Doping bị cấm trong thể thao vì vi phạm đạo đức thi đấu và gây tổn hại đến thể chất, tinh thần của vận động viên. Ảnh: Stock
Doping là gì?
Khi một vận động viên thể thao sử dụng phương tiện, một chất nào đó để tăng lực và nâng cao thành tích thi đấu một cách bất hợp pháp, ta gọi là doping.
Nếu theo định nghĩa đầu tiên được đưa ra trước đây khá lâu: “Doping là sử dụng những chất có nguồn gốc hóa học được tổng hợp, không thuộc các hợp chất thiên nhiên”, thì digitalin, một loại thuốc trợ tim có hợp chất thiên nhiên chiết xuất từ một loài thực vật phải được phép sử dụng.
Nhưng thực tế dùng thuốc này là doping. Hoặc theo một định nghĩa khác: “Doping là sử dụng chất kích thích không có giá trị dinh dưỡng dùng cho mục đích nâng cao thành tích một cách giả tạo” thì thiếu chính xác bởi không chỉ những chất có tác dụng kích thích mà những chất có tác dụng trấn an, lợi tiểu cũng bị cấm.
Năm 1963, tại hội nghị đầu tiên của các nước châu Âu bàn về doping, người ta đã chấp nhận một định nghĩa được xem là tương đối trọn vẹn như sau: “Doping là sử dụng chất hoặc phương tiện nào đó nhằm mục đích nâng cao một cách giả tạo thành tích trong thi đấu mà việc này làm ảnh hưởng nền đạo đức thể thao và làm tổn hại sự toàn vẹn thể chất và tinh thần vận động viên”.
Những chất dùng trong doping
Bất chấp các hình thức kiểm tra nghiêm nhặt, một số vận động viên vẫn tìm cách doping để nâng cao thành tích thi đấu. Ảnh: Esanum
Hiện nay, danh sách các chất bị cấm dùng trong thi đấu thể thao rất dài, có khoảng hơn 100 chất, có thể chia thành các nhóm. Một số nhóm điển hình gồm:
- Nhóm các chất kích thích hệ thần kinh trung ương: Nhóm này có rất nhiều chất, từ những chất gây nghiện đến những chất là thành phần trong các dược phẩm trị cảm cúm thông thường. Có thể kể đến amphetamin (thuốc thuộc nhóm kích thích hệ thần kinh trung ương được dùng như ma túy, “thuốc lắc” hay ecstasy hoặc “hàng đá” là methamphetamin được dùng hiện nay chính là dẫn chất amphetamin), strychnin, cocaine, ephedrin, niketamid, phentermin, phenylpropanolamin, caffeine.
Các chất này nói chung có tác dụng kích thích, làm mất cảm giác mệt nhọc, tăng phản xạ tủy, tăng hoạt động của cơ. Tác hại của chúng là sau giai đoạn hưng phấn kích thích, thường tiếp theo là giai đoạn ức chế, gây mệt mỏi nhiều hơn, và đặc biệt người sử dụng không cảm thấy dấu hiệu kiệt sức nghiêm trọng, dễ bị ngộ độc và tử vong.
- Nhóm các chất dãn mạch, hạ huyết áp và trợ tim: Gồm các thuốc chẹn bêta (acebutolol, atenolol, metoprolol, propranolol, sotalol thường dùng trị bệnh tăng huyết áp), digitalin (trợ tim), trinitrin (dãn mạch vành). Sử dụng các thuốc này nhằm cải thiện tình trạng tim mạch khi thi đấu quá quyết liệt.
- Nhóm các thuốc nội tiết tố steroid tăng biến dưỡng: Đây là nhóm được sử dụng nhiều nhất, đặc biệt là dẫn chất của nội tiết sinh dục nam testosteron như nandrolon, norethandrolon. Chúng có tác dụng gia tăng sự đồng hóa chất đạm, làm tăng thể tích và sức mạnh cơ bắp. Phụ nữ doping chất này có thể hình trông như đàn ông. Ở Olympic Seoul 1988, Ben Johnson đã bị hủy bỏ thành tích chạy 100 mét với 9 giây 79 và bị phạt rất nặng do đã doping bằng thuốc thuộc nhóm này.
- Nhóm thuốc giảm đau gây nghiện: Đây là các thuốc có nguồn gốc ma túy như morphine, methadon, pethidine, codeine, dextropropoxyphene là các thuốc dùng trị bệnh nhưng thi đấu thể thao thì không có nghĩa là bị bệnh; vì vậy, nếu xét nghiệm nước tiểu vận động viên có các chất thuộc nhóm này thì không chỉ quy là doping mà còn đồng nghĩa với sử dụng ma túy, là hành vi phạm pháp.
- Nhóm các chất là thuốc lợi tiểu: Gồm furosemid, hydroclorothiazid, spironolacton, amilorid, triamteren, clortalidon. Các thuốc này cũng giúp cho vận động viên cải thiện tình trạng tim mạch do thải một lượng nước đáng kể ra khỏi cơ thể nhưng lại bất hợp pháp nếu dùng trong khi thi đấu.
- EPO: Trong giai đoạn chuẩn bị Olympic Sydney 2000, các nhà khoa học đã bắt đầu bàn đến hoạt chất erythropoietin (còn gọi tắt là EPOETIN hay EPO) dùng trong doping. Thực chất EPO là một nội tiết (hormone) do thận tiết ra có bản chất là một glycoprotein. Do là hormone có sẵn trong cơ thể nên khi doping rất khó phát hiện. Tác dụng của EPO là kích thích cơ thể sinh ra đủ hồng cầu đảm nhận tốt việc hô hấp.
Trong thi đấu thể thao, khi hoạt động cơ bắp cật lực để đạt thành tích, vận động viên rất cần oxy, và trong hô hấp càng thu nhận oxy càng nhiều càng tốt. Và vận động viên có thể dùng doping bằng cách dùng EPO để tăng số lượng hồng cầu trong máu, tức là có lượng oxy nhiều cho hoạt động cơ bắp một cách bất hợp pháp. EPO hiện nay đã nằm trong danh sách các chất nghiêm cấm sử dụng trong thi đấu thể thao.
Theo: TSK số 693
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}