Hiểu bệnh A-Z - Tiêu hóa

05/09/2023 GMT+0700

Ngộ độc do ăn quả Hồng trâu

TSKH. Trần Công Khánh

Theo các nguồn tin trên mạng, trong thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc nguy kịch, suy đa tạng, thậm chí tử vong, do ăn quả rừng có tên Hồng trâu. Xin nhắc lại một số trường hợp:

Đầu tháng 8.2014, tại xóm Lũng Rạc, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), các cháu nhỏ người Mông vào rừng chăn dê thấy có loại quả dại tròn, màu tím rất đẹp, vị thơm ngon thì hái ăn mà không biết là quả gì. Sau khi ăn từ 4 – 6 giờ, tất cả 10 cháu ăn đều có các biểu hiện ngộ độc như đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, người mệt mỏi. Đến trưa ngày hôm sau, có 3 cháu trong một gia đình bị ngộ độc nặng phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lạc. Đến 17 giờ cùng ngày thì 2 cháu tử vong. Tiếp đến, khoảng 3 giờ sáng ngày 3.8.2014 lại thêm 1 cháu nữa tử vong tại nhà. Sau đó, đã được xác định là quả “Hồng trâu”.

Gần đây nhất, trong hai ngày 31.7 và 1.8.2023, Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã tiếp nhận 11 cháu nhỏ từ 3 đến 12 tuổi bị ngộ độc do ăn quả lạ. Trong số đó, 1 cháu tử vong, sức khỏe của 3 cháu khác có diễn biến xấu, phải chuyển về bệnh viện Nhi Trung ương để chữa trị, đến tối cùng ngày có thêm 1 cháu tử vong. Quả mà các cháu ăn đã được xác định là quả của cây Hồng trâu.

Hồng trâu còn có tên cây Rom, Khua mật, Móc quạ (Đại Từ, Thái Nguyên), Chi pản slua (Mông). Mắc tai côn (Thái). Tên khoa học là Capparis versicolor Griff. (tên đồng nghĩa: Capparis koi Merr. et Chun., Capparis nhatrangensis Gagnep.), họ Màn màn (Capparaceae). Gọi tên Hồng trâu, vì cây có quả gần giống quả cây Hồng, to bằng mắt con Trâu.

Đặc điểm cây Hồng trâu

Cây bụi trườn, dài khoảng 2 – 3m, thường mọc ở khu vực núi đá hoặc rừng thứ sinh. Cành non có lông mịn, vươn dài ra xung quanh. Lá dày, nhẵn, mọc so le, màu xanh đậm, hình trái xoan hẹp, dài 6 – 10cm, rộng 2 – 3cm. Đầu lá hơi thắt lại thành mũi nhọn. Cuống lá dài khoảng 5mm, gốc cuống lá có 2 lá kèm biến thành gai dài khoảng 2mm, hơi cong xuống. Cụm hoa có 2 – 4 hoa ở đầu cành ngắn. Nụ hoa hình cầu, đường kính 8 – 10mm. Hoa có 4 lá đài, dài 8 – 10mm, rộng 6 – 8mm, xếp thành hai vòng, 2 lá đài ngoài xếp đối nhau, cong như hình mũ. Hai lá đài trong ít cong hơn, xếp xen kẽ với hai lá đài ngoài; mặt trong lá đài có lông dài, mặt ngoài ở phía dưới và mép lá đài có lông ngắn. Bốn cánh hoa màu hồng, xếp xen kẽ với các lá đài, dài khoảng 14mm, rộng 6 – 7mm. Nhiều nhị (khoảng 30), chỉ nhị mảnh, dài 3cm. Bầu hình trứng, dài khoảng 2mm, rộng khoảng 1,5mm, một ô, gồm 4 lá noãn, vòi nhụy rất ngắn, cuống nhụy dài đến 4cm đưa bầu thò ra ngoài bao hoa. Khi ở trong nụ, chỉ nhị và cuống nhụy xếp gấp dạng sóng. Quả hình cầu, đường kính 4 – 5cm. Cuống quả dài, có một mấu lồi ở giữa cuống quả (vết tích của đế hoa). Quả chín có màu tím đen, vỏ quả trong màu hồng, chứa 4 – 6 hạt, lớp cơm hạt màu trắng đục, có mùi vị gần giống kẹo chanh nên trẻ em thích ăn. Cây ra hoa vào đầu tháng 5, quả chín vào tháng 7 – 9.

Cây mọc hoang ở các vùng đồi núi nước ta, như Hà Giang (huyện Đồng Văn: các xã Tả Lủng, Tả Phìn, Lũng Táo, Ma Lé và thị trấn Đồng Văn), Cao Bằng, Thái Nguyên (Phú Lương, Đại Từ), Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa,... Ngoài ra, loài này còn phân bố ở Trung Quốc (Hải Nam, Quảng Đông), Myanmar và Lào (Sầm Nưa).

Bộ phận độc và chất độc

Quả Hồng trâu rất độc. Nhiều người (thường gặp ở trẻ em) ăn quả này đã bị ngộ độc và tử vong. Theo Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia (10.4.2023), thì hạt Hồng trâu có chất độc là alkaloid như stachydrin, cadabicin, capparispin, capparisin,… Cần chú ý: Chi Capparis ở Việt Nam có khoảng 30 loài, nhiều loài có quả độc.

