Kem trộn chứa nhiều thành phần không rõ nguồn gốc. Ảnh: Shutter Stock
Nghiện corticosteroid
“Kem trộn” là tên dùng để chỉ các loại kem trắng da cấp tốc, được chế tạo từ nhiều thành phần khác nhau và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các thành phần chính của kem trộn gồm: vitamin E, cortibion, aspirin, becozyme, và đặc biệt là corticosteroid.
Các thành phần này được nghiền mịn và hòa trộn lại để tạo thành sản phẩm kem trộn bán ra ngoài thị trường. Công thức sản xuất kem trộn thường không được kiểm chứng, chưa kể việc pha chế không đảm bảo vệ sinh do không có dây chuyền sản xuất chuẩn mực.
Do đó, ngày càng có nhiều trường hợp viêm da do corticoid, hay còn gọi là da nhiễm corticoid, do tình trạng sử dụng kem trộn tràn lan và không tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Corticosteroid bôi tại chỗ là một trong những nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị các bệnh da liễu. Nhóm thuốc này mang lại hiệu quả giảm triệu chứng nhanh chóng, đặc biệt trong các bệnh viêm da khi sử dụng trong thời gian ngắn.
Lạm dụng corticosteroid dẫn đến nhiều tác dụng phụ. Ảnh: lavenza
Nhưng việc lạm dụng corticosteroid có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ như teo da, giảm sắc tố, phát ban dạng mụn trứng cá, rậm lông, nhiễm ký sinh trùng Demodex.
Ngoài ra, ngưng corticosteroid sau thời gian dài sử dụng cũng gây ra những triệu chứng nặng nề, được đề cập với các tên gọi như “Nghiện corticosteroid”, “Hội chứng cai corticosteroid”, “Viêm da do steroid” hay “Hội chứng mặt đỏ”. Việc xử trí tác dụng phụ do corticosteroid khá phức tạp và tốn nhiều thời gian.
Các tác dụng phụ khi dùng corticosteroid tại chỗ thường liên quan đến việc da giảm khả năng lành thương và mất đàn hồi do giảm tổng hợp collagen. Ngoài ra, corticosteroid còn làm giảm độ co giãn và khả năng đàn hồi của mô liên kết, khiến da trở nên mỏng manh và dễ bị tổn thương.
Đồng thời, thuốc làm giảm nồng độ lipid tự nhiên trong da, làm suy yếu hàng rào bảo vệ da, khiến da dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân từ môi trường bên ngoài.
Hội chứng cai corticosteroid tại chỗ xảy ra do rối loạn chức năng thụ thể glucocorticoid ở da và tổn thương hàng rào bảo vệ da. Điều này kích hoạt một chuỗi phản ứng viêm qua trung gian cytokine, dẫn đến hiện tượng viêm bùng phát sau khi ngưng sử dụng corticosteroid.
Triệu chứng thường gặp
Nhiều tác dụng phụ trên da có thể xuất hiện khi dùng corticosteroid tại chỗ, nhất là khi thời gian điều trị kéo dài. Mức độ tác dụng phụ còn phụ thuộc vào độ mạnh của thuốc, dạng bào chế và vị trí bôi. Một số tác dụng phụ phổ biến gồm:
Sử dụng corticosteroid lặp lại ở một vùng da gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Ảnh: Shutter Stock
- Teo da, giãn mạch và rạn da: Thường xảy ra khi sử dụng corticosteroid tại chỗ lặp lại ở cùng một vùng da. Thuốc làm mỏng lớp thượng bì và thay đổi cấu trúc mô liên kết, khiến da trở nên mỏng hơn, nhăn nheo, trong suốt và làm lộ rõ các mạch máu bên dưới. Tác dụng phụ này hay gặp ở vùng nếp gấp như nách, bẹn, cũng như các vùng da mỏng như mặt và quanh mí mắt. Teo da có thể phục hồi sau khi ngưng dùng corticosteroid tại chỗ, nhưng quá trình này có thể mất vài tháng.
- Đỏ bừng mặt: Xảy ra khi dùng corticosteroid tại chỗ kéo dài, do mất lớp mô liên kết hỗ trợ mạch máu ở hạ bì, gây giãn mao mạch và đôi khi xuất huyết dưới da. Việc dùng thuốc lâu ngày cũng làm tăng nguy cơ nhiễm Demodex, góp phần gây ra hiện tượng này.
