Vui khỏe mỗi ngày - Làm đẹp

27/08/2023 GMT+0700

Thận trọng với thuốc nhuộm tóc

BS Phan Minh Trí

Làm đẹp là một nhu cầu tất yếu của con người; trong đó, nhuộm tóc là một trong những hoạt động làm đẹp rất phổ biến hiện nay.

Nhuộm tóc sẽ giúp bạn trở nên hợp thời trang hơn, hoặc che giấu được những khuyết điểm của tóc. Từ lâu, nhuộm tóc đã không còn là “đặc quyền” chuyên để làm đẹp của giới trẻ nữa mà đã trở nên thông dụng phổ biến trong mọi lứa tuổi, nhất là phụ nữ. Ngày càng có nhiều người sử dụng thuốc nhuộm tóc như một “công cụ” để làm đẹp, để trẻ hóa hay để thể hiện “đẳng cấp”. Thực tế có khoảng 75% phụ nữ đã từng nhuộm tóc. Sử dụng thuốc nhuộm làm thay đổi màu tóc đã trở nên quá phổ biến trong cuộc sống của chúng ta, nhất là với những người nổi tiếng, hoặc thích chạy theo xu hướng xã hội.

Nhuộm tóc là một phần trang điểm của con người đã xuất hiện cách đây trên 4.000 năm. Người Ai cập cổ được xem là “ông tổ” sáng tạo ra các loại mỹ phẩm, cũng là những người đầu tiên trên trái đất biết dùng màu để nhuộm tóc. Dĩ nhiên, loại màu để nhuộm cho tóc lúc bấy giờ đều có nguồn gốc từ thiên nhiên, cụ thể là từ cây Henna (cây Móng tay nhuộm), Indigo (cây Chàm nhuộm) và Chamomile (Cúc La mã). Ngoài mục đích trang điểm cá nhân, người La mã ở giai đoạn 300 năm trước Công nguyên dùng màu tóc nhuộm để phân biệt tầng lớp trong xã hội, như phụ nữ quý tộc nhuộm tóc đỏ, tầng lớp trung lưu phải nhuộm màu bạch kim, còn giới bình dân hoặc nghèo khổ thì để tóc đen tự nhiên hoặc phải nhuộm tóc đen nếu “lỡ” sinh ra có màu khác.

Một bước ngoặt trong lịch sử thuốc nhuộm tóc là vào năm 1863, nhà hóa học người Đức – August Wilhelm von Hofmann công bố thành phần thuốc nhuộm tóc có chất para-phenylenediamin (PPD) kéo theo những phát minh mới cho ngành mỹ phẩm nói chung và thuốc nhuộm tóc nói riêng cũng ra đời, đáp ứng nhu cầu nhuộm tóc ngày càng nhiều của con người vì giá thành rẻ hơn. Cuộc cách mạng thuốc nhuộm tóc đem đến hiệu quả cao vì sự tiện dụng và giá thành rẻ nhưng cũng tiềm ẩn những tác hại tới sức khỏe con người.

Các tác hại (có thể có) của thuốc nhuộm tóc hiện nay

– Điều dễ nhận thấy nhất khi sử dụng thuốc nhuộm là nó tác động đến lớp vỏ bảo vệ của tóc gây ra hiện tượng tóc xơ, giòn, dễ gãy hoặc rụng tóc. Với những người da mẫn cảm có thể bị viêm da tiếp xúc bởi phản ứng dị ứng da do hóa chất với biểu hiện đặc trưng là da đầu đỏ, ngứa và phát ban, có thể lan xuống vùng cổ hoặc trán, trường hợp nghiêm trọng có thể xảy ra sốc phản vệ, đe dọa tính mạng. Người thường xuyên sử dụng thuốc nhuộm tóc có thể bị rụng tóc nghiêm trọng do các hóa chất trong thuốc nhuộm kích thích da đầu và nang tóc gây viêm, sau một thời gian các nang tóc co lại và gây rụng tóc.

– Ảnh hưởng hệ nội tiết: một số thuốc nhuộm tóc có chứa chất ankylphenol ethoxylat (APE) thường có trong thuốc trừ sâu. Khi nhuộm tóc chất này có thể hấp thu vào cơ thể gây rối loạn nội tiết.

