Chăm sóc y tế ở Hoa Kỳ

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền (Hoa Kỳ)

“Ngày xuân con én đưa thoi / Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền

Đại thi hào Nguyễn Du đã nhẹ nhàng luyến tiếc thời gian của mùa Xuân trôi qua nhanh quá, nhưng với một người lớn tuổi như tôi, cảm nhận đó còn sâu lắng hơn vì đơn vị thời gian không còn là “ngày” mà chuyển thành “năm”, nhất là khi mùa Xuân đang đến gần. Có lẽ đối với bất kỳ ai đã đi qua “bên kia triền dốc” của cuộc đời thì sức khỏe là yếu tố cực kỳ quan trọng để cảm nhận được hạnh phúc của cuộc sống.

Ở cái tuổi “ngoài 60” của độ dài “thiều quang 90” (năm), sự chăm sóc sức khỏe của mỗi người sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng sống những năm tháng còn lại. Tôi sống ở TP. Milpitas, hạt Santa Clara, thuộc vùng Bay Area (phía Bắc California) thấm thoát gần 5 năm. Có lẽ do cả đời hành nghề chữa trị bệnh nhân và nghiên cứu y học nên thời gian đầu dừng bước ở một đất nước mới mẻ, tôi đã đặt mục tiêu tìm hiểu những gì liên quan đến chuyện chăm sóc sức khỏe.

Chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ: 

Câu chuyện phức tạp

Vùng Presidio Parkway tại San Francisco nhìn từ trên cao. Ảnh: CNN

Tháng 7.2020 khi tôi rời Việt Nam thì một đợt Covid-19 mới bùng lên ở ở BV C Đà Nẵng. Đến Milpitas qua phi trường San Francisco, khu vực ga đến hoàn toàn vắng ngắt vì Hoa Kỳ giới hạn nhập cảnh người từ châu Á do tình hình dịch bệnh nước Mỹ xấu đi nhanh chóng.

Ngày 6.1.2021 nước Mỹ chứng kiến cuộc bạo loạn ở đồi Capitol thì hôm sau tôi đến bệnh viện O’Connor của hạt Santa Clara để tiêm vắc-xin Covid-19 theo diện người có hoạt động liên quan đến chăm sóc bệnh nhân. Ngẫm nghĩ mình cũng may mắn vì vắc-xin Covid-19 mới được triển khai đầu tiên ở Hoa Kỳ vào ngày 21.12.2020.

Trong đại dịch Covid-19, hầu hết hoạt động khám chữa bệnh thông thường ở Mỹ đều chuyển qua hình thức “từ xa”. Có dịp đến giúp vài người bạn học cũ hành nghề ở đây trong các hoạt động “phòng khám” như theo dõi kết quả xét nghiệm, gọi phone cho bệnh nhân, tôi mới có cơ hội tìm hiểu sâu về hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ.

Thông thường một người trên 65 tuổi sẽ được chăm sóc y tế qua hệ thống bảo hiểm sức khỏe Medicare/ Medicaid hoặc có thêm bảo hiểm tư nếu có điều kiện. Hàng năm họ được nhắc đi khám tạicác bác sĩ chăm sóc ban đầu (PCP) mà mình đã chọn để được kiểm tra phát hiện các bất thường trong máu (như chức năng gan, thận, máu) và các dấu hiệu ung thư phổi, vú, tử cung, gan, ruột già, phì đại tuyến tiền liệt… bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như CT, MRI, nội soi hay siêu âm.

Nhìn chung hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ khá phức tạp vì gồm nhiều thành phần tham gia là các công ty bảo hiểm; các tổ chức cung cấp dịch vụ sức khỏe công, tư, lợi nhuận và phi lợi nhuận. Chính phủ liên bang không cung cấp dịch vụ bảo hiểm sức khỏe phổ cập cho toàn dân.

Người dân đang đi làm việc thì được các “chương trình bảo hiểm sức khỏe tư nhân” do công ty mình chi trả. Đây là chương trình bảo hiểm y tế thôngdụng nhất có từ năm 1920, bao phủ đến 55% dân số Mỹ và áp dụng cho hầu hết cơ sở thuê mướn nhân viên.

