Năm qua, có dịp theo chân các thành viên Hội Đông y tỉnh Đắk Nông vào rừng tìm thuốc, chúng tôi đã ‘mục sở thị’ sự khó khăn, vất vả của những người say mê công việc thầm lặng này. Địa điểm của chuyến thực địa lần này là cánh rừng nguyên sinh bảo tồn nhiều dược liệu quý do Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý. Lớn tuổi nhất đoàn là lương y Hà Văn Mạo, 82 tuổi (người đi đầu, đội nón trắng). Sinh ra và lớn lên trong gia đình có ông nội làm nghề đông y, nên ông gần như có mặt ở mọi chuyến thực địa.
Có nhiều kinh nghiệm đi rừng, nên khi xe dừng lại ở bìa rừng ông Mạo lôi từ cốp xe ô tô bộ đồ nghề chuyên dụng dành riêng cho những chuyến đi rừng hái ‘lộc trời’ (cách gọi của ông) gồm đôi ủng cao su, vài cây dao lớn nhỏ, bao tải và đặc biệt là bài thuốc để phòng khi bị rắn cắn hay bị thương. Ông nói: “Đi rừng hái thuốc là công việc hết sức vất vả và nguy hiểm. Vì vậy, mình phải chuẩn bị kỹ càng trước mỗi chuyến đi”.
Đi cùng ông Mạo còn có các học trò. Ông tận tình chỉ dẫn họ cách phân biệt các cây dược liệu khác nhau. Ông nói: “Trong những cánh rừng Đắk Nông, dưới thảm thực vật um tùm còn ẩn chứa rất nhiều loại dược liệu khác nhau”.
Thật tình nếu không nói trước, trong mắt chúng tôi các loại cây cỏ dại, mọc hoang trong rừng hoàn toàn không có giá trị gì. Nhưng trong mắt nhà chuyên môn, trong số này rất nhiều loại cây cỏ có giá trị chữa bệnh hoặc phòng ngừa bệnh tật nếu hiểu rõ về tính chất và sử dụng chúng phù hợp, đúng bệnh, đúng bài thuốc.
Còn theo bà Tô Thị Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Nông, thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh có 725 loài thực vật, nấm,khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số này có nhiều loại dược liệu quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam. Chuyến đi rừng lần này các thành viên vui mừng vì gặp được cây Cốt toái bổ có tác dụng làm mạnh gân xương, bổ thận, giảm đau, cầm máu, sát trùng, khu phong thấp, hành huyết.
Ông Mạo nếm thử một loại dược liệu tìm thấy trong chuyến đi.
Trong đoàn còn có ông Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Từng có thời gian làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và đặc biệt yêu thích cây trồng, nên ông tích lũy được khá nhiều hiểu biết về dược liệu. Ông cho biết, chỉ trên địa bàn huyện Tuy Đức đã có 70 loại cây thuốc quý hiếm có giá trị kinh tế rất cao.
Thỉnh thoảng bắt gặp được thực vật lạ, các thành viên cùng nhau trao đổi, tìm hiểu qua các tài liệu mang theo.
Sau một ngày đi rừng vất vả, thu hoạch của đoàn khi về nhà là cây Nhân trần nhiều lá bắc (còn gọi là “Nhân trần tía”, “Nhân trần Tây Ninh”), dược liệu được dùng điều trị bệnh vàng da, sốt nóng, tiểu tiện không thông và giúp phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh.
Ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1976/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, Đắk Nông là 1 trong 8 vùng trồng dược liệu của cả nước được quy hoạch để phát triển trồng 10 loại dược liệu bao gồm: Gấc, gừng, Hương nhu trắng, Đảng sâm, Nghệ vàng, Sa nhân tím, Sả, Sâm ngọc linh, Trinh nữ hoàng cung, Ý dĩ với diện tích khoảng 2.000 ha, trong đó, ưu tiên trồng các loài Đảng sâm, Sâm Ngọc Linh. Với những lợi thế thiên nhiên ban tặng, Đắk Nông thật sự là một “mỏ vàng dược liệu”.
Theo TSK số 690 + 691
Ngày đăng: 23/01/2025
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}