Chờ khám lâu hơn và được chẩn đoán chậm hơn
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu với gần 18 triệu ca/năm. Cho dù cả nam và nữ đều có thể là nạn nhân của bệnh tim mạch nhưng nghiên cứu cho thấy so với nam giới, nữ giới thường không biết các dấu hiệu cảnh báo của một cơn nhồi máu cơ tim.
Thực tế có một số khác biệt về triệu chứng nhồi máu cơ tim giữa nam và nữ. Trong khi ở nam giới các triệu chứng thường rõ rệt như dấu hiệu đau ngực nghiêm trọng, thì ở phụ nữ những triệu chứng thường mơ hồ gồm khó thở; mệt mỏi; khó chịu bất thường; đau hàm, vai hoặc lưng; buồn nôn hoặc khó chịu ở dạ dày; vã mồ hôi.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Therapeutics and Clinical Risk Management tháng 1/2022 cho thấy hơn 62% phụ nữ bị nhồi máu cơ tim không có dấu hiệu đau ngực, cao gần gấp đôi so với tỷ lệ 36% ở nam giới. Điều này khiến cả người bệnh lẫn bác sĩ mất thời gian xác định đúng chẩn đoán. Theo một báo cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), nếu phụ nữ bị nhồi máu cơ tim không có triệu chứng đau ngực, nguy cơ tử vong của họ sẽ cao hơn so với nam giới.
Việc chẩn đoán chậm trễ bệnh tim ở phụ nữ còn bắt nguồn từ việc các triệu chứng của họ dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề như căng thẳng hoặc rối loạn tiêu hóa. Qua phân tích hàng triệu ca cấp cứu tim mạch tại Mỹ, các nhà nghiên cứu nước này nhận thấy phụ nữ có nguy cơ bị chẩn đoán rối loạn tâm lý cao gấp 2 lần nam giới khi xuất hiện các triệu chứng tương tự. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Journal of the American Heart Association tháng 5/2022 này cũng nhấn mạnh phụ nữ phải chờ trung bình 11 phút lâu hơn nam giới để gặp bác sĩ hoặc làm các xét nghiệm như điện tim (ECG), dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị.
Trong một bài báo đăng trên The New York Times, bác sĩ Alexandra Lansky làm việc tại bệnh viện Yale-New Haven (Hoa Kỳ) chia sẻ trường hợp một bệnh nhân nữ phàn nàn đau hàm dẫn đến việc bác sĩ chẩn đoán người này có vấn đề nha khoa. Sau khi gửi bệnh nhân đến bác sĩ tim mạch kiểm tra, nguyên nhân thật mới được phát hiện là bệnh nhân mắc bệnh tim và hướng điều trị là cần phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Đây là một trong số nhiều ví dụ cho thấy các triệu chứng bệnh tim ở phụ nữ thường không điển hình, dẫn đến khó khăn trong chẩn đoán đúng bệnh.
Gia tăng nhận thức về bệnh tim ở phụ nữ
Không ít người nghĩ rằng bệnh tim là vấn đề sức khỏe của nam giới và người lớn tuổi, nhưng thực tế tỷ lệ mắc bệnh tim ở phụ nữ từ 35-54 tuổi đang gia tăng trên toàn cầu. Một số nghiên cứu cho thấy một phần do các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, béo phì và lối sống ít vận động.
Theo Liên đoàn Béo phì thế giới (World Obesity Federation), từ năm 1975 đến 2022 tỷ lệ béo phì ở phụ nữ trên toàn cầu tăng gần 3 lần (từ 6,6% lên 18,5%). Vào năm 2022, có 504 triệu phụ nữ bị béo phì, trong khi con số này ở nam giới thấp hơn là 374 triệu người.
Người ta thấy những người béo phì có nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong cao gấp 2-3 lần so với người không béo phì. Nếu người béo phì còn kèm theo các yếu tố khác như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ít hoạt động thể lực, tiểu đường hay lớn tuổi, nguy cơ bị bệnh tim và nguy cơ tử vong còn cao gấp nhiều lần.
Phụ nữ cũng dễ bị căng thẳng và trầm cảm hơn so với nam giới. Cả hai yếu tố này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đặc biệt ở phụ nữ.
