Cũng có chuyên gia cho rằng không phải sự lão hóa gây ra rối loạn nuốt mà do những tổn thương thần kinh mạch máu hay chuyển hóa. Trong các bệnh lý rối loạn chức năng thực quản, thường gặp ở người lớn tuổi là rối loạn vận động và trào ngược dạ dày thực quản. Biểu hiện các rối loạn này ở người có tuổi cũng giống như người trẻ nhưng đôi khi mờ nhạt, khó nhận ra sớm.
Rối loạn vận động của thực quản
Người cao tuổi hay bị rối loạn vận động của thực quản nhưng thường ít có triệu chứng. Biểu hiện thường thấy là khó nuốt và nuốt đau, nhưng hai triệu chứng này cũng có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác. Cần phải thăm khám kỹ lưỡng và làm xét nghiệm để loại trừ trước khi kết luận là rối loạn vận động của thực quản. Ngoài nội soi thực quản để quan sát tổn thương một các trực tiếp, còn phải chụp thực quản có cản quang, đo áp lực thực quản, sinh thiết tế bào học,…
Rối loạn vận động của thực quản ảnh hưởng đến động tác nuốt và có thể sẽ gây trào ngược dạ dày thực quản. Nuốt là một động tác có tác dụng làm sạch acid khỏi thực quản (nếu có trào ngược từ dạ dày lên). Nuốt tạo một sóng co bóp hình vòng từ trên xuống theo ống thực quản, giống như một nhu động từ thực quản trên xuống dưới đẩy thức ăn, nước bọt và bất cứ chất nào trong thực quản vào dạ dày. Nếu có bất thường, sóng co bóp cơ thực quản sẽ đưa đến sự trào ngược. Ngoài nguyên nhân do sự lão hóa làm bất thường vận động thực quản thì sóng co bóp yếu còn do một số bệnh lý hoặc do thuốc. Hút thuốc lá cũng là nguyên nhân gây yếu sự co bóp của thực quản, 6 giờ sau khi hút điếu thuốc cuối cùng mới mất sự ảnh hưởng. Nếu có trào ngược có thể biểu hiện nóng ran ở ngực, đau ở thượng vị hoặc đau ở giữa ngực (dễ lầm với cơn đau thắt ngực của mạch vành).
Trào ngược dạ dày - thực quản
Thực quản là đoạn ống tiêu hóa nối từ miệng thực quản đến tâm vị dạ dày, dài khoảng 25 – 30cm. Phần lớn thực quản nằm trong lồng ngực, chỉ có đoạn cuối vài cm nằm dưới cơ hoành. Thực quản là một ống cơ gồm hai loại: cơ vân ở một phần ba trên và cơ trơn ở hai phần ba dưới. Niêm mạc thực quản khác với nơi khác của ống tiêu hóa, nó chỉ tiết ít chất nhày nhằm bảo vệ niêm mạc, một phần làm trơn thêm thức ăn khi đi qua thực quản. Vận động thực quản chủ yếu do dây thần kinh X chi phối, còn mạch máu nuôi dưỡng là nhánh nhỏ của động mạch chủ ngực.
Trào ngược dạ dày thực quản là một hiện tượng bệnh lý khá phổ biến ở người có tuổi. Trào ngược dạ dày - thực quản đúng như tên gọi của nó là có sự trào ngược các chất từ dạ dày lên thực quản (quan trọng là acid trong dạ dày nên người ta còn gọi là trào ngược acid). Các chất dịch trào ngược này sẽ gây viêm và tổn thương lớp niêm mạc của thực quản. Trào ngược dạ dày - thực quản là một tình trạng mãn tính, kéo dài và viêm thực quản do trào ngược cũng là mãn tính. Tại sao lại có sự trào ngược dịch từ dạ dày lên thực quản? Bình thường cơ thể có nhiều cách để chống lại sự trào ngược này. Theo tư thế đứng thì trọng lực sẽ ngăn cản dịch vị đi ngược lên trên thực quản, kế đến là nhờ động tác nuốt mà dịch chỉ đi xuôi từ thực quản xuống dạ dày, ngăn cản dịch đi ngược lên. Cuối cùng là dịch của tuyến nước bọt từ miệng xuống thực quản chứa nhiều bicarbonat (chất kiềm) sẽ trung hòa acid trong dịch dạ dày khi nó trào ngược lên.
Nguyên nhân thật sự rất phức tạp và có khi do nhiều nguyên nhân cùng lúc. Ở người cao tuổi thường do cơ thắt thực quản dưới. Thực quản nối họng và dạ dày, phần thấp nơi gắn vào dạ dày có một cơ vòng luôn co thắt sẽ ngăn cách giữa thực quản và dạ dày. Khi thức ăn và dịch nước bọt đến cơ vòng nó mở ra cho qua trong vài giây, sau đó đóng lại. Có nhiều bất thường cơ thắt thực quản dưới ở bệnh nhân bị trào ngược dạ dày - thực quản. Ðầu tiên là co thắt cơ yếu, sau đó là tình trạng giãn cơ vòng thoáng qua. Tiếp theo do sự rối loạn co bóp của thực quản.
Triệu chứng biểu hiện của trào ngược dạ dày - thực quản thường là nóng ran ở ngực, khi dịch vị trào ngược vào thực quản sẽ kích thích dây thần kinh chi phối thực quản gây ra cảm giác nóng ran ở ngực. Có thể gây đau ở thượng vị hoặc đau ở giữa ngực. Ở người có tuổi, một số trường hợp cảm giác đau ngực lầm với cơn đau thắt ngực của mạch vành. Nóng ran ở ngực thường xảy ra sau khi ăn (khi có sự trào ngược) và cũng hay gặp khi nằm. Triệu chứng này thường kéo dài và hay tái phát sau khi được điều trị. Ợ, trớ: khi có sự trào ngược dịch lên phần cao hơn của thực quản thậm chí lên miệng. Buồn nôn: thường ít gặp trong trào ngược. Tuy nhiên ở những trường hợp buồn nôn hoặc nôn mà không giải thích được nguyên nhân thì phải nghĩ đến vấn đề trào ngược dạ dày - thực quản.
Ðể chẩn đoán, ngoài triệu chứng đã nêu, khi đến khám bệnh nhân sẽ được làm một số xét nghiệm: nội soi, sinh thiết, chụp X quang, soi họng và thanh quản, thử nghiệm acid thực quản (đây là tiêu chuẩn vàng để xác định bệnh). Nếu không điều trị thì trào ngược dạ dày thực quản có thể đưa đến biến chứng như loét thực quản, chít hẹp thực quản, ung thư hóa thực quản, ho và hen suyễn, viêm họng và thanh quản, viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa,…
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}