Hội chứng Pickwick xảy ra ở nam nhiều gấp đôi nữ, chiếm 9% nam giới tuổi trung niên và 4% nữ giới tuổi trung niên. Nguy cơ xảy ra hội chứng Pickwick khi chỉ số thân khối (BMI) tăng trên 30 và kích thước vòng cổ lớn hơn 17 inches (1 inche = 2,54cm) ở nam giới và lớn hơn 15 inches ở nữ giới, ở người nghiện rượu làm giảm trương lực cơ đường hô hấp trên, ở người dùng thuốc an thần, thuốc gây nghiện, người bị suy giáp hay đã mổ tuyến giáp (làm tổn thương hệ cơ kiểm soát hô hấp), bị viêm amygdal phì đại…
Để tầm soát bệnh nhân bị hội chứng Pickwick, cần trả lời câu hỏi: Trong tháng qua, bạn có các dấu hiệu sau đây trong lúc ngủ không:
- Thở phì phò, thở hổn hển.
- Ngáy to.
- Cảm giác ngạt thở. Khi có các dấu hiệu trên, căn cứ vào các triệu chứng và đo vòng cổ người bệnh để chẩn đoán.
Biểu hiện lâm sàng
Bệnh nhân ngủ gián đoạn, thường thức giấc ban đêm, ngủ ngáy to, trong giấc ngủ có ngưng thở từ 10 giây trở lên, sau ngưng thở bệnh nhân thở hổn hển. Vào buổi sáng thức dậy bệnh nhân không có cảm giác sảng khoái, thay vào đó là nhức đầu do giảm thông khí, tăng CO2 trong máu. Ban ngày bệnh nhân buồn ngủ nhiều, nếu nặng bệnh nhân có thể ngủ gật khi đang nói chuyện, đang chạy xe hay dừng xe chờ đèn xanh… Bệnh nhân thường mất tập trung, giảm trí nhớ, không muốn tiếp xúc xã hội, dễ bị kích thích, tim đập không đều, đau ngực, rối loạn chức năng sinh dục…
Hậu quả của hội chứng Pickwick: dễ bị tai nạn giao thông (cao gấp 3 – 7 lần nhóm chứng). Tăng nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, block tim. Tăng nguy cơ tử vong ở người đã có bệnh tim mạch.
Điều trị gồm nhiều biện pháp
- Giảm cân là mục tiêu chính, chủ yếu bằng biện pháp tiết thực và tập thể dục.
- Chế độ ăn cần giảm carbohydrat (chất bột đường), giảm mỡ. Khi năng lượng đưa vào thấp hơn nhu cầu cơ thể thì năng lượng hoạt động sẽ được lấy từ mô mỡ dự trữ. Do đó, có thể áp dụng chế độ ăn thiếu Calo so với nhu cầu hàng ngày để làm giảm trọng lượng cơ thể.
Chế độ ăn giảm Calo được tính dựa vào cân nặng của bệnh nhân, theo mức 25 Calo/kg/ngày. Thí dụ: bệnh nhân nặng 80kg thì năng lượng đưa vào mỗi ngày là 25 x 80 = 2.000 Calo.
Nếu lượng calo cung cấp giảm đi, thấp hơn nhu cầu cơ thể 500 Calo/ngày, thì sẽ làm giảm trọng lượng khoảng 0,5kg/tuần. Sau khi đã giảm cân, lượng Calo mỗi ngày phải tính theo số cân đã giảm. Thí dụ: bệnh nhân còn 75kg thì số Calo/ngày là 25 x 75 = 1.875 Calo. Điều trị thành công hay không tùy vào tuổi (béo phì ở người trẻ phải được điều trị rất sớm) và ý chí của bệnh nhân.
Đối với những bệnh nhân có thói quen ăn nhiều, chấp nhận hạn chế thức ăn trong suốt cuộc đời là rất khó khăn. Nên dùng nhiều trái cây, các loại rau, và những loại hạt nguyên vỏ lụa, giàu chất xơ. Nên thay thế thức ăn có chất dinh dưỡng thấp, nhưng giàu calo bằng những thức ăn có chất dinh dưỡng cao, ít năng lượng. Thí dụ: thay một gói khoai tây chiên bằng một quả trứng gà luộc và một miếng trái cây (Thanh long, Cam…).
- Hoạt động thể lực và tập thể dục làm tăng sự tiêu thụ năng lượng của cơ thể, góp phần quan trọng trong việc giảm trọng lượng. Đồng thời làm tăng sức lực và tăng tính dẻo dai, cải thiện mỡ máu (giảm triglycerid, cholesterol toàn phần, LDL-C và VLDL, tăng HDL-C), nên giảm được xơ vữa động mạch. Tác dụng tốt trên tim mạch (tăng khả năng sử dụng oxy của cơ tim, làm chậm lại nhịp tim, giảm vừa phải huyết áp, giảm nguy cơ tắc mạch và giảm tử suất do bệnh mạch vành). Nếu năng lượng tiêu thụ không tăng thì rất khó giảm trọng lượng vì khó mà duy trì sự tiết thực.
Trong hoạt động thể lực, cần duy trì tần số tim bằng 50% tần số tim tối đa. Tần số tim tối đa được tính theo công thức: 220 – tuổi. Ví dụ bệnh nhân 50 tuổi: 220 – 50 = 170 lần/phút, thì tần số tim cho phép là 85 lần/phút.
Nên gia tăng hoạt động thể lực từ từ như tập thể dục từ 10 đến 30 phút/ngày cho đến khi đạt được 300 phút/tuần. Các hình thức vận động dễ áp dụng là đi bộ, đạp xe hay bơi lội. Để đốt cháy 100 Calo (khoảng hơn 10g chất béo) phải đi bộ 20 phút, bơi hoặc đánh tennis 12 phút, 8 phút đạp xe hoặc chạy bộ.
Đối với người quá béo, di chuyển cơ thể nặng nề và thường đau khớp nên khó đi bộ hay chạy bộ, nên thay bằng môn bơi lội.
Có vài trường hợp, chế độ ăn kiêng và tập thể dục vẫn không làm giảm trọng lượng, cần dùng thuốc và phẫu thuật.
- Không uống rượu, vì rượu làm giảm trương lực cơ dãn đường hô hấp trên, làm tăng độ nặng của ngáy và ngưng thở.
- Tránh dùng thuốc an thần và thuốc gây nghiện vì kéo dài thời gian ngưng thở và gây thiếu oxy nặng hơn.
- Khi ngủ nên nằm nghiêng để tránh tình trạng ngưng thở.
Trường hợp ngừng thở kéo dài, ảnh hưởng tính mạng, sẽ được bác sĩ điều trị bằng thuốc, dùng các biện pháp hỗ trợ, đặt thiết bị trong miệng, giải phẫu…
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}