Y học cổ truyền

21/01/2025 GMT+0700

Kỷ Tử "báu vật" giúp trẻ lâu sống thọ

BS.CKI Bùi Thị Yến Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3

Ngoài mong muốn sống hạnh phúc, không lo lắng cuộc sống vật chất, con người thời nào cũng mong sống trẻ khỏe, trường thọ. Kỷ tử là một trong những giải pháp giúp họ thực hiện được ước mơ sau này.

Kỷ tử - vừa là thức ăn vừa là thuốc quý.

Bất chấp hình hài nhỏ bé bên ngoài, quả kỷ tử lại chứa một nguồn năng lượng sung túc bên trong và thường được ca ngợi như “Trái cây trường thọ”, “Báu vật sức khỏe”. Truyền thuyết kể rằng, vào thời nhà Đường thịnh vượng bên Trung Quốc có một nhóm thương nhân từ Tây Vực đến giao thương. Họ nghỉ tối tại một quán trọ và chứng kiến một phụ nữ đang mắng một lão ông.

Một người trong đoàn bước tới hỏi: “Tại sao cô quát mắng người già như vậy?”. Người phụ nữ trả lời: “Tôi dạy cháu trai, liên quan gì đến ông?”. Thì ra người phụ nữ đó tròm trèm 200 tuổi còn lão ông đã ngoài 90. Ông cụ bị la mắng vì bất tuân gia quy, không chịu uống thảo dược khiến mắt mờ và già sớm.

Thương nhân kia kinh ngạc hỏi người phụ nữ về bí quyết kéo dài tuổi thọ. Thấy sự chân thành của người khách, người phụ nữ mới tiết lộ bí quyết mình, đó là ăn quả kỷ tử quanh năm. Không biết mức độ chính xác của truyền thuyết như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn là kỷ tử có những giá trị đặc biệt, vì thế nó còn được gọi bằng các tên Thiên tinh (tinh của trời), Địa tiên (tiên của đất), Khước lão (đẩy lui tuổi già).

Y thư Bản thảo kinh sơ của Mậu Hi Ung thời nhà Minh (Trung Quốc) có đoạn: “Kỷ tử, nhuận nhi tư bổ, kiêm năng thoái nhiệt, nhi chuyên vu bổ thận nhuận phế, sinh tân ích khí, vi can thận chân âm bất túc, lao phiếm nội nhiệt, bổ ích chi yếu dược. Lão nhân âm hư giả thập chi thất bát, cố phục thực gia vi ích tinh minh mục chi thượng phẩm”.(tạm dịch: Kỷ tử nhuận và bổ, lại có khả năng giải nhiệt, nên là vị thuốc trọng yếu để bổ thận nhuận phế, sinh tân dịch và ích khí. Chuyên chữa chứng can thận âm hư mà sinh nhiệt bên trong. Là vị thuốc bổ tinh, sáng mắt, được coi là thượng phẩm đối với người già vốn phần âm đã hư hao bảy, tám phần).

Kỷ Tử được ví như loại thuốc "trường thọ".

Kỷ tử phân bố ở nhiều nơi tại Trung Quốc, nhưng loại trồng ở Ninh Hạ (nơi mệnh danh “Quê hương kỷ tử”) có chất lượng cao hơn cả. Kỷ tử Ninh Hạ bề mặt có màu đỏ tươi đến đỏ sẫm, nếp nhăn không đều, hơi bóng và có vết quả màu trắng ở một đầu. Quả mọng có hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 8-20 mm, đường kính 5-10 mm. Thịt quả mềm, bên trong chứa nhiều hạt màu vàng, dẹt, hình thận. Ngoài kỷ tử Ninh Hạ, kỷ tử các vùng Trung Ninh, Tân Cương, Thanh Hải, Cam Túc cũng được ưa chuộng.

Chứa nhiều hoạt chất quý Kỷ tử, tên khoa học: Lycium sinense Mill. (Lycium barbarum L. var. sinense Ait), thuộc họ cà – Solanaceae, giàu vitamin C, carotene và các axit amin khác nhau. Những thành phần này giúp tăng cường chức năng miễn dịch và ngăn ngừa bệnh tật.

Nhưng kỷ tử được biết nhiều nhất với công dụng giúp trẻ hóa, chống lão hóa. Điều này có được nhờ nó chứa các polysaccharides với tác dụng chống ôxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa tế bào, giúp con người trẻ lâu. Nghiên cứu cho thấy các polysaccharide có tác dụng cải thiện khả năng miễn dịch, chống lão hóa, hạ đường huyết, giảm lipid máu, thậm chí có tác dụng phòng ngừa các bệnh Alzheimer, xơ vữa động mạch, đái tháo đường là những bệnh phổ biến đe dọa sức khỏe con người thời nay.

Người ta thấy những người thường xuyên ăn quả kỷ tử thường có làn da mịn màng, nước da hồng hào và tràn đầy năng lượng. Với những lợi ích này, rõ ràng kỷ tử không chỉ phù hợp với người già mà còn với những người trẻ tuổi, giúp họ nâng cao sức đề kháng cơ thể và trì hoãn tốc độ lão hóa.

