Hiểu bệnh A-Z - Tim mạch

20/08/2023 GMT+0700

Tâm phế mạn: suy tim phải từ bệnh lý phổi

TS.BS. Bùi Minh Trạng

Nhóm bệnh lý phổi này gây tăng áp động mạch phổi và ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của thất phải. Khi tim phải bị ảnh hưởng được xem là bệnh tim do phổi hay bệnh tâm phế mạn. Thật ra cũng có tình trạng tâm phế cấp nhưng ít gặp. Tâm là tim và phế là phổi, tức bệnh tim nhưng nguyên nhân là do phổi. Bệnh này rất hay gặp, nhưng thường được chẩn đoán muộn, đến khi được điều trị bệnh tim thì rất khó khăn.

Điều trị tâm phế mạn rất khó khăn, thường là do chẩn đoán muộn

Việc điều trị bệnh nhân tâm phế mạn rất hạn chế vì thế bệnh có tiên lượng không tốt. Vấn đề đặt ra là phải phát hiện ra tâm phế mạn ở giai đoạn sớm để ngăn chặn tiến triển. Trên một bệnh nhân bị bệnh phổi mạn tính, xác định có bị rối loạn chức năng thất phải hay chưa là một việc rất khó khăn, tốt nhất phải phát hiện ở giai đoạn có tăng áp động mạch phổi mà chưa ảnh hưởng đến tim phải.

Các triệu chứng của tâm phế mạn thường bị che dấu bởi triệu chứng của bệnh phổi mạn, thường là bệnh nhân có những đợt phù chân, đau ngực không điển hình, khó thở khi gắng sức, tím ở ngoại vi liên quan gắng sức, có thể ho hoặc tình trạng giảm thông khí ban đêm dẫn đến khó thở khi ngủ, tăng huyết áp nhẹ, đau đầu,… Một triệu chứng rất hay gặp ở tâm phế mạn và cũng dễ bị bỏ qua là thở ngắn, cần phải xem ở mức độ hoạt động nào làm cho bệnh nhân khó thở vì tự bệnh nhân sẽ giới hạn hoạt động nhằm tránh bị khó thở. Khi khám bệnh nhân, bác sĩ sẽ phát hiện ra dấu hiệu của tăng áp lực động mạch phổi qua nghe tim và phát hiện ra suy tim phải (tim to, tĩnh mạch cổ nổi, gan to, phù ngoại vi…), tình trạng thiếu oxy mãn tính sẽ gây ngón tay, ngón chân dùi trống hoặc bệnh nhân bị tím đen như người đen, mắt lồi và đỏ do tăng sinh của các mao mạch máu màng tiếp hợp nên trông như mắt ếch.

Trong thực tế các triệu chứng trên rất khó phân biệt với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vì có tăng thông khí ở ngực, tĩnh mạch cổ nổi ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng khó nhận biết do tăng áp lực trong lồng ngực. Phù ngoại vi có thể do những nguyên nhân khác như giảm albumin máu. Do tăng thông khí nên nghe tim sẽ rất khó phát hiện các tiếng thổi bất thường. Vì thế rất cần đến các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán tình trạng của tăng áp lực động mạch phổi và rối loạn chức năng thất phải. Bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm: X quang phổi, siêu âm tim, đo điện tâm đồ, thông tim, chụp cộng hưởng từ (MRI),…

Nếu bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tốt thì bệnh có thể ổn định đến 20 năm. Đối với bệnh phổi mạn tính tiến triển từ từ đưa đến tổn thương chức năng phổi dần rồi gây tăng áp lực phổi, suy tim phải. Tiên lượng của bệnh tùy thuộc vào việc kiểm soát bệnh phổi mạn hơn là việc điều trị tăng áp lực động mạch phổi. Ngoài việc điều trị bệnh phổi mạn tính, người bệnh còn được sử dụng liệu pháp oxy, tập thở, loại bỏ yếu tố kích thích (như hút thuốc lá), có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi phù hợp. Bệnh nhân cần phải tái khám định kỳ để được bác sĩ hướng dẫn cụ thể các vấn đề nêu trên và được điều trị liên tục.

