Nằm ngay dưới xương sườn, ở vùng hạ sườn phải của bụng, lá gan là một công xưởng thực thụ. Được tưới máu bởi tĩnh mạch cửa nối thông với ruột non, gan nhận được máu rất giàu chất dinh dưỡng mà nó sẽ chọn lọc, biến dưỡng, cất giữ vào kho hay đưa vào tuần hoàn máu tùy theo nhu cầu. Gan đóng vai trò then chốt trong dự trữ và tạo ra glucose, điều hòa nồng độ đường huyết và nhu cầu năng lượng; tổng hợp và vận chuyển chất mỡ cũng như tạo ra protein. Chính gan là cơ quan tạo ra mật (600ml đến 1 lít/ngày). Mật là một chất dịch màu vàng nhạt, được lưu trữ trong túi mật, giúp cho sự hấp thu chất béo và vitamin A, D, E, K được dễ dàng.
Chức năng khác của gan: gan lọc chất độc, các chất nội sinh (do cơ thể tạo ra như NH3, chất thải của protein) cũng như các chất ngoại sinh (đến từ bên ngoài cùng với thuốc uống, thuốc diệt côn trùng…). Trong tế bào gan xảy ra phản ứng khử độc làm thay đổi cấu trúc hóa học để trung hòa và thải chất độc ra. Giống như một người thu dọn rác, gan cũng có nhiệm vụ quét các hồng cầu già cỗi để thải các hemoglobin. Để làm tròn vai trò lọc chất độc thì gan phải thật khỏe mạnh vì giải độc là công việc của gan. Gan không cần sự trợ giúp của bất kỳ chất nào khác để giải độc như Artichaut chẳng hạn.
Gan còn tổng hợp các hormon như hormon tăng trưởng hay hepcidin. Do những lợi ích trên nên chúng ta phải luôn bảo vệ sức khỏe cho gan.
Dùng đường thái quá là nguyên nhân của gan nhiễm mỡ
Rượu và viêm gan siêu vi không phải là mối đe dọa duy nhất với lá gan: lối sống của chúng ta, ăn nhiều đường mỡ quá và thiếu hoạt động, rú rú ở nhà cũng là nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ. Gan điều hòa lượng thức ăn thừa bằng cách biến chúng thành chất mỡ dự trữ trong gan. Tuy nhiên khi sự dư thừa này cứ lập đi lập lại và không có hoạt động thể lực nào để huy động lượng mỡ dự trữ này thì gan nhiễm mỡ hình thành.
Tại Pháp, hiện có khoảng 8 – 10 triệu người mắc chứng bệnh này. Khi lượng dự trữ glycogen đã đầy tràn, gan sẽ biến dưỡng đường thành triglycerid. Có khoảng 1 triệu người gan nhiễm mỡ sẽ biến thành viêm gan kinh niên (hay mạn tính): được gọi là viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) hay còn gọi là “bệnh soda” bởi vì bệnh xảy ra ở những người hay uống nước ngọt có gaz. Các tế bào gan bị tổn thương, chết đi và tạo ra sẹo sợi, đó là những sợi hóa, lâu dần sẽ dẫn đến chứng xơ gan. Có khoảng 100.000 – 200.000 người Pháp mắc phải chứng bệnh này. Khi gan bị suy thì sẽ xảy ra các biến chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa, ung thư… Bệnh tiến triển rất âm thầm suốt mấy chục năm bởi vì triệu chứng chỉ xuất hiện khi 90% tế bào gan bị phá hủy. Hậu quả là phần lớn bệnh nhân không hề hay biết. Nên y giới gọi nó là “Sát thủ thầm lặng”.
Yếu tố nguy cơ: béo phì, tuổi tác, đái tháo đường, tăng cholesterol...
Những người nào thuộc diện nguy cơ? Theo công trình nghiên cứu của GS Lawrence Serfaty, tỉ lệ bị gan nhiễm mỡ ở nam giới gấp đôi nữ giới. Những yếu tố nguy cơ chủ yếu là béo phì, tuổi tác, đái tháo đường, tăng cholesterol thái quá, cao huyết áp, hút thuốc và nghiện rượu. Xét nghiệm máu để có chỉ số đầu tiên về tình trạng của gan. Các test thử nghiệm đơn giản về các chỉ số như đếm tiểu cầu cho phép đánh giá nguy cơ của chứng viêm gan nhiễm mỡ. Song song, ta có thể làm siêu âm đàn hồi mô gan. Điều này cho phép chẩn đoán và theo dõi tiến triển của xơ hóa gan. Kỹ thuật này không cần phải dùng thủ thuật xâm lấn như sinh thiết.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}