Chưa hết, kỷ tử chứa một lượng canxi và sắt nhất định, giúp giảm loãng xương và phòng ngừa thiếu máu. Người lớn tuổi dùng kỷ tử lâu ngày có thể cải thiện được sức khỏe xương và chất lượng máu. Trong dân gian kỷ tử còn được gọi là “Minh mục tử”, nghĩa là thứ quả làm sáng mắt, vì nó chứa lutein và zeaxanthin, giúp lọc ánh sáng xanh có hại và bảo vệ mắt chống ôxy hóa. Nghiên cứu của Bucheli đăng trên tạp chí Optometry and Vision Science, năm 2011, cho thấy kỷ tử giúp phòng ngừa hoặc làm chậm lại bệnh thoái hóa điểm vàng (AMD) ở người trung niên khỏe mạnh. AMD là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người già. Ước tính có 150 triệu người trên thế giới bị vấn đề này.

Lợi ích bảo vệ mắt của kỷ tử còn nhiều hơn khi nó chứa những thành phần tốt khác như carotenoid, vitamin A, giúp thúc đẩy quá trình tổng hợp hoặc tái tạo rhodopsin trong võng mạc và duy trì thị lực bình thường, giúp duy trì sức khỏe của mắt. Các chất chống ôxy hóa như zeaxanthin trong kỷ tử cũng giúp bảo vệ thủy tinh thể và võng mạc của bạn khỏi bị tổn thương.

Cuối cùng, kỷ tử chứa các nguyên tố vi lượng như kẽm và selen, giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não. Những thành phần này cũng giúp điều hòa hệ thần kinh, giảm căng thẳng tinh thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách cải thiện lưu thông máu và thúc đẩy việc cung cấp ôxy cũng như chất dinh dưỡng cho não.

Tại Việt Nam, kỷ tử trồng nhiều ở vùng Sa Pa (Lào Cai) và được đồng bào dân tộc xem là đặc sản khi thu hoạch cả lá và đọt non để làm rau nấu canh. Gần đây, một vài nông dân ở thành phố Long Xuyên (An Giang) trồng thử nghiệm giống kỷ tử Hàn quốc, bước đầu khá thành công và đang nhân rộng mô hình này để phát triển làm sản phẩm OCOP.

 

Dùng đúng cách, không nên lạm dụng

Một số dạng người cần cân nhắc khi sử dụng kỷ tử để tránh gây ảnh hưởng sức khỏe. 

Một số người cho rằng ngâm kỷ tử càng lâu trong nước và ở nhiệt độ cao thì càng tốt, nhưng đây là một suy nghĩ không đúng. Nghiên cứu cho thấy ngâm kỷ tử trong nước 30-40 phút ở nhiệt độ 60°C là phù hợp nhất vì vừa giúp giải phóng đủ chất dinh dưỡng mà không hủy hoại bất kỳ thành phần có ích nào. Không nên ngâm hoặc đun sôi kỷ tử lâu, vì như thế sẽ làm phân hủy một số thành phần tốt, làm giảm giá trị dinh dưỡng và còn có thể tạo ra những mùi vị khác lạ. Ngược lại, nếu ngâm kỷ tử quá ngắn, các chất dinh dưỡng bên trong không được giải phóng đủ. Ngoài ra trong quá trình nấu, nên cho câu kỷ tử vào cuối cùng để đảm bảo giá trị dinh dưỡng.

Nhưng trên hết không nên lạm dụng kỷ tử. Dù là thảo dược tốt nhưng nó không phải là thuốc chữa bá bệnh. Tiêu thụ một lượng lớn quả câu kỷ tử một cách mù quáng có thể gây nóng trong người, chảy máu cam, đỏ và sưng mắt, hoặc tạo ra các phản ứng bất lợi khác có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Sử dụng kỷ tử chỉ là một phần trong quá trình chăm sóc sức khỏe.

Khuyến cáo mỗi lần dùng từ 15-20 gam, tức một nắm nhỏ, vừa đủ cho nhu cầu sức khỏe hàng ngày. Tuy nhiên, do sức khỏe và bệnh lý nền mỗi người có thể khác nhau, nên liều lượng phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Tốt nhất trước khi sử dụng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Ví dụ do hàm lượng đường trong kỷ tử tương đối cao, khoảng 19,3 gam/100 gam quả, nên người bệnh đái tháo đường cần kiểm soát lượng kỷ tử nếu có sử dụng.

3 lưu ý khi chọn mua kỷ tử

- Nên chọn kỷ tử có quả mềm, bóng, cùi đầy đặn, màu sắc đồng đều, khô ráo và không lẫn tạp chất. Đây mới là kỷ tử chất lượng tốt và giàu dinh dưỡng. Cũng nên chú ý đến nguồn gốc kỷ tử, bởi kỷ tử có nguồn gốc khác nhau sẽ cho hương vị khác nhau.

