Khó tạo ra thuốc tránh thai cho nam vì nam giới sản xuất tinh trùng liên tục.
Khó khăn bủa vây
Năm 1968, một thanh niên đang chữa tâm thần phân liệt đến gặp bác sĩ với một tình huống khó nói. Trong khi dùng thuốc thioridazine điều trị, anh phát hiện một bất thường nơi cơ thể mình là “xuất tinh khô” hay… xuất tinh không tinh dịch.
Gần ba thập kỷ sau, câu chuyện này trở thành nguồn cảm hứng cho một ý tưởng mới gây sốc: Liệu đây có phải là cơ sở cho một thuốc tránh thai dành cho nam giới hay không?
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện được một loại thuốc ức chế xuất tinh tương tự là thuốc điều hòa huyết áp phenoxybenzamine. Tuy nhiên, cả thioridazine và phenoxybenzamine đều không đủ an toàn để dùng cho nam giới khỏe mạnh, vì thế mọi chuyện phải dừng lại.
Trong thực tế việc tìm kiếm giải pháp ngừa thai cho nam giới đã có từ xa xưa. Vào thế kỷ thứ 5 trước CN, Hippocrates có ý tưởng làm nóng tinh hoàn nam giới bằng nước nóng để giúp họ ngừa thai. Cha đẻ của y học phương Tây không có bằng chứng nào cho thấy tinh trùng bị “suy yếu” khi nhiệt độ tăng cao, nhưng dù sao phương pháp này cũng cho thấy hiệu quả vào 25 thế kỷ sau.
Từ năm 1930–1950, bác sĩ Marthe Voegeli người Thuỵ Sĩ đã cho 9 người nam “ngâm” tinh hoàn 45 phút/ngày trong nước nóng 46,5oC trong 3 tuần. Kết quả toàn bộ tình nguyện viên bị “vô sinh” trong vòng 6 tháng. Nhưng dù thành công thì giải pháp kỳ quặc này cũng không thể triển khai đại trà. Nam giới cần một loại thuốc ngừa thai nghiêm túc như nữ giới.
Tuy nhiên trong nhiều năm tìm thuốc ngừa thai nam giới gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên liên quan đến số lượng tinh trùng, Sabatino Ventura, nhà nghiên cứu của đại học Monash (Úc), cho biết trong khi nam giới sản xuất 1.000 tinh trùng/giây thì nữ giới chỉ tạo ra 1 trứng/tháng. Ông nói: “Đối đầu với hàng triệu tinh trùng khó khăn hơn nhiều so với đối đầu với một trứng. Cũng nên biết thêm, chỉ cần một tinh trùng xâm nhập được vào trứng là người nữ sẽ có thai ngay”.
Khó khăn thứ hai là thử nghiệm lâm sàng của thuốc ngừa thai nam thường thiếu nguồn đầu tư. Năm 2006, TS Nnaemeka Amobi của Đại học King’s College London (Anh) công bố nghiên cứu trên nhiều tạp chí danh giá về một sản phẩm ngừa thai tức thì cho nam giới. Thuốc dựa trên cơ chế tác dụng của thioridazine và phenoxybenzamine. Nhưng dù Amobi thử nghiệm thành công trên cừu thì ý tưởng này cũng không được hãng dược nào ngó ngàng, bất chấp số tiền ông mong muốn chỉ là 200.000 bảng.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào thuyết phục được các hãng dược về tầm quan trọng của thuốc ngừa thai nam khi nữ giới đã có nhiều chọn lựa ngừa thai thành công như thuốc uống, thuốc tiêm hay miếng dán? Trong một bài báo đăng trên tạp chí Biology of Reproduction năm 2020, một nhóm tác giả Mỹ nêu lý do các hãng dược không mặn mà với thuốc ngừa thai nam vì họ tin nam giới ít có động lực dùng thuốc nghiêm túc do họ không mang thai.
Một lý do khác khiến thuốc ngừa thai nam giới khó thành hiện thực là vì chúng gây nhiều tác dụng phụ. Năm 2011 một nghiên cứu sản xuất thuốc do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ phải dừng lại dù kết quả ban đầu khá hứa hẹn. Thuốc dựa trên sự kết hợp của hai nội tiết tố norethisterone enanthate và testosterone undecanoate. Lý do dừng lại vì thuốc gây ra một số tác dụng phụ khó chịu ở nam giới như tăng cân, xuất hiện mụn trứng cá, tăng ham muốn tình dục, rối loạn cảm xúc, đặc biệt là trầm cảm.
