Vận động thường xuyên sẽ giúp con người phòng ngừa bệnh tim mạch.
1. DỰ BÁO GÁNH NẶNG BỆNH TIM MẠCH
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của 18 triệu người trên toàn cầu. Cứ 5 ca tử vong vì bệnh tim mạch có 4 ca do nhồi máu cơ tim và đột quỵ, và 1/3 cái chết này xảy ra sớm ở người dưới 70 tuổi. Chỉ tại Mỹ, theo AHA, đến năm 2050 tỷ lệ mắc bệnh tim mạch tăng từ 11,3% lên 15%, ảnh hưởng đến 45 triệu người trưởng thành. Số ca đột quỵ dự báo tăng gấp đôi, từ 10 triệu lên gần 20 triệu. Béo phì, một trong những yếu tố nguy cơ chính, dự báo tăng từ 43% lên hơn 60% dân số.
Điều trị bệnh tim mạch rất tốn kém. Năm 2020, tại Mỹ cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người phải điều trị các yếu tố nguy cơ hoặc bệnh lý tim mạch. Chi phí y tế liên quan được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050, từ 400 tỷ USD lên 1.344 nghìn tỷ USD.
2. DỰ ĐOÁN VÀ PHÒNG NGỪA BỆNH TIM MẠCH TRONG TƯƠNG LAI
Nhiều nghiên cứu tập trung vào cách dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch để phòng ngừa hiệu quả hơn. Một nghiên cứu mới đã phát triển thang điểm PRESS (Platelet Reactivity ExpreSsion Score) là công cụ sử dụng các mã di truyền để xác định những người có tiểu cầu hoạt động quá mức, gây huyết khối trong động mạch dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ. PRESS giúp xác định nhóm người cần điều trị dự phòng bằng liệu pháp kháng kết tập tiểu cầu để giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch trong tương lai.
Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng cholesterol cao, huyết áp cao và lối sống ít vận động từ nhỏ có thể gây tổn thương tim từ sớm, dẫn đến bệnh tim mạch nghiêm trọng khi trưởng thành. Nghiên cứu tại Anh phát hiện rằng việc giảm thời gian ngồi một chỗ và tăng cường các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, ít nhất 3 giờ/ngày, có thể giảm đáng kể các nguy cơ này.
3. CÔNG CỤ MỚI GIÚP TÍNH TOÁN NGUY CƠ BỆNH TIM MẠCH
PREVENT (Predicting Risk of cardiovascular disease EVENTs) là công cụ mới được phát triển bởi các chuyên gia thuộc AHA nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc suy tim. PREVENT tính toán nguy cơ bệnh tim mạch trong 10 và 30 năm dựa trên các yếu tố như cholesterol, huyết áp, đường huyết, cân nặng và tuổi. Công cụ này được kiểm chứng bằng dữ liệu của hơn 6 triệu người Mỹ với độ chính xác cao trong dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Một nghiên cứu đăng trên JAMA so sánh PREVENT với PCE (Pooled Cohort Equation), công cụ trước đây để tính nguy cơ tim mạch 10 năm, cho thấy PREVENT dự báo nguy cơ thấp hơn so với PCE. Điều này gợi ý rằng các ước tính trước đây có thể đã quá cao, dẫn đến việc một số người bị điều trị quá mức bằng thuốc giảm lipid và huyết áp.
4. NHIỀU BẰNG CHỨNG VỀ LỢI ÍCH CỦA THUỐC ĐIỀU TRỊ BÉO PHÌ TIẾN BỘ TRONG ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA SUY TIM
Theo WHO, trong năm 2022 cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người bị béo phì. So với năm 1990, tỷ lệ béo phì ở người lớn tăng gấp đôi, ở thanh thiếu niên tăng gấp bốn lần. Béo phì tăng nhanh trong thập kỷ qua được xem là nguyên nhân chính góp phần gây ra bệnh tim mạch và các bệnh mạn tính khác.