Những người từ 65 tuổi trở lên hay các cựu chiến binh thì được chương trình bảo hiểm do liên bang “Medicare” cung cấp kinh phí. Các gia đìnhcó thu nhập thấp, người khiếm thị và khuyết tật được chương trình bảo hiểm do tiểu bang phụ trách “Medicaid” chi trả dịch vụ y tế. Khoảng 18% dân chúng Mỹ được chương trình này chăm lo.

Trong khi đó, chương trình bảo hiểm cho trẻ em do tiểu bang điều phối (CHIP) dành cho trẻ em các gia đình có thu nhập thấp nhưng vẫn chưa tới mức nhận được Medicare và không thể mua bảo hiểm tư. Chương trình này hỗ trợ 9.6 triệu trẻ em trên toàn quốc. Trước năm 2010, có đến 16% dân số không có bảo hiểm sức khỏe, nên thời Tổng thống Obama chính phủ ban hành đạo luật “Affordable Care Act” (ACA), thường được gọi là “Obamacare”, có mục
tiêu giúp mọi người dân Mỹ đều có bảo hiểm y tế với chi phí chấp nhận được.

Tuy nhiên ACA chỉ làm giảm tỷ lệ người không có bảo hiểm xuống còn 8.5% dân số, tương ứng 28 triệu người. Sau này có ý kiến phê phán ACA làm tăng chi phí chăm sóc và bảo hiểm y tế. Chưa kể giá thành cho từng cá nhân còn cao hơn bảo hiểm tư nhân. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có chương trình nào thay thế.

Tiêu tốn kinh phí khổng lồ
Trong tài khóa năm 2023 Medicare chi 848 tỷ USD, chiếm 13.7% ngân sách liên bang (6,2 ngàn tỷ USD). Đây là chương trình lớn thứ hai của ngân sách liên bang sau An sinh xã hội (Social Security). Tôi được hưởng “Medicare” vì trên 65 tuổi, nhưng Medicare chỉ chi trả 80% chi phí y tế nên California trợ giúp thêm qua “Medicaid” của bang gọi là “MediCAL”.

Khi phải điều trị trong bệnh viện hay đi khám bác sĩ, mọi chi phí sẽ được hai chương trình này chi trả. Riêng phần thuốc (Part D), ngoài chi phí từ Medicare và MediCAL, người thụ hưởng cũng phải đăng ký vào một chương trình thuốc và đóng lệ phí (rất ít, chỉ khoảng 20 USD/ tháng) và do không còn làm việc (thu nhập thấp) nên còn được hỗ trợ thêm từ quỹ “Extra Help”.

Mỗi tháng người bệnh đều được nhận một tờ kê khai thuốc của mình để kiểm tra và biết giá tiền thuốc thực sự được đài thọ (cá nhân tôi, chi phí thuốchàng tháng gần 5.000 USD). Do vậy một người đã nghỉ làm việc nếu không có bảo hiểm sức khỏe chắc chắn không thể nào kham nổi khoản này. Bệnh nhân trả thù lao khám ra sao?

Khoảng 1/3 số bác sĩ đang hành nghề ở Hoa Kỳ là những người chăm sóc sức khỏe ban đầu (Primary Care Physician - PCP), là những bác sĩ y học gia đình, tổng quát, nội khoa, nhi khoa và lão khoa. Gần 50% các bác sĩ này làm việc tại các phòng khám của chính họ. Nhưng họ không ngồi “đợi” bệnh mà thường chủ động hẹn với bệnh nhân. Các tổ chức cung cấp dịch vụ sức khỏe như công ty bảo hiểm y tế hay Medicare/ Medicaid sẽ giới thiệu bệnh nhân theo hợp đồng và đa số là “khám định kỳ hàng năm” hay khám theo dõi “follow-up”.

Nếu tình trạng chưa nguy hiểm đến tính mạng mà thấy cần được khám ngay thì bệnh nhân đến các Phòng chăm sóc khẩn cấp (“Urgent Care”) gần nhà. Còn nếu thực sự nguy kịch họ có thể vào thẳng phòng cấp cứu ở bệnh viện hay gọi cấp cứu 911.

