Vai trò của vitamin A
– Đối với mắt: Vitamin A tham gia vào quá trình tạo rhodopsin, sắc tố thị giác trong các tế bào cảm thụ ánh sáng hình que, giúp võng mạc của mắt hoạt động được (nhìn thấy) trong điều kiện ánh sáng yếu. Thiếu vitamin A có thể gây ra quáng gà, tăng nhãn áp, bất thường đồng tử liên quan đến đồng tử nhỏ, viêm võng mạc sắc tố và một số rối loạn võng mạc hiếm gặp. Vitamin A cũng là một trong những thành phần cấu tạo nên lớp màng nước mắt và giúp lớp màng này bám chặt vào bề mặt giác mạc. Thiếu vitamin A cũng có thể dẫn đến khô giác mạc và loét giác mạc ở trẻ em. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thiếu vitamin A mãn tính là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở trẻ em có thể phòng ngừa được.
– Đối với hệ miễn dịch: Các nghiên cứu dịch tễ học, thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu thực nghiệm trên mô hình động vật đã khẳng định chắc chắn rằng thiếu vitamin A dẫn đến suy giảm miễn dịch, đặc trưng bởi sự gia tăng tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm. Bổ sung vitamin A cho trẻ mầm non đã làm giảm nguy cơ tử vong và mắc bệnh do một số dạng tiêu chảy, sởi,... Những tác động này đã chứng minh vai trò của vitamin A đối với khả năng miễn dịch. Một trong những hậu quả chính của thiếu vitamin A là tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng. Nhiễm trùng làm tăng nhu cầu của cơ thể đối với vitamin A và do đó, sự thiếu hụt trở nên trầm trọng hơn. Do đó, trẻ em có thể bị rơi vào một vòng luẩn quẩn của sự thiếu hụt và nhiễm trùng, đó là lý do tại sao thiếu hụt vitamin A là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ em.
– Vitamin A bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô, là “tuyến đầu” bảo vệcơ thể chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh. Thiếu vitamin A có liên quan đến những thay đổi bệnh lý ở các biểu mô ở mắt, hệ hô hấp, đường tiêu hóa và sinh dục. Trong một thử nghiệm lâm sàng tại Ấn Độ, một liều vitamin A dùng cho trẻ em nhập viện vì tiêu chảy giúp phục hồi niêm mạc đường ruột nhanh hơn trong vòng 30 ngày sau khi xuất viện.
– Đối với sự tăng trưởng, vitamin A đóng vai trò như một hormon trong quá trình phát triển của các mô trong hệ cơ xương, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển khoẻ mạnh
Nguồn cung cấp vitamin A
Có hai nguồn cung cấp vitamin A chính: nguồn động vật và nguồn thực vật. Dù từ nguồn cung cấp nào, vitamin A đều cần có chất béo trong chế độ ăn uống để cơ thể hấp thu.
Trong các nguồn động vật, vitamin A được tìm thấy dưới dạng retinol, là dạng ‘hoạt động’ của vitamin A. Gan, bao gồm cả gan cá, rất giàu vitamin A. Các nguồn động vật khác là lòng đỏ trứng, các sản phẩm từ sữa (trong đó quan trọng nhất là sữa mẹ), phô mai, bơ. Thịt động vật lại không phải là một nguồn cung cấp vitamin A tốt.
Các nguồn thực vật chứa vitamin A dưới dạng carotenoid phải được chuyển hóa trong quá trình tiêu hóa thành retinol trước khi cơ thể có thể sử dụng. Carotenoid là những sắc tố tạo màu xanh đậm, màu đỏ hoặc cam cho rau quả. Các nguồn thực vật cung cấp vitamin A bao gồm: gấc, xoài, đu đủ, nhiều loại bí, cà rốt, khoai lang và bắp (nhưng bắp màu trắng ít vitamin A),...
Vitamin A hấp thu từ thức ăn được lưu trữ ở gan, khi cơ thể có yêu cầu vitamin này sẽ liên kết với protein rồi mới vận chuyển đến nơi cần thiết.
Nguyên nhân thiếu vitamin A ở trẻ
– Do cung cấp không đủ nhu cầu: như trên đã nói, trẻ em (và cả người lớn) cần nguồn cung cấp vitamin A từ bên ngoài qua thực phẩm hoặc thuốc, nếu chế độ ăn, đặc biệt khi trẻ vừa bắt đầu ăn dặm, chỉ gồm những thực phẩm nghèo vitamin A sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt vitamin này. Đồng thời, bữa ăn quá ít dầu mỡ cũng sẽ làm giảm sự hấp thu của các loại vitamin tan trong dầu trong đó có vitamin A.
– Đối với trẻ bú sữa mẹ, nguồn vitamin A của bé hoàn toàn từ sữa mẹ, do vậy, người mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của minh để đảm bảo cung cấp đủ vitamin A cho con.
– Các bệnh nhiễm trùng như sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp làm tăng nhu cầu vitamin A của trẻ.
Lưu ý: protein cần thiết cho quá trình chuyển hóa và vận chuyển vitamin A nên chế độ ăn thiếu đạm cũng có thể gây ra tình trạng thiếu vitamin A cho cơ thể. Thiếu kẽm cũng dẫn đến thiếu hụt vitamin A.
Cung cấp và bổ sung vitamin A cho trẻ
Sữa mẹ rất giàu vitamin A, đặc biệt là sữa non, vì vậy nên ưu tiên cho trẻ bú sữa mẹ. Khi qua giai đoạn ăn dặm, biện pháp căn cơ nhất là cung cấp cho trẻ một chế độ ăn phong phú, không chỉ đủ năng lượng mà cần đủ chất, trong đó vitamin A. Chú ý, vì vitamin A tan trong dầu nên khẩu phần ăn của trẻ cần có đủ chất béo để đảm bảo sự hấp thu.
Phụ nữ khi có thai cần đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu vitamin A, tuy nhiên nên chọn cách bổ sung bằng các loại thực phẩm giàu vitamin này, không nên uống vitamin A liều cao vì có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai. Tương tự, sau sinh người mẹ cũng cần đủ vitamin A để cung cấp cho con thông qua sữa.
Bổ sung cho trẻ bằng thuốc vitamin A liều cao. Trẻ 6 – 36 tháng tuổi đều phải được bổ sung vitamin A liều cao mỗi 6 tháng (vào ngày 1 – 2 tháng 6 và 1 – 2 tháng 12) tại các điểm uống vitamin A trên toàn quốc. Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A như trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị sởi, hoặc bệnh nhiễm trùng tái đi tái lại, tiêu chảy kéo dài… cũng cần được uống vitamin A liều cao.
● Trẻ nhỏ từ 6 – 12 tháng tuổi: uống 100.000 đơn vị.
● Trẻ trên 12 – 36 tháng: uống 200.000 đơn vị.
● Trường hợp trẻ sắp được 6 tháng tuổi hay hơn 3 tuổi thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho uống.
Vitamin A liều cao hầu như không gây tác dụng phụ nguy hiểm, trừ một số triệu chứng ít gặp như nôn ói, đi ngoài phân lỏng hoặc thóp phồng ở những trẻ dưới 1 tuổi (những phản ứng này sẽ giảm sau 1 – 2 ngày).
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}