Bệnh dại là gì?
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm, do virus dại gây ra và có thể lây từ động vật có vú (chó, mèo, dơi, chuột, thỏ, gấu trúc, chồn, cáo, chó sói…) sang người thông qua nước bọt của động vật có mang virus dại dẫn đến nhiễm trùng não và thần kinh trung ương một cách nghiêm trọng. Bệnh dại khi đã lên cơn dại thì gần như không thể chữa được (trừ trường hợp lên cơn dại giống bệnh dại nhưng do mắc bệnh hoang tưởng). Trong bài viết này chỉ đề cấp đến bệnh dại do virus dại gây ra.
Tình hình mắc bệnh dại
Ở châu Phi và châu Á, chó là nguồn gây bệnh chủ yếu, số người chết hàng năm vì bệnh dại rất cao. Ấn Độ hàng năm có khoảng 3 triệu người phải tiêm vaccin dại trong đó 40% là trẻ em, Trung Quốc năm 2000 có 226, năm 2006 có 2.500 và năm 2007 có 3.300 người chết vì bệnh dại. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Nepal, Sri Lanka, Bangladesh, Indonesia. Ở các nước Đông Nam Á, hàng năm tỷ lệ chết vì bệnh dại chiếm 80% trên toàn thế giới. Từ năm 2004 đến nay bệnh dại tăng lên rõ rệt ở các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, bệnh dại có mặt ở hầu hết các tỉnh thành. Vào đầu thập niên 1990 mỗi năm có 350-500 bệnh nhân tử vong vì bệnh dại. Giai đoạn 1996 - 2007 nhờ tích cực tiến hành các biện pháp phòng chống bệnh dại cho nên số trường hợp tử vong đã giảm 75%. Tuy nhiên sau đó căn bệnh lại có chiều hướng gia tăng. Cụ thể trong thập niên 2010, mỗi năm Việt Nam có 70 – 110 người mắc bệnh và tử vong. Kể từ năm 1992 trung bình mỗi năm có khoảng 440.000 người phải đi tiêm phòng do động vật cắn. Chó là động vật chủ yếu truyền bệnh dại, chiếm 96 – 97%, tiếp đến là mèo 3 – 4% và cũng chưa ghi nhận trường hợp người mắc dại từ động vật khác. Hiện tại, bệnh dại ở nước ta đang có xu thế gia tăng do việc quản lý nuôi chó, mèo hoặc giết mổ cũng như tổ chức tiêm chủng phòng ngừa bệnh dại cho chúng chưa tốt. Bên cạnh đó có phần chủ quan của một số người dân.
Đường lây truyền của virus dại
Trên thực tế có nhiều người không biết virus dại gây bệnh dại lây qua đường nào. Điều này rất nguy hiểm, khiến cho nguy cơ mắc bệnh dại cao hơn. Thực ra, đường lây truyền của virus dại có nhiều nhưng chủ yếu thông qua chất tiết của động vật. Cụ thể là virus dại được lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh hoặc mang virus dại bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể. Lưu ý: chó con mang virus dại nhưng không biểu hiện thành bệnh dại do thần kinh của chó con chưa phát triển một cách hoàn chỉnh, vì vậy khi chó con cắn, liếm là rất nguy hiểm. Virus dại có thể lây truyền qua niêm mạc khi tiếp xúc trực tiếp nước bọt của động vật nhiễm virus dại (virus dại bắn trực tiếp vào niêm mạc ở mắt, mũi, miệng của con người); virus dại có thể lây qua không khí khi con người hít phải virus dại, đây là một trong những cách phơi nhiễm tiềm ẩn; tuy nhiên, ngoại trừ nhân viên phòng thí nghiệm thì hầu hết mọi người không bị lây nhiễm qua con đường này.