Tương lai nào cho thuốc ngừa thai nam?
Gel ngừa thai mang lại giải pháp đột phá giúp nam giới ngừa thai.
Thực tế y học đã có hai giải pháp ngừa thai an toàn cho nam giới, Một là sử dụng bao cao su, đạt hiệu quả 98% nếu sử dụng đúng cách; hai là thắt ống dẫn tinh, đạt hiệu quả 99%. Nhưng cả hai cách này lại không đủ “hấp dẫn” các quý ông bởi giải pháp đầu bị cho là bất tiện, giảm khoái cảm; còn giải pháp sau thực tế là triệt sản, khó thay đổi nếu người nam muốn có con. Dù có nhiều trở ngại trong việc tìm kiếm thuốc ngừa thai cho nam, những năm qua một số ý tưởng cũng đã được đề xuất và thu hút sự quan tâm của công chúng.
Năm 2022, các nhà nghiên cứu đại học Minnesota tạo ra được một sản phẩm ngừa thai cho chuột đực với hiệu quả lên đến 99%. Thuốc tấn công vào một protein trong cơ thể tiếp nhận một hình thức của vitamin A, thành phần có liên quan đến thụ thai và sản xuất tinh trùng. Khi cho chuột đực dùng thuốc trong 4 tuần, lượng tinh trùng của chúng giảm đi ngoạn mục. Và 4-6 tuần sau khi ngừng thuốc, chuột đực lại có thể giao phối với chuột cái làm chúng có con.
Một ý tưởng thú vị khác được Contraline, một công ty công nghệ sinh học ở Virginia (Mỹ) đưa ra là ghép một thiết bị hydrogen vào ống dẫn tinh để ngăn tinh trùng thoát ra. Thiết bị có tên ADAMS, không chứa nội tiết tố và được bác sĩ cấy vào cơ thể nam giới chưa đến 30 phút như đặt vòng tránh thai cho phụ nữ. Nó sẽ tan thành nước sau khi kết thúc vòng đời. Với tác dụng này, ADAMS được xem là giải pháp thắt ống dẫn tinh có khả năng thay đổi. Contraline đang thử nghiệm ở Úc trên 25 nam giới để đánh giá hiệu quả và tác dụng lâu dài của giải pháp này.
Gần giống ý tưởng trên là giải pháp của một số nhà khoa học Ấn Độ tiêm vào ống dẫn tinh nam giới một loại thuốc tránh thai không nội tiết tố tên là RISUG. Thuốc làm tắc đường dẫn tinh trùng vào dương vật nam giới và giúp họ ngừa thai.
Giữa năm qua, Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH) và tổ chức phi lợi nhuận Population Council công bố thông tin ban đầu đầy hứa hẹn về một loại gel ngừa thai nam, chứa hormone nestorone và testosterone, theo đó nam giới chỉ cần thoa lên vai 1 lần/ngày.
Bình thường lượng tinh trùng nam giới dao động từ 15 – 200 triệu/ml tinh dịch và các nghiên cứu cho thấy nếu số tinh trùng này xuống dưới 1 triệu/ml thì nam giới sẽ không thể có con.
Trong thử nghiệm, 86% tình nguyện viên nam đạt được con số này sau 15 tuần thoa gel. Một số người còn nhanh hơn, ức chế sản xuất tinh trùng chỉ trong 4–8 tuần. So với thuốc tránh thai nữ, loại gel này thuận tiện hơn. Thật vậy, nếu người nữ quên uống thuốc 1–2 ngày thì họ đã có thể rụng trứng, dễ khiến họ có thai không mong muốn; thì đối với gel ngừa thai nam, ngay cả khi người nam quên thoa thuốc 1-2 ngày, lượng tinh trùng cũng phải mất 8–10 tuần mới trở về bình thường.
Một lợi điểm khác của gel ngừa thai nam là người ta chưa thấy những tác dụng phụ như thay đổi tâm tính và trầm cảm có thể xuất hiện ở phụ nữ khi dùng viên ngừa thai. Các nhà nghiên cứu đang chờ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ phê duyệt thử nghiệm giai đoạn cuối của sản phầm này trong năm 2025.
Bác sĩ Brian Nguyên, chuyên gia sản phụ khoa của Đại học Southern California, người tham gia nghiên cứu phấn khởi hy vọng một ngày nào đó sản phẩm này sẽ có mặt trên thị trường và mở ra kỷ nguyên bình đẳng giới trong chuyện ngừa thai.
Theo TSK số 690+691
Ngày đăng: 21/01/2025
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}