Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính nguy hiểm nhất. Ảnh: gideon
1. Tại sao bệnh nguy hiểm?
Bệnh dại là một trong những bệnh viêm não tủy cấp tính nguy hiểm nhất, vì một khi đã phát triển thành cơn dại thì tỷ lệ tử vong của người và động vật gần như là 100%. Bệnh dại khiến hàng nghìn người trên thế giới tử vong mỗi năm.
2. Nguyên nhân gây bệnh dại là gì? Lây truyền ra sao?
Bệnh dại do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang con người, thường thông qua nước bọt của động vật nhiễm virus dại và vết thương ngõ vào trên cơ thể người.
Việc lây truyền bệnh dại liên quan một số nghề nghiệp như giết mổ động vật, nhân viên phòng thí nghiệm có tiếp xúc virus dại. Chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh dại vì ăn thịt động vật qua chế biến.
3. Tình hình mắc bệnh dại tại Việt Nam như thế nào?
Việt Nam nằm ở Đông Nam Á, là nơi mà 96% các trường hợp nhiễm bệnh dại liên quan đến chó. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm nước ta có hơn 70 trường hợp tử vong vì dại, hầu hết các ca nhiễm bệnh dại do chó dại gây ra. Miền núi là nơi bệnh dại lưu hành nhiều. Mỗi năm, tháng 5 đến tháng 8 (thời tiết nắng nóng) là thời điểm bệnh dại có xu hướng gia tăng, đe dọa sức khỏe và tính mạng người dân.
Dù có nhiều nỗ lực trong việc điều trị bệnh dại, nhưng đến nay y học vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu và đạt hiệu quả cao sau khi các triệu chứng của bệnh dại đã xuất hiện.
4. Ca mắc và tử vong do bệnh dại trong năm 2024 ra sao?
Theo TS.BS Hoàng Minh Đức – Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022.
Các địa phương có số ca tử vong cao nhất gồm Gia Lai (14 ca), Nghệ An (7), Bình Phước (7), Điện Biên (6), và Bến Tre (5). Theo thống kê của Bộ Y tế, trong hai tháng đầu năm 2024 cả nước có gần 20 ca tử vong do dại và nghi dại, tăng gần 10 ca so với tháng 2.2023.
Theo Bộ Y tế, số ca tử vong do dại ở Việt Nam tăng đáng kể từ năm 2022 đến nay. Đáng chú ý là bệnh dại gia tăng ở các tỉnh trước đây không phải là điểm nóng của bệnh này.
5. Nguyên nhân khiến người bị động vật nghi dại cắn mắc bệnh dại?
Theo nghiên cứu của bác sĩ nội trú CK1 Trần Nguyên Cao Lợi tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới trong năm 2022, những đặc điểm quan trọng của bệnh nhân dại gồm:
– 78/81 bệnh nhân bị động vật nghi dại cắn.
– 72/81 bệnh nhân bị động vật nghi dại là chó cắn.
– 77/81 bệnh nhân có vết thương sau khi bị động vật nghi dại cắn.
– 61/81 bệnh nhân có vết thương nông, chảy máu ít ở chỗ bị động vật nghi dại cắn.
– 41/81 bệnh nhân có biết là phải rửa vết thương bằng xà phòng sau khi bị động vật nghi dại cắn.
– 36/81 bệnh nhân không biết là phải rửa vết thương bằng xà phòng sau khi bị động vật nghi dại cắn.
– 13/81 bệnh nhân không tiêm ngừa dại sau khi bị động vật nghi dại cắn.
Như vậy là còn nhiều người dân chưa hiểu đúng về sự nguy hiểm của bệnh dại. Và sau khi bị động vật cắn (thường là chó cắn), người dân cũng chưa biết cách làm sạch và sơ cứu đúng vết thương, cũng như chủ quan không đi chủng ngừa dại sớm.
6. Xử trí khi bị động vật cắn, cào, liếm như thế nào?
Khi bị động vật cào/cắn cần rửa vết thường bằng nước và xà phòng đặc gideon. Ảnh: Pangovet
Nên bình tĩnh xử trí theo các bước và lưu ý sau:
- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc (vòi nước chảy mạnh hoặc xối nước; xà bông bột, xà bông cục) liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, phải rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị động vật cào/cắn.
- Tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 45 – 70%, cồn iod hoặc povidon, iodin để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Ngoài ra, có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
- Chú ý hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Băng ép cầm máu nếu chảy máu nhiều.
- Đưa nạn nhân đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời (trong vòng 24 giờ sau khi bị cắn) và đúng + đủ (vaccin hoặc vaccin + kháng huyết thanh dại). Tiêm phòng là cách ngăn ngừa để không bị bệnh dại. Tiêm phòng phải thực hiện trước khi can thiệp ngoại khoa.
- Tuyệt đối không dùng thuốc Nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
7. Trách nhiệm phòng chống và kiểm soát bệnh dại là của ai?
Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.
8. Chích ngừa dại như thế nào?
Sau khi bị động vật cào/cắn người bệnh cần tiêm phòng dại ngay lập tức. Ảnh: iStock
Bệnh dại luôn dẫn đến tử vong nên không có chống chỉ định chích ngừa dại sau khi bị động vật nghi dại cắn. Tùy tình trạng miễn dịch đối với bệnh dại của người được tiêm mà áp dụng phác đồ tiêm vaccin thích hợp.
Tiêm ngừa trước phơi nhiễm:
- Tiêm bắp 3 liều (0,5ml/liều) vào NO, N7, N21 (hoặc N28).
- Tiêm nhắc sau khi đã tiêm phòng trước phơi nhiễm: Tiêm bắp nhắc lại (0,5ml/liều) lúc một năm sau khi tiêm liều cơ bản, sau đó tiêm nhắc mỗi 5 năm.
Tiêm ngừa sau phơi nhiễm:
- Tùy độ nặng của vết thương hoặc tình trạng con vật cắn, có thể cần tiêm huyết thanh kháng đại đồng thời với tiêm vaccin.
- Nếu cần thiết, có thể điều trị dự phòng uốn ván và/hoặc kháng sinh.
Người đã tiêm dự phòng đầy đủ: Tiêm bắp nhắc 2 liều (0,5ml/liều) vào ngày 0 và ngày 3 (không cần tiêm huyết thanh kháng dại).
Trường hợp nghi ngờ, nếu mũi tiêm nhắc đã quá 5 năm, hay tiêm không đầy đủ: bệnh nhân được xem như không tiêm ngừa đầy đủ, và phải bắt đầu điều trị đầy đủ cho trường hợp sau phơi nhiễm dại.
Người chưa tiêm dự phòng: Tiêm bắp 5 liều (0,5ml/liểu) vào ngày 0, ngày 3, ngày 7, ngày 14, ngày 28.
9. Phân loại vết thương do bị động vật nghi dại cắn như thế nào?
- Vết thương phơi nhiễm loại I: Chạm hoặc cho động vật ăn, liếm trên da nguyên vẹn (Dùng miếng bông gòn chậm lên thì không thấy dính máu; hoặc người bị cắn không cảm thấy rát/xót).
- Vết thương phơi nhiễm loại II: Gặm vào vùng da không được che phủ, có vết xước nhỏ hoặc trầy xước không chảy máu (Dùng miếng bông gòn chậm lên thì không thấy dính máu nhưng người bị cắn cảm thấy rát/xót).
- Vết thương phơi nhiễm loại III: Vết cắn hoặc vết trầy xước xuyên qua da một hoặc nhiều lần, nhiễm bẩn niêm mạc do nước bọt văng vào hoặc do liếm, liếm trên vùng da bị trầy xước, có chảy máu, tiếp xúc với dơi và phân dơi (Dùng miếng bông gòn chậm lên thì thấy dính máu).
Nguyên tắc chủng ngừa dại - Chủng ngừa càng sớm càng tốt sau khi bị động vật cắn. Tốt nhất là chủng ngừa trong vòng 24 giờ sau khi bị động vật cắn. Tuy nhiên nếu bắt đầu chủng ngừa dại sau 24 giờ kể từ lúc bị động vật cắn thì vẫn nên chủng ngừa. - Vết thương phơi nhiễm loại I: Chỉ cần đưa đến cơ sở y tế khám. Thường không cần chích vaccin trường hợp này. - Vết thương phơi nhiễm loại II: Chích vaccin. - Vết thương phơi nhiễm loại III: Chích vaccin + huyết thanh kháng dại. - Nếu vết thương bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ thì nên đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt. |
Theo TSK số 681
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}