Bệnh viêm tiểu đại tràng loét hoại tử chỉ xuất hiện vào tuần thứ 3 sau sinh mà không có triệu chứng báo trước. Bệnh này được xem là trường hợp cấp cứu với:
– Nhiều vùng tiểu đại tràng loét, hoại tử.
– Tỷ lệ tử vong cao (10 – 50%).
– Sau chữa trị, có thể để lại di chứng.
Ngăn ngừa bệnh này là cần thiết, là ưu tiên hàng đầu của y tế công cộng trong lĩnh vực “chu sinh”.
So sánh hệ vi sinh đường ruột
Trong bụng mẹ, trẻ sống trong môi trường vô trùng. Khi vỡ túi nước ối, các vi khuẩn mới xâm nhập trẻ. Các trẻ đẻ non, dưới 31 tuần tuổi thai, trong vài tuần đầu, sống trong môi trường chăm sóc đặc biệt, khử khuẩn. Vì không tiếp xúc vi khuẩn như các trẻ sinh đủ tháng, hệ vi sinh đường ruột của các trẻ đẻ non phát triển chậm hơn, ruột của các trẻ dễ bị vi khuẩn tấn công hơn.
Qua phân tích phân của trẻ sinh đủ tháng, nhận thấy: đầu tiên, hệ vi sinh đường ruột chưa phong phú, mặc dù trẻ đã tiếp xúc với vi khuẩn của mẹ (vi khuẩn từ âm đạo, từ phân của mẹ hay từ môi trường chung quanh). Các vi khuẩn có mặt đầu tiên trong ruột là: cầu khuẩn Staphylococcus, Enterococcus, vi khuẩn đường ruột (Enterobacteriaceae) có thể vừa hiếu khí, vừa kỵ khí, sống ở môi trường có oxy hay không oxy. Đó là những vi khuẩn “hiếu khí, kỵ khí không bắt buộc”. Sau đó, các vi khuẩn hoàn toàn kỵ khí xâm nhập ruột như Bifidobacterium, Bacteroides và Clostridium.
Đến 2 tuổi, trẻ có hệ vi sinh đường ruột như người trưởng thành (với vi khuẩn của môi trường từ thức ăn và từ vi khuẩn ngoài da của người lớn).
Từ năm 2007, nhóm nghiên cứu Marie José Butel, giáo sư Trường Đại học Paris - Descartes đã nghiên cứu hệ vi sinh đường ruột của trẻ sinh non. Họ phân tích 2 lần trong tuần phân của 52 trẻ sinh non, trong suốt thời gian các trẻ ở bệnh viện và nhận thấy:
– Vi khuẩn có mặt rất trễ trong ruột trẻ sinh non.
– Vi khuẩn đường ruột (Entero-bacteriaceae) chỉ có mặt sau một tháng tuổi.
– Các vi khuẩn kỵ khí như Bacteroides, Bifidobacterium còn có mặt trễ hơn nữa.
Ngược lại, các vi khuẩn kỵ khí như Clostridium hiện diện sớm hơn. Nếu trong phân có Clostridium, trẻ cần phải ở bệnh viện điều trị lâu hơn. Hệ vi sinh đường ruột của trẻ sinh non được hình thành từ vi khuẩn của môi trường hơn là của bà mẹ, vì khi sinh non, trẻ thường sinh mổ, không tiếp xúc với vi khuẩn của mẹ. Sau đó, trẻ được nuôi trong lồng kính đã khử trùng và phải dùng kháng sinh phổ rộng. Cũng có thể màng nhầy ruột chưa thuần thục hạn chế sự du nhập của một số vi khuẩn như Bifidobacterium.
Vi khuẩn bảo vệ sức khỏe
Bifidobacterium được coi là probiotic, nghĩa là vi sinh sống, khi đưa vào cơ thể với số lượng thích hợp sẽ ảnh hưởng tốt cho sức khỏe. Bifidobacterium tác động như một lá chắn, kiểm soát sự tồn tại của các vi khuẩn khác.
Ở trẻ sinh non, thiếu Bifido-bacterium, Clostridium hoạt động tự do, gây các tổn thương ở ruột.
Tỷ lệ tử vong giảm
Vào năm 1999, một nghiên cứu xác định: nếu cung cấp qua đường miệng 2 gốc vi khuẩn Bifidobacterium infantis và Lactobacillus acidophilus cho trẻ sinh non, sẽ giảm đáng kể tần suất và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh viêm đường ruột.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}