Đại dịch COVID đã gây ra những thiệt hại to lớn về xã hội, tình cảm và sức khỏe cộng đồng. Nó làm gián đoạn cuộc sống thường nhật, làm dấy lên nỗi căng thẳng, sợ sệt và hoang mang về những mất mát, cả về sức khỏe và thu nhập, chưa kể đến việc bị giãn cách làm cuộc sống bị đảo lộn. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông, du lịch bị đình trệ, không có việc làm, giảm hoặc mất thu nhập. Trẻ em và thiếu niên không được đến trường, mất đi sự giao lưu trực tiếp với bạn bè, người già cô đơn do không có người chăm sóc, mất người thân,… Các vấn đề về sức khỏe tâm thần đối với cộng đồng vì vậy cần đặt ra, không chỉ liên quan đến sự sợ hãi mà còn nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Tình trạng sức khỏe tâm thần này thể hiện trong nhiều nghiên cứu trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra lời khuyến cáo và cảnh báo về những vấn đề sức khỏe tâm thần - tâm lý từ tháng 3.2020, bao gồm sự kỳ thị, sự sợ hãi và ám ảnh, dẫn đến những niềm tin không phù hợp với khoa học và những đồn đoán sai sự thật.
Không chỉ vậy, một số đáng kể các bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn tiếp tục có những triệu chứng sau giai đoạn cấp của bệnh, và những triệu chứng này kéo dài hàng tuần đến hàng tháng, có thể là ho, mệt mỏi, đau nhức mạn tính và những than phiền về tâm lý - tâm thần. Các chẩn đoán tâm thần thường gặp nhất là các rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc, lạm dụng chất gây nghiện và mất ngủ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các rối loạn này phần lớn là do thời gian dài bị phong tỏa trong một không gian chật hẹp và còn có thể ảnh hưởng nhiều hơn tới những người sống phụ thuộc nhiều vào các mối liên kết và quan hệ xã hội.
Sự kỳ thị
Một vấn đề liên quan nặng nề xuất hiện trong đại dịch đó là sự kỳ thị do đổ lỗi của cộng đồng đối với người nhiễm bệnh. Điều này làm cản trở chiến dịch tầm soát và truy lùng nguồn lây, cũng như làm trầm trọng thêm vấn đề tâm lý - tâm thần đối với người nhiễm bệnh và nhất là người vừa thoát khỏi các biến chứng nặng. Những thông tin sai lệch xuất hiện trên mạng truyền thông không chính thống (Facebook, Zalo,…) làm tăng nỗi sợ hãi của dân chúng đối với cộng đồng mắc bệnh. Sự kỳ thị làm cho nhóm người nhiễm bệnh tin tưởng hoặc cho rằng bị kỳ thị sẽ né tránh tìm kiếm sự giúp đỡ về y tế hoặc xã hội. Điều này dẫn đến những hậu quả xa hơn về mặt tâm lý xã hội mà tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý - tâm thần cá nhân.
– Các biểu hiện rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần:
+ Rối loạn ăn uống
+ Rối loạn giấc ngủ
+ Trầm cảm
+ Lo âu
+ Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD – Post Traumatic Stress Disorder)
+ Có ý tưởng, hành vi tự sát
+ Rối loạn hành vi như cờ bạc, nghiện game, lạm dụng chất gây nghiện như rượu, ma túy
+ Tổn thương thực thể não dẫn đến giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ.
– Các nghiên cứu mới nhất trên người bệnh COVID cho thấy:
+ Trầm cảm, lo âu 40%
+ Rối loạn giấc ngủ 36%
+ Rối loạn ăn uống 32%
+ Tăng ý tưởng tự sát 23%
+ Bệnh nhân sau thở máy 42% bị PTSD.
Như vậy có thể thấy các rối loạn tâm thần là có thật và ngày càng tăng.
Hậu quả của rối loạn tâm thần do COVID
– Ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương: có thể gây teo não, thoái hóa não ở những vùng khác nhau, gây hại đến trí nhớ và khả năng học tập.
– Gây suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể thông qua hệ thần kinh nội tiết, làm suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh lý khác.
– Ảnh hưởng hệ tim mạch: thông qua tác động đến hệ thần kinh trung ương, hệ thống thần kinh ngoại biên, stress ảnh hưởng nhiều đến hệ tim mạch, đặc biệt là huyết áp và nhịp tim đều tăng. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến co thắt mạch vành, gây cảm giác đau ngực, thậm chí có thể nhồi máu cơ tim.
– Ảnh hưởng hệ tiêu hóa: làm giảm sự ngon miệng, rối loạn bài tiết các men tiêu hóa, acid ở đường tiêu hóa, dẫn đến loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, rối loạn vi khuẩn đường ruột,…
– Ảnh hưởng hệ nội tiết: sang chấn tâm lý có thể ảnh hưởng đến hệ thống trục dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến tụy,…
Do ảnh hưởng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, rối loạn tâm thần có thể gây hại đến cơ thể, đến ý nghỉ, cảm xúc và hành vi của người bệnh.
Các biểu hiện thường gặp là đau đầu, co cứng cơ, đau tức ngực, mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục, đau dạ dày, mất ngủ,…
– Ảnh hưởng cảm xúc như lo âu, bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, hoảng sợ, trầm cảm, dễ kích thích, bực bội, kích động…
– Ảnh hưởng hành vi: ăn uống vô độ hoặc chán ăn, sử dụng rượu hoặc chất kích thích như ma túy tổng hợp, thuốc lá,…
Trong tình hình số bệnh nhân mắc COVID-19 hồi phục ngày càng nhiều, chiến lược điều trị hậu COVID cần phải đặt ra song song với điều trị COVID. Các cơ sở y tế nên tầm soát các chứng lo âu, rối loạn stress sau sang chấn và trầm cảm ở tất cả những bệnh nhân hồi phục sau nhiễm COVID, giới thiệu họ đến các dịch vụ điều trị hậu COVID, bao gồm cả thuốc và liệu pháp tâm lý. Can thiệp sức khỏe tâm lý sớm bằng các phương pháp như trị liệu tâm lý và các nhóm hỗ trợ tâm lý có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể xảy đến trên những người hậu nhiễm COVID.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}