Từ ý tưởng người đi trên than nóng không đau
Suzetrigine là sản phẩm của Vertex Pharmaceuticals, công ty dược phẩm sinh học có trụ sở tại Boston (Mỹ), bán dưới tên thương mại Journavx, chỉ tác động trên những thần kinh bên ngoài não và ức chế những tín hiệu đau. Do thuốc không đi vào trong não nên không gây nghiện. Câu chuyện về suzetrigine bắt đầu vào cuối những năm 1990 với nghiên cứu cơ bản của tiến sĩ Stephen Waxman của đại học Yale. Ông tự hỏi làm thế nào các tế bào thần kinh truyền tín hiệu đau đến não.
Thực tế các tế bào thần kinh có 9 kênh natri, là các pin phân tử nhỏ, tạo ra tín hiệu điện. Nhưng Waxman phát hiện hai trong số các kênh đó hoạt động bên ngoài não. Một kênh có tên Nav1.7 giống như ngòi nổ của pháo. Một tế bào thần kinh kích hoạt Nav1.7. Đến lượt mình, tín hiệu đó kích hoạt kênh thứ hai là Nav1.8 để gửi tín hiệu điện của cơn đau đến não.
Vấn đề đặt ra là nếu có một loại thuốc chặn được Nav1.7 hoặc Nav1.8 thì đó có thể là một loại thuốc giảm đau mạnh không tác dụng lên não và như thế sẽ không gây nghiện.
Để làm rõ chuyện này, Waxman giả thiết có những người bị đột biến gen khiến Nav1.7 hoặc Nav1.8 liên tục hoạt động và làm họ luôn đau đớn. Ngược lại cũng có những người có đột biến chặn các kênh Nav1.7 hoặc Nav1.8, như thế họ sẽ không cảm thấy đau. Nếu tồn tại, hai dạng đột biến này cực kỳ hiếm.
Waxman liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa điều trị đau khắp nơi, hỏi xem họ có tìm được bệnh nhân nào bị đau dai dẳng do đột biến Nav1.7 hoặc Nav1.8 hoạt động quá mức hay không, nhưng ông không nhận được trả lời.
Mãi đến năm 2004, Hiệp hội Bệnh Michell(*) kể với ông về một gia đình ở Alabama có các thành viên bị đau đớn hành hạ. Hầu hết họ đều nghiện thuốc phiện và không thể đến trường hoặc đi làm. Tiến sĩ Waxman phát hiện ra những người này có đột biến ở kênh Nav1.7 khiến các dây thần kinh đau của họ liên tục bị kích thích.
Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu khác thông tin tại Pakistan có một gia đình mà các thành viên không cảm thấy đau do một đột biến chặn kênh Nav1.7 hoặc Nav1.8 không cho kích thích. Do khả năng ‘trời cho’ này mà họ có thể đi trên than nóng mà không đau đớn, một trò biểu diễn kiếm tiền giúp họ có thêm thu nhập.
TỬ VONG VÌ DÙNG THUỐC GIẢM ĐAU OPIOID QUÁ LIỀU Tại nhiều quốc gia, việc sử dụng thuốc giảm đau opioid trở thành một vấn đề khủng hoảng của xã hội. Ở Anh, năm 2017 có 24 triệu viên opioid được kê toa cho người dùng và con số này tăng lên 34 triệu viên trong 10 năm sau. Hậu quả là số người chết vì dùng quá liều đã tăng từ 3.700 người/năm lên hơn 5.700 người/ năm. Ở Mỹ, con số này là 63.600 người vào năm 2016, đến nỗi TT Donald Trump gọi đây là “nỗi xấu hổ của quốc gia” và phải tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng”. |
Suzetrigine hiệu quả ra sao?
Ngày 30/1 năm nay, FDA phê duyệt suzetrigine để điều trị những cơn đau cấp tính từ trung bình đến nặng. Đau là vấn đề sức khỏe lớn trên toàn cầu. Một khảo sát tại 52 quốc gia công bố vào năm 2022 cho thấy có đến 27,5% người bị đau. Trong số này, đau cấp tính, tức là cơn đau kéo dài dưới 3 tháng, là lý do phổ biến nhất khiến mọi người tìm kiếm sự chăm sóc cấp cứu, chiếm tới 70% số lượt khám cấp cứu hàng năm tại Mỹ. Cũng ở quốc gia này, hơn 80 triệu người dùng thuốc theo toa để điều trị cơn đau cấp tính hàng năm và khoảng một nửa số đó là opioid.
Thuốc mới của Vertex có tác dụng chặn kênh Nav1.8, có tính đặc hiệu cao nên thuốc không tác động đến các kênh natri khác. Suzetrigine làm giảm đau bằng cách kiểm soát dòng natri vào, ra tế bào và nhắm vào kênh natri đặc hiệu Nav1.8. Do đó, thuốc tránh được khả năng gây nghiện của opioid.