– Ảnh hưởng hệ vận động: có thể bị đau khớp, viêm khớp, chủ yếu là các khớp nhỏ và nhỡ như khớp bàn tay, cổ chân, ngón tay chân,… Nguyên nhân có thể do chất PPD có mặt trong hầu hết thuốc nhuộm tóc hiện nay.

– Nguy cơ ung thư: người thường xuyên tiếp xúc thuốc nhuộm tóc có nguy cơ bị ung thư hạch, là một dạng ung thư tấn công vào hệ bạch huyết, một phần của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng nghi ngờ chất PPD có thể gây ung thư vú và bàng quang.

Vài điều cần lưu ý về thuốc nhuộm tóc

– Thuốc nhuộm vĩnh viễn (không mất màu khi gội đầu) gây tác hại hơn nhuộm lâu (mất màu sau 4 – 6 lần gội hoặc lâu hơn), nhuộm tạm thời (mất màu sau 1 lần gội) và nhuộm dần dần (tóc sậm màu dần) vì các hạt màu trong loại này có kích thước rất lớn, chen lấn vào chân sợi tóc và “kẹt” luôn trong đó. Ngoài ra, loại vĩnh viễn có chứa các chất tạo màu là các amin và phenol có nhân thơm là những chất có hại.

– Các hóa chất có trong thuốc nhuộm tiềm ẩn nguy cơ gây hại gồm:

+ Ammonia: kích ứng hệ hô hấp và ảnh hưởng hệ nội tiết.

+ Hydrogen peroxyd (oxy già): kích ứng hệ hô hấp và da, gây bỏng da, mắt.

+ Para-phenylenediamin (PPD): gây ung thư, gây độc cho nội tạng và máu, hệ miễn dịch.

+ Resorcinol: gây hại cho hệ nội tiết và ung thư, có thể kích ứng da và phổi.

+ Toluen-2,5-diamin sulfat: gây ung thư.

+ Methylparaben: ảnh hưởng hệ nội tiết.

+ Chất tạo mùi: gây dị ứng, gây độc cho nội tạng.

+ 1-naphthol: gây ung thư.

– Thuốc nhuộm màu càng đậm càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe vì càng chứa nhiều hóa chất với hàm lượng cao, đặc biệt là chất PPD và muối kim loại nặng. Thuốc nhuộm đen có hàm lượng các hóa chất cao nhất.

– Thuốc nhuộm màu sáng gây hại cho tóc nhiều nhất vì trong thành phần có chứa các chất có tác dụng tẩy màu cũ của tóc trước khi nhuộm. Quá trình này làm cho oxygen trong chất sừng sợi tóc bị phóng thích ra khỏi sợi tóc, làm cho sợi tóc bị mỏng đi, xốp hơn, trở nên giòn và dễ gãy.

– Phụ nữ da màu khi nhuộm tóc có 45% nguy cơ bị ung thư vú so với chỉ 7% ở phụ nữ da trắng(!). Các nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu phả hệ của hơn 40 nghìn phụ nữ ở Mỹ từ 35 – 75 tuổi có chị gái hoặc em gái bị ung thư vú (nhưng bản thân họ chưa mắc bệnh). Khó có thể giải thích vì sao lại có kết quả đó nhưng người ta cho rằng có thể có sự khác biệt trong các sản phẩm nhuộm tóc dành cho người da màu và người da trắng.

Vậy có nên nhuộm tóc không?

Với các “nguy cơ” tiềm ẩn như trên, liệu có an toàn khi nhuộm tóc không? Và nếu phải nhuộm thì làm cách nào để tránh hoặc giảm thiểu các nguy cơ đó?

Như trên đã nói, làm đẹp là nhu cầu tất yếu của con người, do đó câu trả lời là bạn cứ việc nhuộm tóc, vấn đề là hãy tuân thủ một số quy tắc nhất định để giảm tối đa các tác hại của thuốc nhuộm.

- Không dùng thuốc nhuộm có nguồn gốc không rõ ràng.

- Hạn chế việc tự nhuộm ở nhà, nếu ra tiệm phải đến tiệm quen và xem sản phẩm còn hạn sử dụng hay không.

- Khoảng cách giữa 2 lần nhuộm tối thiểu phải 6 tháng.

- Không để thuốc nhuộm trên tóc lâu hơn thời gian quy định của sản phẩm (có ghi rõ trên bao bì). Đọc kỹ các lưu ý và hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

- Trước khi nhuộm không nên gội đầu kỹ vì sẽ làm mất chất dầu tự nhiên bảo vệ cho da đầu. Ngoài ra không nên sấy tóc quá nóng trước khi nhuộm vì các hóa chất sẽ dễ gây hại hơn khi gặp nhiệt độ cao.

