Tại sao bị trào ngược dạ dày - thực quản?
Hiệp Hội Tiêu hóa Mỹ định nghĩa về trào ngược dạ dày - thực quản (GERD: Gastro-Esophageal Reflux Disease) là tình trạng diễn ra khi chất là dịch vị ở dạ dày trào ngược từ dạ dày lên thực quản gây ra các triệu chứng khó chịu hoặc các biến chứng có hại.
Nguyên nhân của trào ngược dạ dày - thực quản khá phức tạp nhưng có thể tóm gọn trong hai nguyên nhân chính:
– Tăng tiết acid dạ dày: acid dạ dày dư thừa là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng trào ngược, làm giảm tiết hay trung hòa acid dạ dày là cơ chế chính trong việc điều trị bệnh. Tăng tiết acid thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau:
+ Ăn uống không khoa học: ăn không đúng giờ, thường xuyên bỏ bữa, ăn kiêng quá mức, hay ăn vặt (nhất là ăn bánh tráng cay, xoài, cóc, cam), ăn quá no, ăn hoặc uống nước trái cây, sữa lúc bụng đói, ăn xong nằm ngay, thường xuyên ăn đêm, hay ăn đồ chua, cay, nóng… Đây là nguyên nhân thường gặp mà hầu như mọi người đều mắc phải, làm nặng thêm tình trạng trào ngược do tăng tiết acid dịch vị.
+ Stress: là vấn đề của nhiều người, stress dẫn đến tăng tiết cortisol, làm tăng tiết acid dạ dày, ngoài ra còn làm tăng nhu động dạ dày, rối loạn co thắt cơ vòng dưới thực quản từ đó gây tình trạng trào ngược.
+ Thuốc: thuốc giảm đau NSAIDs ức chế các yếu tố bảo vệ và trung hòa acid của dạ dày, vì vậy acid sẽ dư thừa.
+ Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori: đây là nguyên nhân phổ biến gây nên các bệnh lý về dạ dày - tá tràng, thực quản.
– Suy yếu cơ thắt dưới thực quản: Cơ thắt dưới thực quản giữ vai trò ngăn không cho acid dịch vị trào ngược lên thực quản, các yếu tố làm rối loạn cơ này:
+ Các hóa chất, thuốc: thuốc lá, rượu bia, cà phê chứa chất cafein, các thuốc kích thích thụ thể b, thuốc ức chế a, ức chế tiết cholin.
+ Béo phì, viêm dạ dày, hẹp môn vị làm ứ đọng thức ăn… làm tăng áp lực trong dạ dày vượt quá khả năng co thắt của cơ thắt dưới thực quản.
Khi có biểu hiện của tình trạng trào ngược dạ dày - thực quản, bạn nên đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán chính xác về nguyên nhân, mức độ, biến chứng của bệnh để đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Ăn uống khoa học để phòng ngừa trào ngược
Ăn uống khoa học tạo cho dạ dày phản xạ tiết acid một cách đều đặn theo chu kỳ của bữa ăn, giúp giảm thiểu tình trạng tiết acid quá mức gây rối loạn. Dưới đây là một số giải pháp về cách ăn đúng giúp phòng ngừa cũng như điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản và các bệnh đường tiêu hóa khác:
– Ăn ngày ba bữa và đúng giờ.
– Không bỏ bữa.
– Không nên ăn quá no.
– Không ăn vặt.
– Hạn chế ăn đêm.
– Trái cây nên dùng sau bữa ăn, không ăn lúc đói: việc ăn trái cây lúc bụng đói làm tăng tiết acid nhất là các trái cây có vị chua.
– Không uống sữa lúc bụng đói.
– Chỉ nên nằm sau khi ăn ít nhất 30 phút.
Lưu ý: Khi thay đổi chế độ ăn mới bạn sẽ thường có cảm giác đói, trào ngược nhiều hơn nhưng đừng lo lắng, 1 ly nước hoặc 1 cốc trà gừng mật ong là lựa chọn tốt giúp bạn dễ chịu hơn.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}