Vui khỏe mỗi ngày

23/01/2025 GMT+0700

Ig Nobel giải thưởng "khó đỡ" nhưng nghiêm túc

TS.BS Bùi Minh Trạng

Giải Ig Nobel (chữ Ig viết tắt của từ ignoble nghĩa là “không cao quý”) là giải thưởng nhằm vinh danh các công trình nghiên cứu hoặc sáng kiến hài hước, khác thường nhưng đầy ý nghĩa, khơi gợi sự tò mò và kích thích tư duy.

Nhóm khoa học gia Nhật Bản biểu diễn một cách khôi hài cho thấy nhiều loài động vật có vú có khả năng thở bằng hậu môn. Nghiên cứu đoạt giải Ig Nobel Sinh lý học. Nguồn: CNN

Giải Ig Nobel được thành lập vào năm 1991 bởi Marc Abrahams, nhà toán học và biên tập viên của tạp chí khoa học hài hước Annals of Improbable Research (Biên niên nghiên cứu bất khả thi). Giải thưởng tôn vinh những thành tựu ‘khiến mọi người cười trước tiên, rồi sau đó suy ngẫm’, với mong muốn khích lệ những góc nhìn mới lạ trong khoa học và cho rằng những khám phá thú vị không nhất thiết phải có tính ứng dụng ngay lập tức.

Từ giải Nobel danh giá đến giải Ig Nobel

Giải Nobel là một trong những giải thưởng danh giá nhất thế giới, ra đời từ ý tưởng của Alfred Nobel (1833 - 1896), nhà hóa học, kỹ sư, nhà phát minh và doanh nhân người Thụy Điển, nổi tiếng với việc phát minh ra thuốc nổ dynamite.

Ngày 27/11/1895, Alfred Nobel lập di chúc cuối đời trong đó ông dành phần lớn tài sản của mình để thành lập một quỹ tài trợ cho các giải thưởng. Sau khi Nobel qua đời vào năm 1896, tài sản của ông (tương đương 250 triệu USD ngày nay) được dùng để thành lập Quỹ Nobel vào năm 1900. Giải Nobel được coi là biểu tượng cao nhất của sự xuất sắc, sáng tạo và cống hiến vì lợi ích của nhân loại. Mỗi giải thưởng bao gồm một huy chương vàng cùng giấy công nhận và một khoảng tiền thưởng (trung bình một triệu USD, nhưng có thể thay đổi tùy năm).

Đến năm 1991, nhà toán học Marc Abrahams lập ra giải Ig Nobel, trao giải tại Đại học Harvard (Massachusetts, Hoa Kỳ), với nhiều lĩnh vực như y học, vật lý, hóa học, xác suất, sinh học, kinh tế và cả hòa bình.

Nhưng khác với người chiến thắng của giải Nobel, chủ nhân giải Ig Nobel không có tiền thưởng, mỗi người hoặc nhóm người được trao giấy chứng nhận cùng một cúp biểu tượng đơn giản rẻ tiền (để phù hợp với đặc trưng của giải là vui vẻ và hài hước). Có năm, ban tổ chức trao một khoản tiền danh nghĩa là 10.000 tỷ đô la Zimbabwe (thực tế số tiền này chỉ có giá trị tượng trưng vì Zimbabwe đã ngừng lưu hành loại tiền này vào năm 2009 do siêu lạm phát).

Trong quá trình hoạt động, đã từng xảy ra trường hợp một số cá nhân hoặc nhóm nghiên cứu từ chối nhận giải Ig Nobel. Lý do từ chối thường liên quan đến việc người nhận cảm thấy giải thưởng có thể làm tổn hại đến uy tín khoa học hoặc không muốn gắn liền tên tuổi mình với tính hài hước của giải thưởng.

Chẳng hạn Robert G. Finkelstein được đề cử giải Ig Nobel Hóa học vào năm 1995 từ nghiên cứu về chất hóa học làm tăng độ bám dính ở các bề mặt trơn trượt. Nhưng Finkelstein từ chối vì lo ngại rằng giải thưởng sẽ khiến nghiên cứu của mình bị hiểu sai hoặc bị xem nhẹ trong giới học thuật.

Còn vào năm 2012 giáo sư Dan Ariely người Mỹ gốc Do Thái không chính thức từ chối, nhưng ông tỏ ra không thoải mái khi được trao giải Ig Nobel Tâm lý học vì cảm thấy nghiên cứu của mình đã bị giản lược và mất đi tính nghiêm túc. Đó là nghiên cứu phát hiện rằng “nếu một người nghiêm túc đưa ra lời nói dối, họ sẽ ít bị phát hiện hơn khi nói sự thật”.

Năm 1992, các chuyên gia ở Ủy Ban Y tế Liên Xô (1992) cũng từ chối tham dự lễ trao giải vì cảm thấy công trình nghiên cứu của họ không nên bị nhìn nhận theo hướng hài hước, đó là nghiên cứu về ảnh hưởng của rượu vodka đối với gián.