- Không bao giờ trộn các loại thuốc nhuộm khác loại với nhau để nhuộm vì làm tăng nguy cơ gây hại cho da đầu.

- Không bao giờ dùng thuốc nhuộm cho lông mi, lông mày vì có thể dẫn đến tổn thương mắt gây mù lòa.

- Trước khi nhuộm nên thử phản ứng dị ứng của thuốc bằng cách kiểm tra dị ứng áp da theo hướng dẫn trên bao bì.

- Nếu phải nhuộm ở nhà, phải mang găng tay khi nhuộm, sau khi nhuộm nên gội lại bằng dầu gội có chất dưỡng ẩm cho da và tóc.

- Hạn chế tác hại của thuốc nhuộm lên da đầu bằng cách bôi một ít dầu dừa hoặc Vaselin lên chân tóc trước khi nhuộm.

- Cân nhắc dùng thuốc nhuộm loại tạm thời thay vì loại vĩnh viễn.

- Một gợi ý là bạn nên dùng các loại màu nhuộm tự nhiên. Muốn tóc sáng màu hơn thì dùng hỗn hợp gồm hoa cúc, baking soda, chanh, giấm táo và muối biển. Bôi lên tóc, ủ từ 30 – 60 phút, sau đó gội đầu. Muốn tóc đậm màu thì nhuộm bằng màu Henna hoặc bột cà phê.

Tác hại của thuốc nhuộm tóc đối với mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Và những khuyến cáo về tác hại của thuốc nhuộm cho đến nay vẫn chỉ là “có nguy cơ” vì chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định mối liên quan giữa thuốc nhuộm tóc và các bệnh lý ung thư. Lưu ý phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú tuyệt đối không nhuộm tóc. Các trường hợp có bệnh lý mạn tính như hen suyễn, tăng huyết áp, bệnh tim mạch cần thận trọng và tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Do đó, trước khi nhuộm hãy đặt lên bàn cân giữa một bên là các tác hại của thuốc và bên kia là nhu cầu làm đẹp của mình.

[Banner Mid] Hồng Phát


Ý kiến của bạn

{% item.name %}

{% item.comment %}

Đọc thêm

sile

Làm đẹp da bằng quả dâu tằm

22/08/2024 00:00:00 GMT+0700

Là trái cây dân gian phổ biến, quả dâu tằm được gọi là “siêu thực phẩm” (super food) vì mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, trong đó có việc làm đẹp da phụ nữ.

sile

Làm đẹp với muối

06/09/2023 07:45:00 GMT+0700

Muối ăn (NaCl) được biết đến là một loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lượng muối nạp vào cơ thể ở người trưởng thành mỗi ngày nên khoảng 2 – 3g (1 thìa cà phê). Ăn quá ít muối có thể gây hiện tượng phù tay chân, thiếu natri ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Thực tế, nhiều người tiêu thụ muối ăn nhiều hơn mức cần thiết. Nếu ăn nhiều muối sẽ gây tăng nguy cơ bị bệnh cao huyết áp, tim mạch và đột quỵ.

sile

Mỹ phẩm cấm lưu hành (phần 2)

30/08/2023 07:20:00 GMT+0700

Cục Quản lý Dược có thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc các lô sản phẩm sau:

sile

Thành phần trong kem chống nắng có thể gây nguy hiểm cho hệ sinh thái dưới nước?

27/08/2023 04:08:00 GMT+0700

Theo nghiên cứu mới của các nhà sinh vật học Đại học Alberta, Canada, nhiều thành phần hoạt tính có trong kem chống nắng có tác động bất lợi đến hệ sinh thái nước ngọt.

sile

Thận trọng với thuốc nhuộm tóc

27/08/2023 03:53:00 GMT+0700

Cuộc cách mạng thuốc nhuộm tóc đem đến hiệu quả cao vì sự tiện dụng và giá thành rẻ nhưng cũng tiềm ẩn những tác hại tới sức khỏe con người.

sile

Mỹ phẩm cấm lưu hành

20/08/2023 14:24:00 GMT+0700

Cục Quản lý Dược có thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi sản phẩm mỹ phẩm sau:

sile

{% item.title %}

{% item.time_ago %}

{% item.short_description %}