Nguồn gốc bản địa chi Tía tô (Perilla) trải rộng từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Loài cây Tía tô (Perilla frutescens) được xác định có nguồn gốc ở vùng Himalaya đến vùng Đông Nam Á. Cây Tía tô được trồng phổ biến ở các nước châu Á.
Ở Trung Quốc, cây Tía tô được trồng ít nhất từ 500 năm trước Công nguyên.
Ở Nhật Bản được trồng vào khoảng từ thế kỷ 7 – 9 sau Công nguyên. Tía tô có khoảng 8 loài thuộc họ Hoa môi, trong đó ở nước ta phân loài cây Tía tô lá tím Perilla frutescens var crispa (Thunb.) H. Deane được trồng phổ biến hơn cả. Loài Tía tô (Perilla frutescens var crispa) là loài bản địa mọc trải rộng từ Ấn Độ sang Đông Á. Cây Tía tô cao 0,5 – 1 mét, lá mọc đối, mép khía răng, mặt trên xanh lục, mặt dưới màu tím tía, có khi hai mặt đều tía, có lông. Hoa nhỏ màu trắng hay tím nhạt mọc thành chùm ở nách lá hay đầu cành. Quả hình cầu, màu xanh nhạt. Toàn cây có tinh dầu thơm và có lông. Cây trồng bằng hạt, ra hoa vào tháng 7 – 9, có quả tháng 10 – 12.
Ở nước ta, cây Tía tô có khắp cả nước. Trên thế giới có ở Ấn Độ, Bhutan, Myanmar, Trung Quốc, Triều tiên, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia. Ở Nhật có 2 loại: Tía tô đỏ (akajisho) là giống Tía tô cả hai mặt lá đều có màu đỏ tím, mép lá hình răng cưa và Tía tô xanh (deulkkae) là hai mặt lá màu xanh. Tía tô xanh còn có ở Hàn Quốc và Ấn Độ.
Bộ phận dùng: Lá (Tô diệp), Quả (Tô tử), Thân (Tô ngạnh). Thu hoạch quanh năm, thu hái lá, cành về phải phơi trong mát hay sấy nhẹ cho khô để giữ lấy hương vị.
Theo y học cổ truyền: Tía tô vị cay, mùi thơm, tính ấm, vào 2 kinh Phế, Tỳ; có tác dụng giải biểu, tán hàn, hành khí, an thai, giải độc cá cua; chủ trị chứng ngoại cảm phong hàn, tỳ vị khí trệ, thai động bất an, nhiễm độc cá cua, làm ra mồ hôi, lợi tiêu hóa, trừ cảm lạnh.
Lá có tác dụng giải biểu, tán hàn, hành khí, hóa vị.
Thân cành có tác dụng lý khí, chỉ thống, an thai, dùng chữa ho, trừ đờm, hen suyễn, tê thấp.
Quả có tác dụng giáng khí, tiêu đàm, bình suyễn, nhuận tràng.
Liều dùng: lá và quả ngày uống 3 – 12g; cành ngày uống 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc. Trường hợp bệnh nhân tự ra mồ hôi không nên dùng Tía tô.
Theo y học hiện đại: Tía tô có các tác dụng:
– Nước sắc và chiết xuất cồn từ lá đều có tác dụng giãn mạch ngoài da, kích thích tiết mồ hôi. Nước sắc lá làm giảm chất xuất tiết, làm giảm co thắt cơ trơn của phế quản, có tác dụng cầm máu. Dịch chiết thu được từ những phương pháp ngấm kiệt lá có tác dụng ức chế các loại vi trùng như tụ khuẩn, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn đại tràng.
– Quả Tía tô chứa lượng cao acid omega (acid alpha linolenic) có tác dụng giảm lượng cholesterol trong huyết thanh, giúp ngăn ngừa và điều trị chứng trầm cảm, giảm nguy cơ cơn tim mạch gây tử vong, ngừa ung thư vú, đau bụng trong thời gian có kinh nguyệt. Những chất chiết xuất từ hạt còn có tác dụng chống viêm sưng.
– Dung dịch chiết xuất từ lá và quả Tía tô, cả 2 đều chứa nhiều flavon, có hoạt động chống oxy hóa và giúp ngừa những gốc tự do gây ra những thiệt hại cho tế bào và nhiễm sắc thể ADN.
– Tại Trung Quốc, trong một nghiên cứu gần đây, đã dùng dịch chiết xuất từ lá Tía tô để điều trị các bệnh nhiễm trùng cấp tính cho thấy nó có hoạt tính kháng virus tiềm năng chống lại SARS-CoV-2, virus gây ra COVID-19.