Triệu chứng ngộ độc

Chỉ cần ăn 4 – 5 quả Hồng trâu đã bị ngộ độc. Ăn càng nhiều, ngộ độc càng nặng. Sau khi ăn 2 -–3 giờ, xuất hiện các triệu chứng đau đầu, nôn mửa, khát nước, tiêu chảy liên tục, phân có mùi khẳm. Chất độc chủ yếu tác động đến tim và gây phù phổi cấp. Nạn nhân cảm thấy mệt lả, suy hô hấp, khó thở, trụy tim mạch, có hiện tượng co giật, vật vã, mắt trợn ngược, không nói được rồi chết.

Chó ăn phải chất nôn của nạn nhân cũng bị chết. Khi mổ Chó thấy hiện tượng chảy máu ruột, gan sưng to. Lợn và Cừu ăn 2 – 3 quả cũng bị ngộ độc.

Giải độc và điều trị

Nếu ăn phải quả Hồng trâu, dù chưa có hiện tượng ngộ độc cũng phải loại trừ ngay những phần còn lại ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt, bằng cách gây nôn, rửa dạ dày và ruột. Cho nạn nhân uống nước lòng trắng trứng, nước đường, truyền huyết thanh và điều trị triệu chứng. Nếu khó thở phải cho thở oxy. Theo kinh nghiệm dân gian, có thể cho nạn nhân uống nước đun hạt Đậu xanh, Đậu đen và nước sắc Cam thảo.

Khẩn cấp!

Tình trạng bị ngộ độc do ăn quả Hồng trâu không phải là mới gặp, nhưng gần đây đã xảy ra (đặc biệt với trẻ em) ở nhiều tỉnh miền núi. Trước tình hình đó, Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng (Y tế, An toàn thực phẩm,…) và các Viện nghiên cứu liên quan cần tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người dân. Đặc biệt, khuyến cáo người dân và những người đi du lịch lên miền núi, tuyệt đối không được ăn (kể cả ăn thử) rau quả lạ trong rừng, nấm lạ mọc tự nhiên,… để tránh bị ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng.

Những người đã ăn phải rau quả dại, nấm dại, thấy có triệu chứng lạ, nghi bị ngộ độc, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời. Không được tự ý chữa bệnh tại nhà.

[Banner Mid] Hồng Phát


Ý kiến của bạn

{% item.name %}

{% item.comment %}

Đọc thêm

sile

Probiotic không chỉ tốt cho đường ruột mà cả não bộ

05/09/2023 06:16:00 GMT+0700

Nhiều người tìm đến men vi sinh (probiotic) để điều trị các vấn đề về tiêu hóa, nhưng một nghiên cứu sơ bộ cho thấy, những gì tốt cho đường ruột cũng có thể tốt cho não bộ…Nguồn: Thu Hương (theo Drugs)

sile

Ngộ độc do ăn quả Hồng trâu

05/09/2023 01:05:00 GMT+0700

Theo các nguồn tin trên mạng, trong thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc nguy kịch, suy đa tạng, thậm chí tử vong, do ăn quả rừng có tên Hồng trâu. Xin nhắc lại một số trường hợp:

sile

Hẹp môn vị

26/08/2023 14:16:00 GMT+0700

Hẹp môn vị là hội chứng với biểu hiện chung là tình trạng lưu thông thức ăn, dịch dạ dày xuống tá tràng bị cản trở hoặc đình trệ hoàn toàn; hậu quả dẫn đến dạ dày bị dãn to, dịch và thức ăn ứ đọng ở dạ dày sau 6 giờ vẫn chưa lưu thông hết. Nguyên nhân thường gặp nhất là do ung th­ư hang - môn vị dạ dày. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng dẫn đến rối loạn chuyển hóa nước, điện giải, toàn thân suy kiệt và đe dọa tử vong.

sile

Ngộ độc thực phẩm do botulinum

20/08/2023 15:32:00 GMT+0700

Bệnh ngộ độc botulinum chính là ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum. Ðộc tố này do một loại vi khuẩn tiết ra khi chúng có mặt trong thực phẩm. Botulinum thuộc loại ngoại độc tố, vì được sinh ra khi vi khuẩn Clostridium botulinum còn sống. Ngoại độc tố của bất kỳ một loại vi khuẩn nào cũng mạnh gấp rất nhiều lần so với nội độc tố.

sile

Người cao tuổi & bệnh thực quản thường gặp

20/08/2023 15:29:00 GMT+0700

Thực quản thuộc hệ tiêu hóa, đó là đoạn nối họng miệng ở trên với dạ dày ở dưới. Thức ăn sau khi được nhai ở miệng sẽ được đưa vào thực quản để xuống dạ dày, đây được xem như động tác nuốt. Ðộng tác nuốt bình thường bao gồm: giãn cơ sụn nhẫn hầu, nhu động thực quản, giãn cơ tròn thực quản dưới. Khi có tuổi, sự lão hóa gây ra rối loạn động tác nuốt, đó là vấn đề thường gặp ở người già khi đang ăn đột nhiên bị nghẹn phải uống nước.

sile

U lympho ruột non tiên phát

20/08/2023 03:46:00 GMT+0700

U lympho ruột non tiên phát ác tính là các tổn thương khu trú chủ yếu ở ruột non, và ngay từ đầu không có tổn thương hạch ngoại biên; các triệu chứng lâm sàng khởi phát liên quan đến tổn thương ở ống tiêu hóa.

sile

{% item.title %}

{% item.time_ago %}

{% item.short_description %}