Các nghiên cứu mới đã chứng minh một số thuốc chống béo phì, ban đầu phát triển để điều trị bệnh đái tháo đường, cũng mang lại lợi ích đáng kể cho cả người có và không có bệnh đái tháo đường. Trong số này, hai loại thuốc được nhắc đến nhiều nhất là: 1) Semaglutide, thuộc nhóm thuốc chủ vận GLP-1, chứng minh rằng với liều tiêm 2,4 mg hàng tuần giúp giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim không gây tử vong (nonfatal heart attacks) và đột quỵ không gây tử vong (nonfatal strokes) trong hơn 3 năm theo dõi. 2) Tirzepatide, cũng thuộc nhóm thuốc chủ vận GLP-1, giúp giảm nguy cơ tử vong liên quan đến bệnh tim mạch và suy tim tiến triển ở bệnh nhân béo phì có suy tim khi dùng liều 15 mg hàng tuần trong 52 tuần.
5. TIẾN BỘ TRONG ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA SUY TIM
Suy tim xảy ra khi tim không bơm đủ máu để cung cấp ôxy cho cơ thể, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nghiên cứu mới đã thử nghiệm thuốc finerenone, một chất đối kháng thụ thể aldosterone không steroid, trên 6.001 bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu từ 40% trở lên. Kết quả cho thấy sau 32 tháng theo dõi, nhóm sử dụng finerenone giảm đáng kể tỷ lệ biến cố suy tim xấu đi và tử vong do nguyên nhân tim mạch so với nhóm dùng giả dược. Phát hiện quan trọng này có thể làm thay đổi cách điều trị suy tim trong thực tế.
Ngoài finerenone, năm qua thử nghiệm RESHAPE HF-2 công bố trên tạp chí The New England Journal of Medicine đã đánh giá hiệu quả của kỹ thuật sửa van hai lá qua đường ống thông (MitraClip) trên hơn 500 bệnh nhân suy tim có hở van hai lá thứ phát đã điều trị nội khoa tối ưu. Nghiên cứu đã xác nhận phương pháp này giúp cải thiện triệu chứng, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong sau một năm và giảm tỷ lệ tái nhập viện do suy tim trong hai năm tiếp theo.
6. CHIẾN LƯỢC MỚI TRONG QUẢN LÝ BỆNH CƠ TIM PHÌ ĐẠI
Bệnh cơ tim phì đại (BCTPĐ) xảy ra khi thành cơ thất trái dày hơn bình thường, làm giảm khả năng chứa và bơm máu. Khoảng 2/3 bệnh nhân BCTPĐ mắc dạng tắc nghẽn, khi phần cơ tim dày làm giảm hoặc chặn lưu lượng máu từ thất trái ra động mạch chủ. Hiện tại bệnh nhân mắc BCTPĐ tắc nghẽn được điều trị bằng thuốc. Nếu không đáp ứng với thuốc, bệnh nhân sẽ cần các phương pháp can thiệp như phẫu thuật cắt vách liên thất hoặc đốt cồn vách liên thất.
Năm qua thử nghiệm giai đoạn III của thuốc Aficamten ở bệnh nhân BCTPĐ tắc nghẽn có triệu chứng cho thấy sau 24 tuần nhóm dùng Aficamten cải thiện đáng kể khả năng hấp thụ ôxy tối đa so với nhóm dùng giả dược, giúp tăng khả năng hoạt động thể chất và cải thiện chất lượng cuộc sống.
7. VI NHỰA GÂY NGUY CƠ BỆNH TIM MẠCH
Một nghiên cứu thực hiện bởi giáo sư Raffaele Marfella - giám đốc khoa Khoa học y tế và Phẫu thuật tại đại học Campania Luigi Vanvitelli (Ý) công bố trên tạp chí The New England Journal of Medicine tháng 3.2024 đã phân tích các mẫu mảng xơ vữa được lấy từ bệnh nhân trải qua phẫu thuật loại bỏ mảng bám trong động mạch cảnh. Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận 58% mẫu mảng bám chứa polyethylene – loại nhựa được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, hiện diện trong túi đựng hàng và nhiều sản phẩm khác.Ngoài ra, 12% mẫu khác chứa PVC (polyvinylchloride) một loại nhựa bền được sử dụng trong thiết bị y tế và ống dẫn.
Sau trung bình 34 tháng theo dõi, người ta nhận thấy những bệnh nhân có mảng bám chứa vi nhựa có nguy cơ cao hơn mắc nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong so với những người không có vi nhựa trong mảng bám. Dù bằng chứng trực tiếp về nguy cơ bệnh tim mạch của vi nhựa vẫn còn hạn chế, nhưng phát hiện trên cũng khiến con người phải dè dặt hơn với thành phần này.
Theo TSK số 690+691
Ngày đăng: 20/1/2025
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}