Một yếu tố khác khiến phụ nữ mắc bệnh tim là sự suy giảm estrogen sau tuổi mãn kinh dẫn đến tăng cholesterol xấu (LDL) và giảm cholesterol tốt (HDL). Tình trạng này làm tích tụ mảng bám xơ vữa ở động mạch, khiến mạch máu hẹp hơn và làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Một số nghiên cứu theo dõi suốt đời còn phát hiện rằng phụ nữ nào mãn kinh sớm (45 tuổi hoặc trẻ hơn) sẽ dễ mắc bệnh tim vào những năm sau đó so với phụ nữ mãn kinh ở độ tuổi bình thường (khoảng 50 tuổi).
Những năm qua, một số tổ chức sức khỏe trên thế giới đã tiến hành nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức của phụ nữ về bệnh tim. Những chiến dịch này không chỉ cung cấp thông tin mà còn kêu gọi phụ nữ chú ý hơn đến các dấu hiệu nhỏ nhưng rất quan trọng.
Chẳng hạn vào năm 2021 tổ chức phi lợi nhuận Women’s Heart Alliance (WHA) phối hợp với WomenHeart thực hiện một chiến dịch khuyến khích phụ nữ đi kiểm tra tim vì đại dịch Covid-19 làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch.
Trong một video trên youtube dài 30 giây, nữ ca sĩ nổi tiếng Lady Gaga trình bày bài hát kêu gọi phụ nữ nhận diện những dấu hiệu mơ hồ của nhồi máu cơ tim như đổ mồ hôi, chóng mặt hoặc mệt mỏi bất thường. Lady Gaga tham gia chiến dịch này bởi cô mắc bệnh lupus ban đỏ, căn bệnh tự miễn gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có tim và các mạch máu.
Năm qua, 33 chuyên gia sức khỏe tên tuổi của Anh đã phối hợp với Hội Tim mạch Anh quốc (British Cardiovascular Society) xây dựng một bản đồng thuận kêu gọi cải thiện những vấn đề tim mạch ở Anh và toàn thế giới. Theo các chuyên gia này, bệnh tim là bệnh có thể phòng tránh được và mọi người cần nâng cao nhận thức để tránh được “tổn thất nhân mạng không cần thiết”.
Bản đồng thuận có đoạn: “Trên toàn thế giới, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu khiến phụ nữ tử vong. Tuy nhiên, có một nhận thức sai lầm rằng đây là ‘bệnh của nam giới’ khiến bệnh tim ở phụ nữ không được phát hiện và điều trị đúng mức”.
PHÒNG NGỪA BỆNH TIM, PHỤ NỮ CẦN LÀM GÌ? 1. Kiểm tra nguy cơ sức khỏe: Thông báo cho bác sĩ tim mạch của bạn về bệnh sử gia đình, những vấn đề sức khỏe mà bạn hay người thân mắc phải, đặc biệt là bệnh sử tim mạch. Bác sĩ có thể cho bạn thực hiện những xét nghiệm cần thiết như định lượng cholesterol, triglyceride trong máu. 2. Duy trì cân nặng lý tưởng: Thừa cân có thể làm tăng huyết áp, cholesterol và triglyceride máu. Nó cũng khiến bạn dễ mắc đái tháo đường týp 2, làm tăng nguy cơ tắc mạch máu và nhồi máu cơ tim. 3. Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu, bia: Người hút thuốc lá dễ bị nhồi máu cơ tim gấp 2 lần so với người không hút thuốc vì những chất độc trong thuốc lá làm tổn hại mạch máu khiến bạn dễ bị nhồi máu cơ tim hơn. Ngoài ra cũng chỉ nên dùng rượu, bia chừng mực. 4. Tập luyện: Tập ít nhất 30-40 phút từ trung bình đến nặng 4-5 ngày/tuần. Tập luyện giúp giảm nguy cơ bệnh tim, tăng HDL và giảm LDL. 5. Dinh dưỡng đúng: Tăng cường rau củ và trái cây. Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm LDL và huyết áp. Ngoài ra cũng nên thay đổi chất béo trong bữa ăn. Tránh bơ và các chất béo bão hòa, thay vào đó dùng dầu ôliu, dầu hạt cải (canola oil). Tuy nhiên, cũng nên dùng chúng chừng mực vì mọi chất béo đều giàu năng lượng và có thể làm bạn tăng cân. |
Theo TSK số 692
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}