Thù lao khám bệnh tại Mỹ được trả theo nhiều cách. Thông thường phòng khám sẽ thương thảo với các công ty bảo hiểm y tế tư nhân, hoặc tính theo số bệnh khám, hoặc theo giá ấn định (bảo hiểm công). Kể từ năm 2012 một mô hình tiếp cận khác được thử nghiệm là “Chi trả có thưởng” (Alternative Payment Models) để nâng cao chất lượng khám điều trị. Trung bình giá mỗi lần khám bệnh với PCP từ 80-170 USD. Cách chi trả tùy theo chương trình bảo hiểm của người bệnh đang thụ hưởng: hoặc do chương trình bảo hiểm y tế như Medicare/ Medicaid/công ty tư trả sau, có hoặc không có “đồng chi trả của người bệnh”.

Vì phức tạp như thế nên các phòng khám tư đều cần ít nhất một nhân viên gọi là “Medical Biller” để tổng hợp mọi chi tiết cần thiết về chẩn đoán và điều trị rồi “mã hóa” chúng thành các codes dựa vào Bảng phân loại bệnh tật quốc tế (International Classification of Diseases - ICD) để tính toán tất cả chi phí của từng người bệnh, trước khi gởi hóa đơn đến chương trình bảo hiểm để được thanh toán.

Công việc này chiếm gần 30% khối lượng công việc hành chính của phòng khám tư nhưng rất quan trọng vì quyết định thu nhập của bác sĩ và nhân viên. Cũng do phức tạp như vậy nên một số bác sĩ chỉ lấy tiền mặt hoặc chỉ nhận bệnh nhân trả theo “gói” hàng tháng hay hàng năm. Theo phương thức này, bệnh nhân được hẹn với bác sĩ nhanh hơn, được chữa bệnh theo lối cá thể hóa (personalized care). Dự đoán cách trả phí này sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

Do bảo hiểm y tế phức tạp nên khi đến cơ sở khám bệnh thì trước tiên bệnh nhân phải được kiểm tra bảo hiểm y tế (ngoại trừ cấp cứu). Dựa vào đó bác sĩ quyết định một số bước khác như gởi khám chuyên khoa ở đâu, tiến hành các xét nghiệm, điều trị thuốc men ra sao, vì mỗi loại bảo hiểm y tế đều có quy định riêng khác nhau. Tuy vậy, nếu có chỉ định, bác sĩ vẫn thực hiện mà không cần được “duyệt” từ bảo hiểm của bệnh nhân. Điều đáng nói mọi thủ tục xin phê duyệt này đều được các phòng khám lo liệu và bệnh nhân không phải làm gì cả.

Cảm nghĩ cá nhân

Nhà máy sản xuất xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk ở thành phố Fremont, bang California. Ảnh: CNN

Sau hơn 4 năm là “người được thụ hưởng dịch vụ y tế”, đối với tôi chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi như vậy là “cao hơn mong ước”. Có cơ hội tiếp xúc với một số người gốc Việt cao tuổi ở đây, sau khi họ được điều trị trong bệnh viện, hầu như ai cũng hài lòng. Thế nhưng phần lớn người Mỹ lại vẫn “chưa thõa mãn”, thậm chí có người còn phê phán hệ thống y tế nước họ khá nặng nề.

Trên tạp chí New England Journal of Medicine năm 2024, hai tác giả Evan Gumas và Arnav Shah viết: “Nước Mỹ đang không hoàn thành một trong những trách nhiệm cơ bản nhất của bất kỳ quốc gia nào là ngăn ngừa đau khổ và tử vong không cần thiết. Nước Mỹ còn thiếu sót khi nói đến việc bảo vệ sức khỏe của từng cá nhân và thúc đẩy phúc lợi xã hội. Nước Mỹ đang xếp hạng cuối về các biện pháp đánh giá hiệu suất này và xếp cuối hoặc gần cuối trong bốn trong năm lĩnh vực. Kỷ lục này càng đáng lo ngại vì chi tiêu quá mức cho chăm sóc sức khỏe của quốc gia này vượt xa bất kỳ quốc gia có thu nhập cao nào khác”.