Ngược lại, cũng có một số người vinh dự nhận cả giải Nobel chính thức và giải Ig Nobel. Đó là Sir Andre Geim cùng cộng sự Michael Berry nhận giải Ig Nobel Vật lý năm 2000 cho thí nghiệm làm “con ếch bay” trong từ trường siêu dẫn. Nghiên cứu này sử dụng từ trường cực mạnh để tạo hiện tượng “phản từ tính” khiến ếch trôi nổi trong không khí. Mục tiêu ban đầu của nghiên cứu là để khám phá cách các chất liệu phản ứng với từ trường mạnh.

Mười năm sau Sir Andre Geim cùng Konstantin Novoselov nhận giải Nobel Vật lý nhờ phát hiện và nghiên cứu graphene, một vật liệu hai chiều cực mỏng với nhiều tính chất vượt trội. 

Tương tự trường hợp trên, Sir Richard Roberts nhận giải Nobel Y học năm 1993 với phát hiện introns trong DNA của sinh vật nhân chuẩn, một khám phá quan trọng trong lĩnh vực sinh học phân tử. Đến năm 2017 ông lại là người trao giải Ig Nobel y học.

Giải Ig Nobel năm 2024 rất thú vị

Giải Ig Nobel Hòa bình 2024 cho nghiên cứu về việc sử dụng chim bồ câu để điều khiển tên lửa. Nguồn: cen.acs.org

Ngày 12/9/2024, Ban tổ chức Ig Nobel đã làm việc hết sức khoa học với tiêu chí nêu trên để vinh danh 10 nghiên cứu do những đóng góp kỳ lạ nhưng mang tính suy ngẫm ở 10 lĩnh vực.

Đầu tiên là giải Hòa bình dành cho nghiên cứu về việc sử dụng chim bồ câu để điều khiển tên lửa, dựa trên dự án có tên là “Project Pigeon” được thực hiện trong Thế chiến II được nhà tâm lý học người Mỹ Burrhus Frederic Skinner nghiên cứu từ năm 1960 về cách đặt chim vào tên lửa để điều hướng quỹ đạo và hướng bay. Đây là một trong những ví dụ kỳ lạ và sáng tạo nhất trong lịch sử về việc kết hợp các kỹ thuật huấn luyện động vật vào công nghệ quân sự.

Giải Vật lý trao cho một nghiên cứu đã chứng minh rằng cá hồi có thể bơi trong một khoảng thời gian dài ngay cả khi đã chết. Phát hiện này đã làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về cơ chế hoạt động của cơ thể sau khi chết. Giải Y học dành cho nghiên cứu khám phá “giả dược” có thể tác dụng tốt hơn nếu gây đau đớn cho người dùng. Điều này chứng minh một phần của “hiệu ứng giả dược” trong y học. Chủ nhân giải này là nhóm nghiên cứu đến từ Thụy Sĩ, Đức và Bỉ, đứng đầu là Lieven A. Schenk thuộc Trung tâm y khoa Đại học Hamburg-Eppendorf. 

Trong khi đó giải Hóa học trao cho nhóm nghiên cứu ở Đại học Amsterdam gồm Tess Heeremans, Antoine Deblais, Daniel Bonn và Sander Woutersen sử dụng sắc ký để phân biệt những con giun say rượu và không say.

Giáo sư Sander Woutersen (phải) khoác lên người con sâu nhồi bông khi lên nhận giải Ig Nobel Hóa học về nghiên cứu sử dụng sắc ký để phân biệt những con giun say rượu và không say. Nguồn: CNN

Còn giải Giải phẫu trao cho giáo sư Roman Khonsari, nhà phẫu thuật xương hàm mặt tại Bệnh viện Nhi đồng - Đại học Necker Paris và đồng nghiệp về nghiên cứu toàn cầu về xoáy tóc. Trong khi tóc trên da đầu mọc xoáy theo chiều kim đồng hồ ở hầu hết mọi người thì nghiên cứu của họ phát hiện kiểu xoáy ngược chiều kim đồng hồ phổ biến hơn ở Nam bán cầu.

Phát hiện này dẫn tới so sánh với lốc xoáy. Lốc xoáy thường xoay theo những hướng khác nhau ở Bắc và Nam bán cầu. Trong bài báo đăng trên tạp chí Journal of Stomatology, Oral and Maxillofacial Surgery, nhóm nghiên cứu nêu giả thuyết về hiệu ứng Coriolis, theo đó Trái Đất quay tròn làm chệch hướng gió sang bên phải ở Bắc bán cầu và sang bên trái ở Nam bán cầu. Tuy nhiên, Khonsari không cho rằng đó là một giả thuyết khả thi.

Giải Ig Nobel Xác suất năm 2024 được trao cho một nhóm 50 nhà nghiên cứu, chủ yếu đến từ Đại học Amsterdam (Hà Lan), do đã thực hiện thí nghiệm tung 350.757 đồng xu để kiểm tra giả thuyết của Persi Diaconis, một cựu ảo thuật gia và giáo sư thống kê tại Đại học Stanford. Giả thuyết của Diaconis cho rằng khi đồng xu được tung nhẹ, nó có xu hướng rơi xuống với cùng một mặt như trước khi tung. Kết quả nghiên cứu của nhóm đã xác nhận dự đoán này, cho thấy đồng xu có khả năng (hơi) cao sẽ tiếp đất cùng mặt xu như lúc được tung lên.

