Warfarin là thuốc chống đông máu, được dùng phòng chống huyết khối tĩnh mạch, nghẽn mạch, hỗ trợ điều trị tiêu cục máu. Liều uống thông thường (10 – 20mg) trong 1 lần không gây ngộ độc cấp nghiêm trọng. Ngược lại, dùng kéo dài warfarin với liều thấp (2mg/ngày) có thể gây rối loạn đông máu hoặc chảy máu. Liều tử vong thấp nhất được báo cáo do warfarin là 6,667mg/kg. Warfarin cũng được dùng để làm thuốc diệt chuột vì nó không mùi, không vị. Các loại thuốc diệt chuột warfarin thường có dạng viên, màu bắt mắt nên nhiều người, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi tưởng là kẹo, ăn và bị ngộ độc.
Hầu hết các trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột warfarin đều rất khó xác định liều và hoàn cảnh lâm sàng cũng như loại thuốc được sử dụng.
Warfarin và các chất diệt chuột loại chống đông gây ức chế tổng hợp các yếu tố đông máu II, VII, IX, X. Tác dụng chống đông xuất hiện sau 2 – 3 ngày. Các chất chống đông tác dụng kéo dài (brodifacoum, bromodilon, courmatetralyl, difenacoum) gây rối loạn đông máu kéo dài hàng tuần đến hàng tháng.
Chẩn đoán xác định
Khi bị ngộ độc thuốc loại này, nổi bật là tình trạng xuất huyết thường biểu hiện sau 2 – 3 ngày trở đi; 1 – 2 ngày đầu, bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng.
Xuất huyết ở các mức độ khác nhau: chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu dưới kết mạc mắt, chảy máu não, tụ máu trong cơ.
Rối loạn đông máu gây chảy máu xuất hiện sớm nhất sau 8 – 12 giờ nhưng thông thường sau 2 – 3 ngày.
Các triệu chứng khác có thể gặp: ý thức lơ mơ, đau đầu, rối loạn điều hòa vận động, đau bụng, buồn nôn. Nặng hơn có thể gặp tiêu cơ vân, suy hô hấp, co giật, hôn mê...
Khi thấy người bệnh (nạn nhân) có những triệu chứng trên cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế, mang theo vỏ thuốc hoặc viên thuốc.
Xét nghiệm đông máu: giảm các yếu tố II, VII, IX và X giảm PT% và kéo dài INR (nguy cơ chảy máu cao nếu INR > 5).
Các xét nghiệm khác: công thức máu, nhóm máu,... đề phòng khi chảy máu ồ ạt do rối loạn đông máu để truyền máu.
Sinh hóa máu: tăng GOT, GPT, ure, creatinin, CK.
Các xét nghiệm khác tùy theo tình trạng bệnh nhân.
Điều trị
– Ổn định chức năng sống: hô hấp, tuần hoàn, đặc biệt chú ý các trường hợp chảy máu não có rối loạn ý thức, huyết động.
– Các biện pháp ngăn ngừa hấp thu: rửa dạ dày thải độc nếu cần thiết và số lượng thuốc uống nhiều, bệnh nhân được đưa đến sớm.
Than hoạt: liều 1g/kg kèm sorbitol có thể nhắc lại sau 2 giờ nếu bệnh nhân uống số lượng nhiều, đến sớm.
Chưa có biện pháp thải trừ chất độc nào hiệu quả với loại ngộ độc này.
– Điều trị bằng antidote (chất giải độc đặc hiệu):
+ Vitamin K1: khi có rối loạn đông máu rõ.
Cách dùng:
Trẻ em tối thiểu 0,25mg/kg, người lớn tối thiểu 20mg/lần, 3 – 4 lần/ngày. Duy trì 10 – 100mg/ngày chia 3 – 4 lần đến khi INR về bình thường. Có thể uống, tiêm dưới da.
Theo dõi: xét nghiệm INR mỗi 12 – 24 giờ.
Không dùng vitamin K1 để điều trị dự phòng khi chưa có rối loạn đông máu.
+ Huyết tương tươi đông lạnh: khi có rối loạn đông máu PT < 40%, có chảy máu, truyền huyết tương tươi đông lạnh, truyền máu toàn phần khi có chảy máu gây mất máu nặng.
Phòng bệnh
Người dân cần ý thức sử dụng và bảo quản hóa chất diệt chuột an toàn, hợp lý.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}