Trước cuộc sống hiện đại và bận rộn con người hình thành nhiều thói quen xấu phổ biến là ăn uống không hợp lý, tiêu thụ nhiều thực phẩm có tính nhiệt (thịt đỏ, gia vị cay nóng, rượu bia) hay các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, trong khi ít sử dụng rau, củ, quả; uống không đủ nước mỗi ngày khiến cơ thể dễ bị nóng. Ngoài ra, thói quen ít vận động, lo âu, căng thẳng cũng góp phần làm cơ thể sản sinh thêm nhiệt gây mất cân bằng trong việc điều hòa năng lượng.
Cơ thể tích nhiệt "biểu tình" bằng những dấu hiệu như nóng trong người, khát nước, cảm giác bứt rứt; da mặt đỏ, nóng hoặc xuất hiện mụn nhọt; miệng và họng khô, có cảm giác rát; táo bón, nước tiểu vàng đậm; chóng mặt, khó ngủ, cảm giác bồn chồn; mồ hôi nhiều, cơ thể sẽ bị nóng, đôi khi có cảm giác sốt nhẹ, đó là dấu hiệu cơ thể cần được thanh lọc.
Tìm hiểu về các vị thuốc thanh lọc cơ thể phổ biến hiện nay
Y học cổ truyền có nhiều phương pháp hiệu quả như sử dụng các bài thuốc thanh nhiệt giải độc, các vị thuốc đơn giản nhưng hiệu quả có ngay trong bếp nhà.
Bồ công anh
Bồ công anh (diếp dại) là vị thuốc quý trong nhiều bài thuốc cổ phương
Còn gọi là diếp dại, mũi mác hay rau mũi cày. Thuốc có vị đắng, ngọt, tính hàn, qui kinh can, vị với tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm tán kết. Bồ công anh được dùng để chữa nhiều bệnh như đau mắt đỏ, sưng viêm vú, mụn nhọt, sang lở, viêm ruột, nhiễm trùng tiểu, đau họng. Theo y học hiện đại, thuốc chứa flavonoid (rutin, quercetin), chất đắng nhóm sesquiterpen lacton (lactucin) với tác dụng lợi mật, nhuận tràng, tăng đào thải độc tố qua gan thận, kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa.
Ngư tinh thảo
Theo Đông y, diếp cá có tác dụng thẩm thấp, thanh nhiệt, chỉ khái, hóa đờm, lợi thấp và tiêu thũng.
Dân gian thường gọi là Diếp cá, không chỉ là rau sống thông dụng mà còn là một loại kháng sinh thực vật có nhiều công dụng kháng khuẩn. Theo y học cổ truyền, thuốc có tính cay, hơi hàn, qui kinh Phế, tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu ung bài nùng, lợi niệu thông lâm.
Thuốc thường được dùng để trị chứng phế ung thổ nùng (ho ra máu mủ), phế nhiệt khái thấu, mụn nhọt lở loét, chứng thấp nhiệt lâm chứng. Theo y học hiện đại, toàn thân cây chứa tinh dầu. Thuốc ức chế tùy mức độ đối với trực khuẩn thương hàn, tụ cầu vàng, song cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn lao, tăng cường khả năng đại thực bào, tăng cường khả năng miễn dịch, giãn động mạch thận, tăng lưu lượng tuần hoàn động mạch thận, giảm đau, cầm máu, giảm ho.
Đậu xanh
Đậu xanh giàu vitamin và khoáng chất, một trong những nguồn protein thực vật tốt nhất cho cơ thể
Đậu xanh vừa là vị thuốc, vừa là món ăn vô cùng thông dụng. Thuốc có tính ngọt, lạnh, qui kinh Tâm, Vị với tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thử lợi niệu. Đậu xanh thường dùng để điều trị mụn nhọt sưng đau, trừ phiền chỉ khát, trị ngộ độc thuốc và thức ăn như ngộ độc phụ tử, ba đậu bằng cách dùng nước ngâm bột đậu xanh uống, hoặc nước sắc đậu xanh với cam thảo uống.
Ngoài việc áp dụng các vị thuốc trên, người bệnh cũng cần hình thành nếp sống sinh hoạt khoa học, lắng nghe cơ thể, bổ sung đủ nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây ít ngọt là những cách "chữa lành" cơ thể đơn giản và hiệu quả nhất.
Theo TSK số 694
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}