- Tăng sắc tố và nám da: Thời gian đầu sử dụng corticosteroid, quá trình sản sinh sắc tố bị ức chế và làm mờ vết nám, trắng da. Nhưng khi ngưng dùng, quá trình này hoạt động mạnh hơn để bù trừ, thậm chí làm rối loạn quá trình sản xuất melanin. Hậu quả là da xuất hiện những vùng tăng sắc tố không đều màu và làm trầm trọng hơn tình trạng nám sẵn có.
- Giảm sắc tố khu trú: Xảy ra khi corticosteroid ức chế chức năng tế bào hắc tố, tạo ra các vùng da giảm sắc tố. Tình trạng này có thể cải thiện sau khi ngừng dùng steroid.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng da, nhiễm nấm da: Thường xuất hiện sớm trong quá trình điều trị bằng corticosteroid tại chỗ. Các triệu chứng có thể cải thiện tạm thời, dẫn đến che lấp triệu chứng lâm sàng, làm chậm trễ quá trình chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, corticosteroid tại chỗ ức chế phản ứng miễn dịch bình thường của da, làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Bệnh nhân cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu để xác định tình trạng bệnh và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp khi nhiễm corticoid. Ảnh: Shutter Stock
- Phát ban dạng mụn trứng cá: Sử dụng corticosteroid tại chỗ kéo dài có thể gây ra phát ban dạng mụn trứng cá với đặc trưng là xuất hiện đột ngột sẩn viêm và mụn mủ nhỏ, đồng dạng, ít hoặc không có nhân mụn. Chủ yếu xuất hiện ở vùng thân và các chi, ít ảnh hưởng đến mặt.
- Bùng phát các bệnh da liễu trước đó: Việc ngưng sử dụng corticosteroid tại chỗ có độ mạnh cao trên vùng da rộng bị vảy nến trong thời gian dài có thể làm tái phát bệnh hoặc bùng phát vảy nến mủ. Hiện tượng này đặc biệt dễ xảy ra khi sử dụng corticosteroid với lượng lớn hoặc băng bịt. Tương tự, việc ngừng dùng thuốc đột ngột cũng có thể gây ra các đợt bùng phát viêm da cơ địa.
- Hội chứng cai corticosteroid bôi tại chỗ: Bệnh nhân có cảm giác ngứa, châm chích, bỏng rát, đau nhức da, xuất hiện từ vài ngày đến vài tuần sau khi ngừng dùng corticosteroid. Các dấu hiệu thường gặp là đỏ da, bong tróc, phù nề, tiết dịch, mụn mủ, teo da, da mỏng, nhăn nheo. Những tổn thương này có thể lan rộng sang các vùng da không bôi corticosteroid trước đó.
- Biểu hiện khác: Da nhạy cảm, dễ kích ứng, bong tróc, lột da, và trong một số trường hợp nặng có thể tiến triển đến đỏ da toàn thân. Một số bệnh nhân cũng ghi nhận triệu chứng toàn thân như run, lạnh run, nổi hạch bạch huyết, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, thay đổi cảm xúc và trầm cảm.
Một số lưu ý trong điều trị
Việc điều trị các tác dụng phụ do corticosteroid tại chỗ thường tốn kém cả về thời gian lẫn chi phí. Do đó, phòng ngừa là yếu tố then chốt. Người bệnh cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng hoặc tự ý sử dụng thuốc.
Khi tình trạng bệnh cải thiện, nên giảm dần tần suất và liều lượng bôi thuốc. Ngoài ra, cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng corticosteroid tại các vùng da nhạy cảm như mặt, bìu, các nếp gấp và vùng quanh mắt.
Việc điều trị cụ thể tùy vào loại tác dụng phụ gặp phải. Tuy nhiên, có vài lưu ý quan trọng cần ghi nhớ trong quá trình điều trị:
- Thói quen: Hạn chế chạm tay và chà xát, cào gãi lên mặt; hạn chế trang điểm và hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều bụi bẩn.
- Lựa chọn sản phẩm chăm sóc da tại nhà: Chọn sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa các hoạt chất có tính tẩy rửa mạnh. Sử dụng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ để phục hồi hàng rào bảo vệ da.
- Hỗ trợ tâm lý: Đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị, giúp bệnh nhân vượt qua những ảnh hưởng tâm lý – xã hội do hội chứng này gây ra.
- Các phương pháp khác: Liệu pháp ánh sáng sinh học, laser, tiêm vi điểm, sử dụng chế phẩm huyết tương giàu tiểu cầu, sản phẩm từ tế bào gốc… cũng được ứng dụng với mục tiêu giảm đỏ, giảm viêm và phục hồi lại hàng rào bảo vệ da.
Theo TSK số 696
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}