Đặc điểm của bệnh dại
Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đặc biệt cần lưu ý là chó con dù bị nhiễm virus dại nhưng vẫn sống bình thường và nước bọt của chúng vẫn chứa vô số virus dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại mà không hề biết. Khi đã lên cơn dại do chó dại cắn, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Thời kỳ nung bệnh (từ khi virus dại vào cơ thể đến khi phát ra triệu chứng đầu tiên tùy thuộc vào vị trí của virus dại xâm nhập vào cơ thể, nghĩa là chó cắn vào vùng càng gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ…) càng sớm phát bệnh. Bệnh dại có 2 thể bệnh, thể cuồng sảng và thể liệt.
Triệu chứng ở thể cuồng sảng có thể là sốt cao, đau đầu, cảm giác ngứa ran, châm chích hoặc bỏng rát bất thường ở vùng da bị tổ thương hoặc không giải thích được (dị cảm) tại vị trí bị cắn hoặc vết thương mà chó mang virus dại liếm vào. Vài ngày sau đó, khi virus tấn công đến hệ thần kinh trung ương, tình trạng viêm não và tủy sống bắt đầu xuất hiện và tiến triển cho nên người bệnh bắt đầu có thể xuất hiện một số biểu hiện như bồn chồn, lo lắng, sợ nước, sợ gió, bị ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy mọi thứ), lú lẫn, hành vi hung hăng. Đồng thời xuất hiện co thắt cơ bắp, cơ hô hấp (cơ thanh khí quản, cơ hoành, cơ liên sườn…) gây khó thở, nuốt khó, tăng tiết nhiều nước bọt, sùi bọt mép, dẫn đến tê liệt, ngưng tim ngưng thở và tử vong.
Trong khi đó, nhóm người mắc bệnh dại bị liệt chỉ chiếm khoảng 20% trường hợp bị bệnh dại. Người bệnh có dấu hiệu tê liệt cơ bắp, bắt đầu ở vị trí vết thương, cơ bắp tê liệt dần dần, bắt đầu từ nơi có vết cắn hoặc vết xước. Tình trạng hôn mê từ từ phát triển, và cuối cùng là tử vong. Thể liệt của bệnh dại thường có thể dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh gây liệt khác nếu bỏ sót yếu tố dịch tễ (chó, mèo, dơi hoặc chuột… cắn).
Cách chẩn đoán bệnh dại
Chẩn đoán bệnh dại chủ yếu dựa vào lâm sàng (sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng…) và dịch tễ học (bệnh nhân có tiền sử bị động vật cắn, liếm vào da, niêm mạc, vết thương…) nhưng không được tiêm phòng vaccin phòng bệnh dại hoặc không được tiêm huyết thanh kháng dại do ngành y tế khuyến cáo hoặc người bệnh đang sinh sống ở khu vực vẫn có bệnh dại lưu hành.
Chẩn đoán xác định bệnh dại sẽ thực hiện ở cơ sở y tế có đủ điều kiện bằng xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang, kỹ thuật sinh học phân tử của các mảnh cắt da lấy từ dìa tóc ở gáy người bệnh nhân, máu, tổ chức não...
Nguyên tắc điều trị bệnh dại
Điều trị bệnh dại sau khi phơi nhiễm phải được thực hiện ngay sau khi bị động vật cắn, liếm nhằm ngăn virus xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương càng sớm càng tốt.
Trước tiên tại chỗ vết thương bị chó cắn hay cào xước, cần rửa vết thương ngay lập tức bằng nước sạch cùng với các dung dịch có thể tiêu diệt virus dại như xà phòng, chất tẩy rửa, povidon iodin,… ít nhất 15 phút, rồi băng vết thương lại và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế đủ điều kiện như bệnh viện, Trung tâm y học dự phòng… Tại đây, người bệnh sẽ được điều trị vết thương, tiêm vaccin phòng dại, trường hợp đặc biệt (vết thương gần thần kinh trung ương hoặc biết chắn chắn là chó dại cắn…) sẽ được chỉ định tiêm huyết thanh chống bệnh dại (kháng thể chống virus dại). Nên lưu ý rằng, người bệnh đến bệnh viện càng sớm thì hiệu quả ngăn chặn sự khởi phát triệu chứng và tử vong của bệnh dại càng có hiệu quả cao.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}