– Trong lá Tía tô chứa một glycoprotein có thể ức chế hoạt động của hyaluronidase và quá trình thoái hóa tế bào mast. Chiết xuất ethanol và dùng Trà lá Tía tô có khả năng làm giảm viêm đường hô hấp, giảm phản ứng dị ứng.
– Trong dầu hạt Tía tô giàu acid béo omega-3 nên kết quả thử nghiệm cho thấy nó làm tăng cường chức năng nhận thức đối với bệnh nhân cao tuổi bị suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác. Đồng thời mỗi ngày làm tăng lượng acid béo omega-3 trong máu có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và các bệnh mãn tính khác.
Công dụng
Ở nước ta, người dân thường dùng lá sắc uống làm ra mồ hôi, trừ cảm lạnh, ngạt mũi, đau đầu, nôn mửa, giải độc cua cá. Quả dùng chữa ho, hen làm long đờm. Trong Y học Trung Quốc, Tía tô là một trong 50 loại thảo dược cơ bản, được dùng như một vị thuốc để tạo hưng phấn, chữa cảm cúm, nhức mỏi, ho suyễn, đầy hơi và các vấn đề về dạ dày và phổi.
Cây Tía tô rất thông dụng ở châu Á dùng làm rau thơm, gia vị và hương liệu.
Ở nước ta, Tía tô dùng để ăn sống cũng như nấu chín, làm gia vị; để nguyên lá hay cắt nhỏ dùng nướng thịt thay cho lá lốt.
Ở Trung Quốc, cây Tía tô là loại rau gia vị phổ biến; quả chứa tinh dầu giúp bảo quản và khử trùng thức ăn.
Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Tía tô dùng làm gia vị trong nhiều món ăn. Quả được ép dầu dùng trong các món ăn cao cấp.
Ở Lào, Tía tô dùng để ăn với món bún như ở nước ta. Trong ngành Công nghiệp mỹ phẩm các sản phẩm chiết xuất từ cây Tía tô được dùng làm trắng da, trị mụn, trị nám, tàn nhang hoặc làm đẹp cho phụ nữ như mặt nạ dưỡng da, sữa tắm, kem dưỡng da… đã được bán ra thị trường.
Năm 2018, Công ty Akina Đông Á đã hợp tác với chuyên gia Takachi Nhật Bản đưa cây Tía tô Nhật giống Perilla frutescens var. Crispa về canh tác tại Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Cây Tía tô đã được nghiên cứu xuất bán lá cho Nhật Bản.
Một số bài thuốc
– Cảm mạo phong hàn sốt gai rét, đau đầu tức ngực dùng bài “Hương tô tán”: lá Tía tô 8g, Hương phụ 8g, Trần bì 6g, Cam thảo 4g, Gừng tươi 2 lát; sắc nước uống.
– Tiêu đờm giảm ho dùng bài “Tam tử dương thân thang”: quả Tía tô 6 – 12g, La bặc tử 8 – 12g, Bạch giới tử 6 – 8g; sắc nước uống trong ngày.
– Phụ nữ mang thai, động thai, đau bụng, đau ngực buồn nôn dùng bài “Tử tô ẩm”: Tô ngạnh 8g, Đương quy 12g, Bạch thược 12g, Xuyên khung 8g, Đảng sâm 12g, Trần bì 8g, Đại phúc bì 8g, Cam thảo 4g, Sinh khương 8g; sắc nước uống.
– Giải độc cua cá dùng bài thuốc “Tử tô giải độc thang”: lá Tía tô 10g, Gừng tươi 8g, nước 600ml, sắc còn 200ml; lấy nước uống nóng, chia làm 3 lần uống trong ngày; hoặc giã lá Tía tô vắt nước uống, sắc lá khô 10g uống lúc nóng.
– Chữa sưng vú: Tía tô 10g, sắc lấy nước uống, bã đắp vào vú.
Ngoài cây Tía tô kể trên ở nước ta còn dùng cây Tía tô dại (Hoắc hương dại, É lớn), tên khoa học Hyptis suaveplens Poit. thuộc họ Hoa môi Lamiaceae để làm thuốc. Cây cỏ cao đến 1,5m, thân vuông, có lông, màu lục hoặc màu tía. Lá mọc đốí, mép khía răng. Hoa màu xanh hơi tím. Toàn cây có tinh dầu thơm hắc. Cây mọc hoang ở miền núi, ven rừng bờ bãi nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung và miền Nam nước ta. Thân lá Tía tô dại được dùng làm thuốc chữa cảm sốt, đau đầu, đau dạ dày, đạu bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Dùng ngoài để cầm máu vết thương, viêm da, nước ăn chân, mụn nhọt.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}