Kiểm nghiệm cho thấy kẹo Kera không nhiều chất xơ như quảng cáo. Ảnh NLO
Một viên kẹo tương đương một đĩa rau”, đó là lời quảng cáo hấp dẫn khiến nhiều người bỏ tiền mua kẹo Kera dù giá không hề rẻ, gần 150.000 đồng/hộp 30 viên. Nhưng một khách hàng đã mang sản phẩm đi kiểm định, kết quả là hàm lượng chất xơ không hề như quảng cáo. Cụ thể, dù có ăn hết hộp kẹo thì lượng chất xơ nhận được cũng chỉ bằng 1/6 quả chuối, không có chuyện… một viên kẹo bằng một đĩa rau.
Rõ ràng đây là hành vi lừa gạt người tiêu dùng, bản thân Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs, hai người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, cũng thừa nhận mình “quảng cáo thái quá” và chấp nhận mức phạt.
Đây không phải lần đầu tiên nước ta xảy ra scandal về quảng cáo liên quan đến người nổi tiếng. Thời gian qua không ít MC, nghệ sĩ hoặc người có tầm ảnh hưởng (KOL) đã tận dụng sự nổi tiếng của mình để quảng cáo sản phẩm, từ sản phẩm bình thường cho đến những sản phẩm sức khỏe, thực phẩm chức năng hay thuốc trị bệnh. Vì đặt niềm tin vào tên tuổi của họ mà không ít người dân bỏ tiền mua những sản phẩm kiểu như “giảm cân ngoạn mục” hay “chữa dứt điểm đau xương khớp” dù thực tế chúng không hiệu quả như thế.
Câu hỏi đặt ra: Vì sao những lùm xùm quảng cáo liên quan đến người nổi tiếng vẫn diễn ra dù cơ quan chức năng ngày càng nghiêm khắc và quyết liệt xử phạt?
Vấn đề ở đây có lẽ là mức phạt hiện tại chưa đủ sức răn đe vì một phiên livestream bán hàng của người nổi tiếng có thể đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng, lợi nhuận thu về rất nhiều, nên mức phạt hơn trăm triệu đồng không hề làm họ sợ. Nhưng mua nhầm một sản phẩm gia dụng “dỏm” cùng lắm chỉ mất tiền, còn mua nhầm một sản phẩm “dỏm” liên quan đến sức khỏe lại là chuyện khác, bởi khi đó người dùng có thể lâm cảnh “tiền mất, tật mang”, thậm chí còn có thể đánh đổi cả tính mạng. Do điều này mà tại nhiều quốc gia, hành vi quảng cáo sai sự thật về sản phẩm sức khỏe thường bị phạt rất nặng.
Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs (từ trái sang phải) trong một buổi livestream kẹo Kera. Ảnh: Chụp màn hình livestream
Năm 2010, tại Úc công ty Dannon đã bị phạt đến 45 triệu USD vì quảng cáo hai sản phẩm yaourt Activia và DanActive của họ “có khả năng điều hòa tiêu hóa và tăng cường miễn dịch” dù thực tế không có chuyện này. Tháng 5/2022, Cảnh Điềm, mỹ nữ hàng đầu của làng giải trí Trung Quốc bị phạt hơn một triệu USD vì quảng cáo một loại đồ ăn của công ty Wu Xian Chang ở Quảng Châu “có tác dụng ngăn hấp thu mỡ và đường” dù không có bằng chứng khoa học nào xác nhận điều này. Có lẽ mức phạt nặng như thế mới đủ răn đe người nổi tiếng, khiến họ không dám quảng cáo sai sự thật về những sản phẩm liên quan đến sức khỏe.
Nhưng có lẽ một giải pháp khác để chấm dứt vấn nạn này là cần bổ sung thêm những chế tài khác cho người nổi tiếng. Thí dụ cấm họ hoạt động, biểu diễn và xuất hiện trước công chúng trong một thời gian nhất định. Và bên cạnh xử phạt, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp truyền thông nhằm giúp người dân có được kiến thức sức khỏe cần thiết để từ đó họ tẩy chay những sản phẩm giả dối.
Hiện tại Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo để trình Quốc hội thông qua. Trong lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo tập trung khắc phục tình trạng quảng cáo sai sự thật, bổ sung quy định xử lý nếu người nổi tiếng quảng cáo sai trên mạng xã hội. Người dân hết sức đồng tình và trông chờ điều này, bởi một đất nước đang vươn mình đi lên thì những hoạt động quảng cáo cũng cần phải nề nếp, văn minh và trung thực.
Theo TSK số 693
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}