Nguyên nhân gây hẹp môn vị
- Ung thư hang - môn vị dạ dày: đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Trong bệnh lý ung thư dạ dày, tỷ lệ ung thư vùng hang - môn vị chiếm cao nhất, vào khoảng 20 – 60%. Khối u sùi vùng hang - môn vị cùng với tình trạng thâm nhiễm ở thành dạ dày xung quanh làm hẹp lòng hang - môn vị. Tình trạng hẹp môn vị tăng dần theo tiến triển của khối u.
- Loét tá tràng: đây là nguyên nhân thứ hai gây hẹp môn vị. Tuy nhiên, ngày nay, dựa vào sự hiểu biết về cơ chế bệnh sinh của loét dạ dày tá tràng cũng như sự phát triển của các thuốc điều trị nên biến chứng hẹp môn vị do loét tá tràng giảm đi đáng kể.
Ngoài hai nguyên nhân trên, còn có thể do một số nguyên nhân khác như: các u lành tính vùng hang môn vị, teo cơ hang vị, hẹp phì đại môn vị; U tụy xâm lấn môn vị, tá tràng; viêm dính quanh tá tràng...
Biểu hiện của bệnh
Biểu hiện lâm sàng đa dạng, mức độ và tính chất các triệu chứng phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh.
– Giai đoạn đầu: bệnh nhân xuất hiện đau bụng với tính chất thường đau sau bữa ăn, đau vùng thượng vị, đau giảm đi sau khi nôn. Nôn xuất hiện sớm sau khi ăn, có khi nôn ra thức ăn của bữa ăn trước cùng dịch dạ dày màu xanh đen. Ngoài ra, bệnh nhân có cảm giác đầy bụng, ậm ạch, khó tiêu.
Nếu chụp dạ dày có uống baryt: dịch đọng lẫn baryt trong dạ dày nhiều. Dạ dày co bóp nhiều và mạnh. Nếu nội soi thường thấy dạ dày ứ đọng nhẹ, môn vị phù nề, lỗ môn vị co thắt, đặt ống soi hơi khó nhưng vẫn qua được.
– Giai đoạn tiến triển: lúc này đau thường xuất hiện sau ăn 2 – 3 giờ, đau từng cơn liên tiếp nhau, bệnh nhân không dám ăn, mặc dù rất đói. Bệnh nhân nôn càng ngày càng nhiều, nôn ra dịch ứ đọng trong dạ dày, màu xanh đen, có thức ăn của bữa mới lẫn với thức ăn của bữa trước chưa tiêu. Sau nôn bệnh nhân hết đau.
Nếu chụp X quang uống baryt lúc này cho thấy dạ dày dãn to, đáy sa thấp dưới mào chậu. Sau 6 – 12 giờ, nếu chiếu hoặc chụp lại sẽ thấy thuốc cản quang đọng lại khá nhiều ở dạ dày, hình dạ dày dãn to, thuốc cản quang không qua môn vị. Nội soi sau khi rửa sạch dạ dày thấy: dạ dày ứ đọng nhiều dịch nâu có cặn thức ăn; dạ dày dãn, vùng hang, môn vị phù nề, lỗ môn vị thắt nhỏ. Khó có thể đưa ống soi đi tiếp.
– Giai đoạn cuối: bệnh nhân thường xuyên có cảm giác đầy bụng, trướng bụng, ậm ạch, ăn uống khó tiêu. Đau liên tục nhưng nhẹ hơn giai đoạn trước. Nôn ít hơn, nhưng mỗi lần nôn ra rất nhiều dịch ứ đọng và thức ăn bữa trước, chất nôn có mùi thối; Tình trạng toàn thân suy sụp rõ rệt.
Chụp X quang cho thấy dạ dày không còn sóng nhu động, hoặc nếu có thì rất yếu. Sau 12 – 24 giờ hay hơn nữa baryt vẫn còn đọng ở dạ dày khá nhiều, có khi vẫn còn nguyên. Nội soi dạ dày - tá tràng ở giai đoạn này thấy dạ dày dãn to, ứ đọng nhiều dịch, niêm mạc viêm đỏ, môn vị chít hẹp hoàn toàn, không thể đưa ống soi qua được.
Điều trị
Trước hết phải phân biệt là hẹp cơ năng hay thực thể. Hẹp môn vị cơ năng chỉ cần điều trị nội khoa bằng kháng sinh, truyền dịch, các thuốc chống co thắt. Hẹp môn vị thực thể phải điều trị ngoại khoa, trước khi phẫu thuật phải bồi phụ nước, điện giải và cung cấp năng lượng cho bệnh nhân.
Mục đích chính là phẫu thuật giải quyết tình trạng hẹp và có thể đồng thời chữa triệt căn. Tốt nhất là phẫu thuật cắt đoạn dạ dày nếu bệnh nhân đến viện sớm, tình trạng toàn thân cho phép, chuẩn bị tốt. Nếu bệnh nhân đến muộn, yếu, tình trạng toàn thân không cho phép, nên phẫu thuật nối vị tràng.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}