Từ đầu những năm 1970, các nhà nghiên cứu tại Đại học Otago ở New Zealand đã yêu cầu cha mẹ của hơn 800 trẻ em ở độ tuổi 5, 7, 9, 11, 13 và 15 ghi lại thời gian nhìn màn hình của chúng: Trung bình thời gian xem của các trẻ là khoảng 2 giờ mỗi ngày. Những trẻ này được theo dõi về sức khỏe đến 45 tuổi.
GS Bob Hancox thuộc Khoa Y học Dự phòng và Xã hội của Đại học Otago cho biết: “Những trẻ xem nhiều nhất có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn khi đã trưởng thành. Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các tình trạng bao gồm huyết áp cao, lượng đường trong máu cao, mỡ thừa trong cơ thể và mức cholesterol bất thường… dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đái tháo đường và đột quỵ.
Nghiên cứu cho biết phát hiện này vẫn đúng ngay cả khi tính đến những khác biệt về giới tính, chỉ số khối cơ thể thời thơ ấu và hoàn cảnh kinh tế của gia đình… Thống kê cho thấy: các bé trai xem TV nhiều hơn bé gái và các vấn đề về hội chứng chuyển hóa gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Mặc dù nghiên cứu này không chứng minh được rằng việc xem TV thực sự gây ra những vấn đề sức khỏe đó ở tuổi trưởng thành, nhưng các tác giả cho biết hai vấn đề này có thể liên quan đến nhau vì những đứa trẻ xem TV có thể ít hoạt động thể chất hơn và có thể có thói quen ăn uống không lành mạnh, vì chúng thường xem quảng cáo các món đồ ăn vặt.
BS Colleen Kraft, giáo sư nhi khoa của Trường Y KECK, thuộc Đại học Nam California, người không tham gia vào nghiên cứu này, nêu ý kiến:
“Hiện nay, trẻ em sử dụng điện thoại, hoặc máy tính bảng, máy vi tính, TV… suốt cả ngày và chúng thực sự rất ít hoạt động. Vì vậy, chúng ta sẽ phải đối phó một loạt các vấn đề sức khỏe trong tương lai, nếu từ bây giờ chúng ta không tập trung vào trẻ em và cho chúng cơ hội để hoạt động.”
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}