Tăng huyết áp thường gây tác động xấu cho hoạt động của tim và hệ thống mạch máu có nhiệm vụ mang oxy đến nuôi dưỡng các tế bào khắp cơ thể. Vì vậy, tăng huyết áp là một trong những yếu tố dẫn đến các biến cố tim mạch, thận, phổi… rất nguy hiểm như đột quỵ (tai biến mạch máu não), nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, thuyên tắc phổi…
Từ cuối năm 2019, khi COVID-19 phát triển từ Vũ Hán và lan nhanh thành đại dịch trên thế giới, người ta thấy những người cao tuổi có tỷ lệ nhiễm virus bệnh này cao và tình trạng bệnh thường nặng hơn người trẻ, đặc biệt là những người đang mang các bệnh nền như tim mạch, thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đái tháo đường týp 2, béo phì, suy giảm miễn dịch,… Những đối tượng này khi bị nhiễm COVID-19 sẽ có nguy cơ tử vong rất cao.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, những bệnh nhân tăng huyết áp khi bị COVID-19 có nhiều khả năng bị viêm phổi nặng hơn, phản ứng viêm trở nên quá mức, gây tổn thương cơ quan và mô, làm cho tình trạng bệnh nặng thêm. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo những bệnh nhân có bệnh nền tăng huyết áp cần phải chú ý giữ huyết áp ổn định bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc dùng thuốc, để tránh tình trạng bệnh trở nên nặng thêm, dễ dẫn đến tử vong.
Trong các loại thuốc thường dùng để trị tăng huyết áp và một số bệnh tim mạch khác hiện nay, đáng chú ý là hai nhóm: thuốc ức chế men chuyển (ức chế ACE) như catopril, enalapril, lisinopril, ramipril, trandolapril… và thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB) như losartan, valsartan, telmisartan, irbesartan, candesartan…
Cả hai nhóm thuốc này đều hoạt động bằng cách tương tác với một men chuyển đổi angiotensin (ACE), có ở màng ngoài của tế bào phổi và tim, có liên quan đến việc điều chỉnh huyết áp.
Trong khi đó virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có khuynh hướng bám vào thụ thể ACE2 để xâm nhập vào các tế bào trong cơ thể người.
Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, một số nhà khoa học suy đoán rằng dùng các loại thuốc ức chế men chuyển ACE hoặc ARB có thể làm tăng số lượng các thụ thể ACE2 và do đó có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm virus gây bệnh COVID-19. Khi COVID-19 mới bùng phát, một vài tài liệu y khoa đã từng nêu ý kiến cảnh báo nên thận trọng khi dùng 2 loại thuốc này cho các bệnh nhân tăng huyết áp bị nhiễm COVID-19.
Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã không tìm thấy mối liên hệ giữa việc dùng các loại thuốc trị tăng huyết áp nói trên và nguy cơ phát triển COVID-19, mà ngược lại, các thuốc này còn có tác dụng bảo vệ bệnh nhân tăng huyết áp khi bị nhiễm COVID-19.
BS Peng Zhang, một nhà nghiên cứu tim mạch tại Bệnh viện Renmin thuộc Đại học Vũ Hán, Trung Quốc, cho biết: Trong các phân tích quan sát 3.430 bệnh nhân nhập viện tại 9 bệnh viện của Trung Quốc từ tháng 12.2019 đến tháng 2.2020, những bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp được điều trị nội trú với thuốc ức chế men chuyển (ức chế ACE) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB) có liên quan đến nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn so với những người không dùng một trong hai loại thuốc này.
Mới đây, ngày 24.8.2020, trong một báo cáo được công bố trên tạp chí Current Atherosclerosis Reports, các nhà nghiên cứu tại Đại học East Anglia (UEA), Vương quốc Anh, cho biết: Họ đã hợp tác với Bệnh viện Đại học Norfolk và Norwich để phân tích dữ liệu trên 28.872 bệnh nhân mắc COVID-19 dạng nặng, đang được chăm sóc đặc biệt, kể cả phải thở máy. Một phần ba số bệnh nhân này bị tăng huyết áp và một phần tư đang dùng thuốc ức chế ACE hoặc ARB.
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Vassiliou cho biết: Trong số những bệnh nhân cao huyết áp đang dùng thuốc, tỷ lệ bị bệnh nặng hoặc tử vong thấp hơn 33% so với những bệnh nhân cao huyết áp không dùng thuốc.
Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng lâu dài hai nhóm thuốc huyết áp nói trên có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và cải thiện khả năng sống sót của bệnh nhân khi mắc COVID-19.
Như vậy, khi dịch COVID-19 đang là mối đe dọa chung, những người từng có triệu chứng bị tăng huyết áp cần phải thận trọng hơn, bằng các biện pháp:
– Thường xuyên theo dõi huyết áp, khi có dấu hiệu bị tăng huyết áp thì nên đi khám bệnh và dùng thuốc đầy đủ theo chỉ định của thầy thuốc.
– Không được ngưng thuốc hoặc tự ý thay thế thuốc trị tăng huyết áp, nếu không có ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa.
– Giữ chế độ dinh dưỡng lành mạnh: ăn nhiều rau quả tươi; hạn chế muối, đường, chất béo bão hòa, bia, rượu, thuốc lá. Uống đủ nước.
– Tăng cường vận động, thể dục thể thao vừa sức. Giữ cân nặng vừa phải, tránh béo phì.
– Duy trì nếp sống linh hoạt, tránh cuộc sống tĩnh tại, hạn chế nằm ngồi lâu một chỗ.
– Giữ tinh thần lạc quan, từ ái, vị tha,… Tránh những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng quá mức, không để tinh thần bị căng thẳng, stress…
Trong trường hợp có dấu hiệu bị nghi nhiễm COVID-19, cũng cần bình tĩnh tuân thủ những hướng dẫn về phòng chống dịch của ngành y tế.
Nếu phải nhập viện hoặc bị cách ly tập trung, cần mang theo đầy đủ thuốc, cùng với toa thuốc của bác sĩ hiện người bệnh đang dùng để các nhân viên y tế biết và có chỉ định điều trị phù hợp.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}