Giải Sinh lý học năm 2024 vinh danh một nghiên cứu độc đáo về khả năng thở qua hậu môn của một số loài động vật có vú. Thí nghiệm của nhóm nghiên cứu cho thấy chuột nhắt, chuột cống và lợn có thể hấp thụ ôxy vào mạch máu khi truyền qua trực tràng, qua đó hỗ trợ thở bình thường.

Trong bài báo đăng trên tạp chí Med năm 2021, Takanori Takebe, bác sĩ và nhà khoa học ở Trung tâm y khoa thuộc Bệnh viện nhi Cincinnati cùng Ryo Okabe ở Đại học Y và Nha khoa Tokyo mô tả đường thở trong ruột cung cấp một phương pháp mới giúp bệnh nhân mắc vấn đề hô hấp.

Nghiên cứu này khám phá cách mà những động vật như chuột và lợn có thể hấp thụ ôxy qua ruột trong tình trạng thiếu oxy, khi hô hấp thông qua phổi gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện. Các nhà khoa học phát hiện rằng trong những điều kiện khắc nghiệt, một số loài động vật có khả năng sử dụng một phần của hệ tiêu hóa để hấp thụ khí oxy.

Họ đã tiến hành thí nghiệm bằng cách đặt các loài động vật này trong môi trường thiếu oxy và sau đó cung cấp oxy qua đường hậu môn. Kết quả cho thấy động vật có thể sống sót và tiếp tục hấp thụ oxy qua cách này. Đây là một hiện tượng sinh học kỳ diệu và hiếm gặp trong thế giới động vật, chứng minh khả năng thích nghi tuyệt vời của các loài này trong môi trường khắc nghiệt.

Những phát hiện này không chỉ góp phần mở rộng kiến thức về sinh học động vật mà còn có thể mở ra tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực y học, đặc biệt trong việc phát triển các phương pháp thay thế cho hô hấp truyền thống trong những trường hợp cấp cứu hoặc điều trị các bệnh về hô hấp.

Những người đoạt giải Ig Nobel năm 2024 được trao phần thưởng gồm một tờ tiền mệnh giá 10.000 tỷ đô la Zimbabwe không còn sử dụng có giá 22 đô la trên eBay và một “chiếc hộp trong suốt” chứa các vật phẩm liên quan đến “Luật Murphy”, chủ đề của buổi lễ năm nay và nguyên tắc rằng bất cứ điều gì có thể xảy ra sai thì sẽ xảy ra sai. Về vấn đề đó, một số vật phẩm trong hộp đã bị mất, những người trao giải cho biết, và bản thân hộp “gần như không thể mở được”
 

Theo TSK số 690+691

Ngày đăng: 23/01/2025





 

[Banner Mid] Hồng Phát


Ý kiến của bạn

{% item.name %}

{% item.comment %}

Đọc thêm

sile

Ig Nobel giải thưởng "khó đỡ" nhưng nghiêm túc

23/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Giải Ig Nobel (chữ Ig viết tắt của từ ignoble nghĩa là “không cao quý”) là giải thưởng nhằm vinh danh các công trình nghiên cứu hoặc sáng kiến hài hước, khác thường nhưng đầy ý nghĩa, khơi gợi sự tò mò và kích thích tư duy.

sile

Nằm đúng tư thế để ngủ ngon, sống khỏe

21/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Bạn có bao giờ thức giấc với cảm giác đau lưng, mỏi cổ hoặc đơn giản là không thấy khỏe khoắn sau một đêm dài? Có thể tư thế ngủ của bạn là nguyên nhân gây ra những vấn đề này.

sile

Kỷ Tử "báu vật" giúp trẻ lâu sống thọ

21/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Ngoài mong muốn sống hạnh phúc, không lo lắng cuộc sống vật chất, con người thời nào cũng mong sống trẻ khỏe, trường thọ. Kỷ tử là một trong những giải pháp giúp họ thực hiện được ước mơ sau này.

sile

Làm đẹp da 12 tháng trong năm

21/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Bốn mùa trong năm luôn đi kèm với những thay đổi về thời tiết, môi trường dễ gây ra những tác động trên da. Những hướng dẫn sau sẽ giúp bạn phần nào có được làn da mịn màng, tươi trẻ suốt năm.

sile

Tập luyện thế nào sau uống rượu, bia ngày Tết

20/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Uống bia, rượu trong các buổi họp mặt ngày Tết là điều khó tránh khỏi. Đối với những người vẫn duy trì tập luyện trong những ngày này, việc tuân thủ những nguyên tắc sau có thể giúp bạn đạt được mục tiêu tập luyện và tránh khỏi những vấn đề sức khỏe.

sile

{% item.title %}

{% item.time_ago %}

{% item.short_description %}