Trong một đất nước đông dân, quá đa dạng về nhân khẩu học và nhiều yếu tố khác, chăm sóc y tế thật sự là câu chuyện quá khó đáp ứng yêu cầu của mọi người. Nhưng phải chăng mong ước mọi thứ đều tối ưu là động lực làm cho nước Mỹ luôn vươn lên?
 

 

XÉT NGHIỆM CẬN LÂM SÀNG

Khi cần xét nghiệm, hầu hết phòng khám tại Mỹ đều cho bệnh nhân đến các công ty xét nghiệm tư nhân. Các xét nghiệm không khẩn cấp như siêu âm, CT, MRI, nội soi phải đặt hẹn trước và chờ vài tuần lễ. Nhìn chung chất lượng xét nghiệm cận lâm sàng tại Mỹ khá tốt, được diễn giải rõ ràng và gởi về cho cả bác sĩ khám và bệnh nhân. Cách tổ chức này giúp các máy móc xét nghiệm được sử dụng hết công suất mà không phải đầu tư tràn lan nhiều nơi. Chi phí xét nghiệm sẽ được hoàn trả cho các công ty xét nghiệm tùy theo hợp đồng giữa cơ quan bảo hiểm của người bệnh với các công ty đó. Riêng với trải nghiệm cá nhân, chuyện làm xét nghiệm máu ở Mỹ khá đơn giản. Sau khi nhận phiếu từ bác sĩ, bệnh nhân gọi phòng xét nghiệm lấy hẹn, đến ngày thì có mặt tại chỗ để được lấy máu. Kết quả sẽ được thông báo cho bác sĩ và bệnh nhân sau 72 giờ.

 

Theo TSK số 690+691

Ngày đăng: 22/01/2025

[Banner Mid] Hồng Phát


Ý kiến của bạn

{% item.name %}

{% item.comment %}

Đọc thêm

sile

Suzetrigine - thuốc giảm đau mới không chứa opioid

10/03/2025 00:00:00 GMT+0700

Năm 1998 Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ phê duyệt thuốc giảm đau celecoxib (nhóm NSAID) và phải hơn 25 năm sau cơ quan này lại cho phép sử dụng một loại thuốc giảm đau không chứa opioid khác là suzetrigine.

sile

"Top" 9 đột phá y học 2024

23/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Năm 2024 đi qua với nhiều bứt phá ngoạn mục trong lĩnh vực y học. Trong số này tạp chí Thuốc & Sức Khỏe chọn ra 9 đột phá và thành tựu tiêu biểu khi chúng mở ra hy vọng giúp con người sống mạnh khỏe và hạnh phúc hơn.

sile

Ig Nobel giải thưởng "khó đỡ" nhưng nghiêm túc

23/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Giải Ig Nobel (chữ Ig viết tắt của từ ignoble nghĩa là “không cao quý”) là giải thưởng nhằm vinh danh các công trình nghiên cứu hoặc sáng kiến hài hước, khác thường nhưng đầy ý nghĩa, khơi gợi sự tò mò và kích thích tư duy.

sile

Chăm sóc y tế ở Hoa Kỳ

22/01/2025 00:00:00 GMT+0700

“Ngày xuân con én đưa thoi Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”

sile

Người phụ nữ ngửi được mùi bệnh Parkinson

22/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Trong khi ngày nay y học có nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh tiên tiến thì Joy Milne, nữ điều dưỡng người Scotland, lại có một cách chẩn đoán bệnh kỳ lạ là… ngửi mùi.

sile

Trông chờ AI phát triển dược phẩm

20/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Năm 1968 đạo diễn Stanley Kubrick cho ra mắt bộ phim khoa học viễn tưởng “2001: A Space Odyssey”, trong đó hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) (mang tên HAL 9000) sở hữu sự thông minh và cảm xúc như con người đã ra tay sát hại phi hành đoàn trên tàu vũ trụ.

sile

{% item.title %}

{% item.time_ago %}

{% item.short_description %}