Tâm phế mạn xuất phát từ tổn thương phổi gây tăng áp động mạch

Cách đây hơn 30 năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa về bệnh tâm phế mãn, đó là sự phì đại của thất phải do các bệnh lý thay đổi cấu trúc và chức năng của phổi (trừ những bệnh lý phổi ảnh hưởng đầu tiên đến tim trái, chẳng hạn bệnh tim bẩm sinh). Nhưng sau đó WHO đã điều chỉnh lại định nghĩa, thay thế “phì đại thất phải” bằng “thay đổi cấu trúc và chức năng thất phải”. Ở những bệnh nhân bệnh phổi giảm oxy máu thì việc xác định trường hợp nào có thay đổi cấu trúc và chức năng mạch máu phổi cũng như tâm thất phải gặp rất nhiều khó khăn ngoại trừ tiến hành các kỹ thuật xâm lấn. Vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân thường gặp nhất của tâm phế mạn nên khi nói đến tâm phế mạn người ta hay đề cập đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Sự tiến triển của tăng áp động mạch phổi ở bệnh nhân bệnh phổi giảm oxy máu là quan trọng nhất, nó không chỉ liên quan đến phì đại thất phải mà còn là yếu tố tiên lượng bệnh. Ở Hoa Kỳ và châu Âu, ước tính có khoảng 10 – 30% bệnh nhân nhập viện vì suy tim sung huyết là tâm phế mạn. Tâm phế mạn đứng hàng thứ 3 trong các bệnh tim thường gặp nhất ở người trên 50 tuổi, sau cao huyết áp và bệnh tim do xơ vữa mạch máu. Hàng năm, ở Hoa Kỳ có đến 80.000 người tử vong vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và con số này ở Vương quốc Anh là 30.000. Tuy nhiên, không thể nào xác định được trường hợp nào có tăng áp lực động mạch phổi.

Chúng ta biết rằng, máu từ tâm thất phải được bơm vào trong động mạch phổi đến mao mạch phổi. Ở mao mạch phổi sẽ có sự trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch (máu đen nghèo oxy sẽ biến thành máu đỏ giàu oxy), sau đó máu vào trong tĩnh mạch phổi để trở lại tim và đây là vòng tuần hoàn nhỏ. Khi có thay đổi cấu trúc và chức năng của phổi trong các bệnh phổi mạn sẽ đưa đến tăng áp lực trong động mạch phổi, khi áp lực động mạch phổi tăng, tức tăng sức cản, thì tâm thất phải cần phải cố gắng nhiều hơn để đẩy máu ra và vì thế sẽ dẫn đến phì đại tâm thất phải, đưa đến suy tim phải. Các bệnh lý chính hay gặp trong tâm phế mạn là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh phổi mô kẽ lan tỏa, các hội chứng giảm thông khí và các bệnh mạch máu phổi. Như trên đã nêu, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân hay gặp nhất của tâm phế mạn, còn nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là các bệnh viêm phế quản mạn, hen phế quản và khí thũng phổi. Một số bệnh khác cũng gây bệnh phổi tắc nghẽn là xơ hóa phổi, giãn phế quản. Một số yếu tố nguy cơ gây tăng áp lực động mạch phổi (gây ra tâm phế mạn) gồm yếu tố giải phẫu gây phá hủy hoặc tắc nghẽn giường mạch máu phổi (khí thũng, xơ hóa, huyết khối) và yếu tố chức năng (giảm oxy phế nang, tăng thán khí và nhiễm toan, tăng thể tích máu do đa hồng cầu, đè xẹp ống phế nang).

Tất cả các bệnh lý làm thay đổi cấu trúc và chức năng của phổi đều đưa đến giảm oxy máu (không đáp ứng đủ nhu cầu trao đổi khí của cơ thể). Tình trạng thiếu oxy sẽ dẫn đến co thắt các tiểu động mạch phổi và từ đó dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi, áp lực oxy phế nang càng thấp thì sự co thắt tiểu động mạch phổi càng nhiều. Mặt khác tình trạng suy hô hấp sẽ đưa đến ứ đọng CO2 và gây toan hô hấp, toan hóa máu sẽ đưa đến co thắt các tĩnh mạch phổi phối hợp với co thắt tiểu động mạch do thiếu oxy tổ chức sẽ làm tăng áp lực động mạch phổi. Tóm lại, rối loạn ở phổi gây tăng áp động mạch phổi có thể dẫn đến bệnh tâm phế mạn theo một số cơ chế: tổn thương giường mao mạch (do những thay đổi dạng bóng trong COPD hoặc do huyết khối trong tắc mạch phổi); Co mạch do thiếu oxy, tăng CO2 máu, hoặc cả hai; Tăng áp lực phế nang (ví dụ trong COPD, do thông khí cơ học); Tăng sản lớp trung mạc mạnh (đáp ứng với tình trạng tăng áp phổi do các cơ chế khác).