- Quả kỷ tử có thể bị nhuộm màu. Nếu toàn bộ đều có màu đỏ, thậm chí cả đốm trắng nhỏ trên cuống thì đúng là quả nhuộm vì quả kỷ tử bình thường có một đốm trắng nhỏ ở cuống. Ngoài ra kỷ tử nhuộm rất sợ nước. Khi mua bạn có thể cho một ít hạt kỷ tử vào nước hoặc chà xát chúng bằng tay ướt, nếu màu nhạt dần thì đó là kỷ tử nhuộm màu. Kỷ tử nhuộm màu thường là hàng lâu năm, bề ngoài tươi sáng, đỏ tươi, nhưng thịt quả bên trong kém và xỉn màu.

- Ngoài ra người bán cũng có thể xông kỷ tử bằng lưu huỳnh để bảo quản lâu, trường hợp này kỷ tử có màu đỏ nâu sẫm. Khi mua bạn chỉ cần lấy một nắm, dùng hai tay đậy lại một lúc rồi đặt dưới mũi. Nếu ngửi thấy mùi hăng hắc khó chịu thì đó là kỷ tử xông lưu huỳnh.
 

SỬ DỤNG KỶ TỬ BỐN MÙA TRONG NĂM

Mùa Xuân: Mùa này vạn vật hồi sinh, dương khí trong cơ thể cũng dần thăng phát. Kỷ tử có vị ngọt, tính bình bổ, vì vậy có thể hãm uống độc vị vào mùa xuân (trà câu kỷ tử), hoặc uống cùng các dược liệu có vị ngọt và hơi ấm như Hoàng kỳ để giúp dương khí sinh sôi nẩy nở thêm.

Mùa Hè: Trong tiết trời nóng bức của mùa Hè, không gì thú vị cho bằng uống một ấm trà kỷ tử ngọt mát để xua tan cơn nóng. Nếu kết hợp kỷ tử với Cúc hoa, Kim ngân hoa, trà xanh, sự thư thái, sảng khoái sau khi uống còn nhiều hơn.

Mùa Thu: Không khí khô táo khiến chúng ta luôn cảm thấy khô miệng, nứt nẻ môi, da bong tróc. Điều này có thể tránh được bằng cách ăn câu kỷ tử kết hợp với các thực phẩm tư âm nhuận táo như quả lê, Xuyên bối mẫu, Bách hợp, Ngọc trúc.

Mùa Đông: Để tăng cường dương khí chống lại cái lạnh của mùa này bạn có thể dùng kỷ tử hàng ngày. Hiệu quả còn đến nhiều hơn khi kết hợp với thịt dê, Nhục thung dung, Ba kích, hoặc bài thuốc Kim quỹ thận khí hoàn.

 

Theo TSK số 690+691

Ngày đăng: 21/01/225
 

[Banner Mid] Hồng Phát


Ý kiến của bạn

{% item.name %}

{% item.comment %}

Đọc thêm

sile

Những điều cần biết về đông trùng hạ thảo

11/03/2025 00:00:00 GMT+0700

Chúng ta thường nghe tên “Đông trùng hạ thảo”, một trong những vị thuốc quý của Đông y, nhưng chắc ít người biết rõ nguồn gốc và đặc điểm của vị thuốc này.

sile

Phóng sự ảnh: "Vào rừng tìm thuốc quý"

23/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Nằm trên cao nguyên M’Nông với độ cao trung bình từ 600- 700 mét so với mặt nước biển, Đắk Nông có địa hình và khí hậu rất đa dạng, phong phú. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi này, Đắk Nông đã sở hữu tài nguyên rừng phong phú với thảm thực vật đa dạng được ví như “mỏ vàng dược liệu”.

sile

Kỷ Tử "báu vật" giúp trẻ lâu sống thọ

21/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Ngoài mong muốn sống hạnh phúc, không lo lắng cuộc sống vật chất, con người thời nào cũng mong sống trẻ khỏe, trường thọ. Kỷ tử là một trong những giải pháp giúp họ thực hiện được ước mơ sau này.

sile

Sống dưỡng sinh bốn mùa trong năm

21/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Xuân, Hạ, Thu, Đông nối tiếp nhau quanh năm như lẽ thường tình của đất trời và cuộc sống. Để sống an lành qua bốn mùa này, y học cổ truyền (YHCT) lưu ý một số nguyên tắc dưỡng sinh sau:

sile

Phát hiện cây thuốc quý Lệ Dương ở phía Nam

20/11/2024 00:00:00 GMT+0700

Tại nước ta, cây Lệ dương đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Cây thường thấy ở các tỉnh Tây Bắc và mới đây đã được phát hiện ở phía Nam.

sile

Làm đẹp da bằng quả dâu tằm

18/11/2024 00:00:00 GMT+0700

Là trái cây dân gian phổ biến, quả dâu tằm được gọi là “siêu thực phẩm” (super food) vì mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, trong đó có việc làm đẹp da phụ nữ.

sile

{% item.title %}

{% item.time_ago %}

{% item.short_description %}