Tuy nhiên, việc tìm ra kênh natri phù hợp như Nav1.8 không hề dễ dàng. Các nhà khoa học phải bỏ ra hàng thập kỷ nghiên cứu và càng khó hơn vì các kênh natri hoạt động với tốc độ nhanh; do đó, khi nghiên cứu tác dụng của bất kỳ hợp chất nào được thiết kế để kiểm soát chúng đều khó đánh giá được.
Sau khi xác định được kênh natri Nav1.8, nhóm nghiên cứu tại Vertex đã sàng lọc các dữ liệu qua các thư viện hợp chất để tìm ra chất ức chế hiệu quả có tác dụng ngăn chặn việc mở kênh.
Phó chủ tịch cấp cao tại Vertex Paul Negulescu nói: “Giống như ‘mò cây kim đáy biển’, chúng tôi sàng lọc hàng trăm nghìn hợp chất để tìm ra hợp chất có khả năng ức chế Nav1.8”.
Sau khi thử nghiệm thành công trên động vật, nhóm nghiên cứu thử nghiệm thuốc trên người, trong đó có một thử nghiệm trên người bị đau cấp sau hai loại phẫu thuật cắt bỏ u xương bàn chân và phẫu thuật căng da bụng, đại diện cho hai loại chấn thương gây đau chính tương ứng với mô cứng (xương) và mô mềm (bụng).
Người tham gia nghiên cứu được theo dõi và báo cáo về đau trong 48 giờ, ngay sau khi thuốc gây mê hết tác dụng. Họ được chỉ định ngẫu nhiên dùng suzetrigine, hydrocodone phối hợp với acetaminophen (opioid) hoặc giả dược để điều trị cơn đau.
Kết quả những người dùng suzetrigine cho biết cơn đau giảm nhanh và nhiều hơn so với những người dùng thuốc giả dược. Trong số phẫu thuật tạo hình thành bụng, 61% người dùng suzetrigine báo cáo cơn đau giảm ít nhất 30%, mà các nhà nghiên cứu đánh giá có ý nghĩa, so với 48% dùng giả dược. Còn ở người phẫu thuật cắt bỏ u xương bàn chân, 83% dùng suzetrigine giảm đau so với 68% người dùng giả dược. Ở nhóm người được dùng nhóm opioid (hydrocodone và acetaminophen), kết quả cho thấy họ kiểm soát cơn đau tốt hơn người dùng suzetrigine, nhưng suzetrigine không có nguy cơ gây nghiện.
Bác sĩ Jessica McCoun, một trong những nhà nghiên cứu chính trong các thử nghiệm về cả phẫu thuật cắt bỏ u xương bàn chân và phẫu thuật tạo hình thành bụng tại Trung tâm nghiên cứu lâm sàng CenExel ở Atlanta, một trong những địa điểm thử nghiệm cho biết: “Bệnh nhân dùng suzetrigine cho biết họ giảm đau đáng kể. Kết quả khiến tôi tin rằng suzetrigine có thể thay thế việc sử dụng opioid”.
TẠI SAO THUỐC GIẢM ĐAU OPIOID NGUY HIỂM? Sự có mặt của suzetrigine mở ra cơ hội cho bệnh nhân dùng một loại thuốc giảm đau hiệu quả, an toàn vì không chứa opioid và không gây nghiện. Opioid là tên gọi chung của một nhóm thuốc gồm nhiều loại, từ thuốc thông dụng để trị ho, giảm đau là codeine đến các loại thuốc sử dụng bất hợp pháp như heroin. Chúng hoạt động bằng cách gắn vào các thụ thể opioid trong tế bào não của cơ thể để giải phóng các tín hiệu ngăn chặn nhận thức về cơn đau và tăng cảm giác khoái cảm của cơ thể. Mặc dù việc sử dụng opioid để giảm đau là chính đáng nhưng chúng có thể tạo ra nhiều nguy hiểm tiềm tàng. Ở liều thấp, opioid có thể làm cho người uống thuốc bị buồn ngủ, liều cao lại khiến họ chậm nhịp thở và nhịp tim, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra cảm giác khoái cảm khi sử dụng opioid có thể khiến mọi người muốn tiếp tục trải nghiệm những cảm giác đó, điều này có thể góp phần đưa đến sự phụ thuộc về mặt tâm lý vào thuốc. |
(*) Còn gọi là bệnh Erythromelalgia, một bệnh hiếm gặp theo đó bệnh nhân bị đỏ da, nóng và đau thường xuyên ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể, nhưng hay gặp nhất là ở bàn tay và bàn chân.
Theo TSK số 692
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}