Nếu các túi phình vỡ ở khoảng giữa não và mô mỏng bao bọc não (màng não) thì gây ra tình trạng xuất huyết dưới nhện. Vỡ túi phình dễ gây đe dọa tính mạng của bệnh nhân và cần phải điều trị khẩn cấp. Tuy nhiên, may mắn là phần lớn các túi phình không bị vỡ, chỉ gây ra các vấn đề sức khỏe hoặc gây các triệu chứng khó chịu, thường được phát hiện do vô tình đi khám các bệnh lý khác.
Dấu hiệu của túi phình mạch máu não rất mơ hồ khi chưa vỡ
– Túi phình bị vỡ:
Đột nhiên người bệnh đau đầu dữ dội kéo dài khiến họ không chịu nổi, dấu hiệu này cho thấy túi phình đột ngột bị vỡ. Các triệu chứng khác kèm theo gồm buồn nôn hoặc nôn, cứng cổ, mắt nhìn mờ hoặc nhìn đôi, nhạy cảm với ánh sáng, co giật, sụp mi mắt, giảm nhận thức hoặc hôn mê.
Đối với tình trạng túi phình chỉ “rò rỉ” tức chỉ chảy một lượng nhỏ máu thì có thể gây đau đầu dữ dội, đột ngột mà không có triệu chứng nào khác.
– Túi phình chưa vỡ:
Nếu túi phình mạch máu não chưa vỡ thì không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào, đặc biệt trong trường hợp kích thước túi phình nhỏ. Tuy nhiên, nếu kích thước to hơn thì có thể gây chèn ép vào mô não và dây thần kinh, lúc đó có thể gây đau trên hoặc dưới nhãn cầu, đồng tử bị giãn, thay đổi thị trường mắt hoặc nhìn đôi, yếu liệt một bên mặt ...
Nói chung khi đột nhiên bị đau đầu dữ dội thì có thể là một dấu hiệu nguy hiểm cần phải đến cơ sở y tế.
Tại sao chúng ta bị túi phình mạch máu não?
Cho đến nay nguyên nhân của sự hình thành túi phình mạch máu não vẫn chưa được biết rõ. Tất nhiên, người ta ghi nhận được hàng loạt yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc túi phình. Các chuyên gia ghi nhận túi phình mạch não xảy ra nhiều ở người lớn sau 40 tuổi (ít thấy ở trẻ em) và phụ nữ hay gặp hơn.
Các yếu tố nguy cơ có thể tích tụ theo thời gian nhưng cũng có trường hợp hiện diện ngay sau sinh. Những yếu tố có thể được xem xét gây nguy cơ phình mạch não:
● Lớn tuổi.
● Hút thuốc lá.
● Mắc chứng cao huyết áp, xơ vữa mạch máu.
● Dùng thuốc gây nghiện (đặc biệt là cocain hoặc amphetamin).
● Uống rượu nhiều.
● Một số loại phình mạch não xuất hiện sau khi bị chấn thương đầu (phình mạch não do phẫu thuật) hoặc từ nhiễm trùng máu.
● Các trường hợp ung thư hoặc khối u ở đầu và cổ.
● Một số trường hợp sau khi ra đời đã mắc: bệnh lý mô liên kết di truyền (hội chứng Ehlers-Danlos, có thành mạch máu yếu), bệnh thận đa nang (gây tăng huyết áp), hẹp động mạch chủ bất thường, dị dạng động tĩnh mạch trong não (AVM), tiền sử gia đình mắc chứng phình mạch máu não (đặc biệt là thế hệ thứ nhất).
Hiếm khi túi phình mạch máu não xảy ra ở trẻ dưới 18 tuổi. Trẻ trai có khả năng bị gấp 8 lần trẻ gái. Ở trẻ em có đến 20% trường hợp bị túi phình mạch não khổng lồ (kích thước trên 2,5 cm). Túi phình ở trẻ em đôi khi xảy ra không có lý do nào nhưng cũng có thể do chấn thương đầu, bệnh mô liên kết, nhiễm trùng, bệnh về gen, tiền sử gia đình.
Túi phình mạch não vỡ gây biến chứng nguy hiểm
Khi túi phình bị vỡ sẽ gây tình trạng xuất huyết và tình trạng nặng trong vài phút. Máu chảy ra ngoài gây tổn thương trực tiếp các mô xung quanh, giết chết tế bào não. Nếu xuất huyết đủ lớn có thể gây tăng áp lực nội sọ và trở nên nguy hiểm. Áp lực nội sọ tăng làm việc cung cấp oxy cho não bị gián đoạn gây ra tình trạng hôn mê hoặc tử vong.
Sau khi vỡ túi phình gây xuất huyết não nó có thể tái xuất huyết tiếp, có thể gây ra tình trạng co thắt mạch máu đưa đến thiếu máu trầm trọng hơn cho mô não. Nếu túi phình vỡ vào trong khoang màng não - não (xuất huyết dưới nhện) thì máu có thể gây tắc lưu thông dịch não tủy. Điều này có thể gây ra tăng áp lực nội sọ và tổn thương mô não. Xuất huyết dưới nhện có thể gây ra mất cân bằng ion natri trong máu, xảy ra do tổn thương vùng dưới đồi (gần đáy não), việc giảm natri máu sẽ dẫn đến phù não và tổn thương não vĩnh viễn.
Chẩn đoán túi phình không khó nhưng phải nghĩ đến
Việc chẩn đoán được nghĩ đến khi người bệnh đau đầu đột ngột, dữ dội và có các triệu chứng khác liên quan đến vỡ túi phình gây xuất huyết. Tuy nhiên, đau đầu dữ dội còn do rất nhiều nguyên nhân khác. Nếu túi phình chưa bị vỡ thì ít có dấu hiệu về thần kinh định vị nên sẽ khó chẩn đoán.
Túi phình mạch não dễ dàng được phát hiện khi người bệnh được chụp cắt lớp não (CT.Scan) hoặc chụp cộng hưởng từ nhân (MRI). Chụp mạch máu não ở những cơ sở y tế có trang bị máy chụp mạch máu xóa nền (DSA). Những trường hợp bị xuất huyết dưới nhện có thể được chọc dò dịch não tủy để làm xét nghiệm.
Theo các chuyên gia thì việc dùng các thiết bị chẩn đoán hình ảnh (CT.Scan, MRI) để tầm soát các trường hợp bị túi phình mạch não chưa vỡ là không cần thiết, việc làm này chỉ được đặt ra khi trong gia đình có người bị túi phình mạch não (cha mẹ, anh em ruột) hoặc mắc các rối loạn bẩm sinh làm tăng nguy cơ túi phình mạch não.
Hiện tại việc điều trị túi phình chưa vỡ được thực hiện ở các bệnh viện có khoa phẫu thuật thần kinh bằng 3 cách: dùng clip kẹp cổ túi phình hoặc can thiệp nội mạch để thả coil (cuộn kim loại nhỏ) vào trong lòng túi phình hoặc chuyển hướng dòng chảy mạch máu ngăn không cho chúng vỡ.
Đối với trường hợp túi phình bị vỡ thì người bệnh được điều trị như các trường hợp xuất huyết não nói chung gồm điều trị triệu chứng và điều trị ngăn ngừa tái xuất huyết.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}