẫn, thuốc thang. Các lần phải nhập viện sau đó chỉ chữa tăng huyết áp. Là một giám đốc, lại khách khứa liên miên nên việc ăn không điều độ, uống rượu bia… là điều khó tránh khỏi.
Đến lúc ông thấy thật sự mệt mỏi, người lúc nào cũng uể oải, hai chân tê bì, bước đi không thật. Chân của ông bị mất cảm giác đến nỗi nhiều lần ông mang cả dép lên giường mà không biết, đây cũng là nguyên nhân làm cho ông hai lần bị bỏng cả bàn chân khi ngâm chân vào nước nóng.
Tại bệnh viện, ông được các bác sĩ tư vấn về bệnh đái tháo đường và sự nguy hiểm khi để xảy ra các biến chứng. Nếu ông có ý thức giữ gìn sức khỏe ngay từ đầu thì đâu đến nỗi.
Cần nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh
Theo Hiệp hội Đái tháo đường quốc tế (IDF), ở các nước phát triển vẫn còn khoảng 30% người bị đái tháo đường chưa được chẩn đoán. Còn ở các nước đang phát triển, trong đó có nước ta có tới 80 – 90% số người bị đái tháo đường chưa được phát hiện. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo dù các dự án triển khai tốt thì đến năm 2030 vẫn có khoảng trên 400 triệu người mắc đái tháo đường trên thế giới, tăng gần gấp đôi năm 2010. Như vậy, bệnh nhân đái tháo đường vẫn ngày càng gia tăng trên thế giới và ở nước ta. Rất nhiều người bị đái tháo đường chưa được phát hiện trong cộng đồng.
Đối với người bệnh trước hết phải xác định đây là một bệnh mạn tính, điều trị lâu dài nên phải tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ và phải hợp tác chặt chẽ với bác sĩ trong quá trình điều trị. Cần uống, tiêm thuốc đầy đủ, đúng giờ, tuân thủ theo chế độ ăn bệnh lý; Không hút thuốc, uống rượu vì uống rượu có nguy cơ xảy ra cơn hạ đường huyết, còn hút thuốc sẽ làm cho vết thương chậm liền. Tránh những trường hợp tự ý đi dùng thuốc nam (nhất là truyền miệng với nhau) chưa được kiểm chứng.
Bệnh nhân cần phải biết tự chăm sóc sức khỏe bản thân như kiểm soát bàn chân, theo dõi đường máu, thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ. Nếu có thể thì cứ 6 tháng đi kiểm tra sức khỏe một lần.
Những người tiền đái tháo đường, người bị tăng huyết áp, thừa cân béo phì… có thể phòng tránh được bệnh đái tháo đường bằng cách thay đổi lối sống, luyện tập. Còn với bệnh nhân đái tháo đường nếu ăn bình thường dùng thuốc kiểm soát được đường huyết thì không cần điều chỉnh chế độ ăn. Nếu ăn bình thường dùng thuốc không kiểm soát được đường huyết thì cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập. Trên từng bệnh nhân bác sĩ sẽ có những lời khuyên cụ thể.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}