Trứng gà chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Ảnh: Pexels
Chưa thấy liên hệ giữa ăn trứng và bệnh tim mạch
Trên BBC chuyên mục Future tháng 3/2024, Christopher Blesso, Phó giáo sư khoa học dinh dưỡng Đại học Connecticut (Hoa Kỳ) khẳng định trứng là thực phẩm có đủ các thành phần cần thiết để nuôi dưỡng cơ thể.
Nhưng bất chấp điều này, suốt 60 năm qua trứng bị nghi ngờ gây hại vì chứa quá nhiều cholesterol, thành phần mà một số nghiên cứu cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Chẳng hạn năm 2005 một nghiên cứu đăng trên European Cardiology Review cho thấy ‘cholesterol xấu’ (lipoprotein tỷ trọng thấp - LDL) có thể bám vào lòng mạch máu, qua đó làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành. Một quả trứng chứa gần 200 mg cholesterol, bằng 2/3 khuyến cáo dinh dưỡng cholesterol hàng ngày (300 mg) mà Hoa Kỳ đưa ra. Nếu vậy ăn trứng nhiều không tốt cho sức khỏe chút nào.
Nhưng đây không phải là sự thật sau cùng vì nhiều nghiên cứu chưa xác nhận mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cholesterol và nguy cơ bệnh tim mạch. Trên tạp chí Nutrients vào năm 2018, tác giả Ghada A. Soliman tổng hợp nhiều nghiên cứu và nhận thấy không có khác biệt về sự gia tăng LDL trong máu giữa nhóm ăn nhiều trứng và ít trứng.
Một năm sau, qua nghiên cứu đăng trên Public Health Nutrition năm 2019, Maria Luz Fernandez, giáo sư dinh dưỡng đại học Connecticut (Hoa Kỳ), khẳng định: “Trong khi cholesterol trong trứng nhiều hơn thịt và các sản phẩm động vật khác thì không có mối liên hệ nào giữa việc ăn trứng và gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch”.
Do điều này mà giờ đây hướng dẫn dinh dưỡng của Hoa Kỳ và Anh quốc đã loại bỏ việc hạn chế ăn trứng, thay vào đó người ta nhấn mạnh việc giới hạn chất béo bão hòa trong ăn uống bởi đây mới là thủ phạm có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.
Nhiều bằng chứng ủng hộ ăn trứng
Vài năm gần đây tranh cãi về lợi ích sức khỏe của trứng đã giảm đi phần nào vì y học biết rằng cơ thể con người có thể bù trừ được lượng cholesterol mà chúng ta nạp vào. Elizabeth Johnson, phó giáo sư ngành dinh dưỡng đại học Tufts (Hoa Kỳ), nói: “Phần lớn chúng ta có những hệ thống tự điều chỉnh. Vì thế cholesterol trong thức ăn không phải là chuyện quá quan trọng”.
Năm 2015, khi xem xét 40 nghiên cứu khác nhau, Johnson không tìm thấy bất kỳ bằng chứng chắc chắn nào về mối liên hệ giữa ăn thức ăn chứa cholesterol và bệnh tim. Bà giải thích: “Khi chúng ta nạp cholesterol qua thức ăn, con người sẽ điều chỉnh lại bằng cách giảm sản xuất cholesterol”.
Thậm chí y học còn biết rằng cholesterol trong trứng khó gây hại cho sức khỏe. Theo Blesso, cholesterol chỉ gây hại khi chúng bị ôxy hóa trong động mạch nhưng ôxy hóa lại không xảy ra cho cholesterol của trứng. Ông nói: “Khi cholesterol bị ôxy hóa, nó dễ gây viêm hơn, nhưng tất cả các chất chống ôxy hóa trong trứng sẽ bảo vệ cholesterol không để nó bị ôxy hóa”.
Không chỉ gây tranh cãi về cholesterol, trứng còn tạo ra ý kiến trái chiều về choline giúp bảo vệ con người chống lại bệnh Alzheimer, bảo vệ gan và chức năng nhận thức. Trứng chứa nhiều choline, nhưng khi vào ruột thì nó bị chuyển hóa thành TMO rồi thành TMAO (trimethylamine-Noxide) trong gan, một chất liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nhưng giờ đây nỗi lo này đã được xua tan khi một nghiên cứu đăng trên The American Journal of Medicine năm 2021 cho thấy một người khỏe mạnh dù ăn 4 quả trứng/ngày cũng không làm tăng đáng kể TMAO.
Dù có lợi cho sức khỏe, nhưng con người cần tiêu thụ trứng chừng mực và đa dạng nhiều thực phẩm khác nhau. Ảnh: Freepik
Trứng còn nhiều lợi ích khác
Trên The New York Times tháng 2/2023, Bethany Doerfler, chuyên gia dinh dưỡng Trường Y khoa Feinberg (Hoa Kỳ) cho biết trứng chứa các vitamin B, E, D và chất béo bão hòa ở mức thấp. Bà nói: “Khi ăn trứng bạn sẽ nhận được nhiều protein nhưng lại nhận ít năng lượng”. Ngoài ra, trứng cũng giàu lutein, sắc tố giúp bạn có thị lực tốt hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh mắt. Thậm chí trứng còn chứa nhiều acid béo omega-3 tùy theo loại gia cầm.
Nhìn chung ngày nay trứng không còn chịu tiếng xấu như trước vì nhiều bằng chứng ủng hộ nó hơn là chống lại. Nhưng theo Doerfler, đừng thấy thế mà xem trứng như một siêu thực phẩm đáng tin cậy. Bà khuyến cáo: “Chỉ nên ăn trứng chừng mực. Nếu không có vấn đề về tim mạch, bạn có thể ăn 1 quả trứng/ngày, kể cả lòng đỏ. Còn nếu bạn lo lắng về cholesterol thì có thể chỉ ăn lòng trắng. Nhưng cần biết, lòng đỏ trứng chứa nhiều vitamin, vì thế nếu loại bỏ lòng đỏ thì bạn đã bỏ đi lợi ích của trứng”.
Và để có thể ăn trứng được an toàn, theo Doerfler, điều quan trọng hơn là cần xem xét toàn bộ những thực phẩm bạn nạp vào người thay vì chăm chăm vào món này hay món kia. Chắc chắn không phải là một chọn lựa lành mạnh nếu sáng nào bạn cũng ăn món trứng thay vì ăn đa dạng các món khác nhau. Nói cho cùng, đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ!
Theo TSK số 689
Ngày đăng: 20/12/2024
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}