[Banner Mid] Hồng Phát


Ý kiến của bạn

{% item.name %}

{% item.comment %}

Đọc thêm

sile

Phòng đột quỵ khi tập thể dục chơi thể thao

07/01/2024 06:50:00 GMT+0700

Đột quỵ khi chơi thể thao, tập luyện thể dục có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào ngay cả ở những người còn trẻ; tuy vậy, thường gặp nhất vẫn là ở người đã có sẵn các yếu tố nguy cơ như mắc bệnh nền, tuổi cao kết hợp thời tiết nóng, lạnh đột ngột. Vì vậy, đối với các đối tượng có nguy cơ cao cần hết sức cảnh giác khi tập thể dục, chơi thể thao, đặc biệt khi thời tiết khắc nghiệt (nóng quá hoặc lạnh quá).

sile

Hiểu đúng về nhịp tim nhanh - chậm

08/09/2023 04:04:00 GMT+0700

Có một tình trạng diễn ra trong cơ thể liên quan đến quả tim mà chúng ta sẽ rất ngạc nhiên, đó là tim hoạt động không mệt mỏi với gần 100.000 lần đập (co bóp) trong một ngày, như vậy mỗi năm tim đập 37 triệu lần và nói chung một đời người trung bình có đến 3 tỉ lần tim đập. Đúng là một bộ phận hoạt động bền bỉ và hiệu quả. Bình thường tim co bóp đều đặn (tiếng tim nghe được với khoảng cách thời gian đều nhau) nhưng đôi khi tim của chúng ta đập nhanh đột ngột mà không có lý do gì.

sile

Hẹp van 2 lá

05/09/2023 01:54:00 GMT+0700

Van 2 lá có cấu trúc từ tổ chức xơ sợi gồm có 2 lá van: lá van trước với sợi xơ liên tục vòng van động mạch chủ và lá van sau được cố định bởi vòng van. Van 2 lá là nơi nối liền nhĩ trái và thất trái. Máu sẽ di chuyển một chiều từ nhĩ xuống thất, buồng tâm nhĩ có áp suất thấp, thành mỏng (như là một bình chứa máu đưa về tâm thất), trong khi đó tâm thất là một cái bơm (bơm máu ra động mạch chủ).

sile

COVID-19 & bệnh lý tim mạch

27/08/2023 06:40:00 GMT+0700

Từ tháng 12.2019, chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) đã gây dịch nhiễm trùng hô hấp cấp tính (COVID-19) tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), sau đó lan rộng ra hầu hết các nước trên thế giới, đến mức tháng 3.2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Các nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy mối liên quan giữa COVID-19 và bệnh lý tim mạch.

sile

COVID-19 & bệnh nhân tăng huyết áp

27/08/2023 06:30:00 GMT+0700

Tăng huyết áp (hay huyết áp cao) là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi. Các thống kê tại Việt Nam cũng như tại nhiều nước đều cho thấy: hơn 60% những người từ 60 tuổi trở lên đều có triệu chứng tăng huyết áp. Tuy nhiên, có nhiều người đang bị tăng huyết áp nhưng do chủ quan hoặc không có điều kiện kiểm tra huyết áp nên không biết mình đang mắc bệnh này.

sile

Phòng ngừa bệnh lý tim mạch không dùng thuốc

20/08/2023 03:14:00 GMT+0700

Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây ra tử vong đứng hàng đầu, ở mọi quốc gia. Ngoài yếu tố bẩm sinh, đa số trường hợp là do mắc phải, trong đó có sai lầm trong lối sống.

sile

{% item.title %}

{% item.time_ago %}

{% item.short_description %}