Tìm hiểu về thuốc kháng VEGF
Thuốc kháng VEGF có tác dụng ức chế yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu, ngăn ngừa quá trình tăng sinh mạch máu mới.
Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF: Vascular endothelial growth factor) là một protein được sản sinh từ các tế bào, có vai trò kích thích hình thành các mạch máu mới, làm tăng tính thấm thành mạch và cung cấp oxy cho sự hoạt động của các mô.
Sự phát triển quá mức của VEGF sẽ làm rò rỉ chất dịch và tăng sinh các mạch máu mới ở võng mạc, là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý võng mạc.
Nhóm thuốc kháng VEGF được sử dụng trong điều trị các bệnh lý võng mạc gồm có: Pegaptanid (Macugen), Bevacizumab (Avastin)., Ranibizumab (Lucentis), Aflibercept (Eyle).
Đây là những thuốc có tác dụng ức chế sự hình thành VEGF, ngăn chặn sự rò rỉ chất dịch và tăng sinh các mạch máu mới ở võng mạc. Nhóm thuốc này được dùng qua đường tiêm trực tiếp vào dịch kính của mắt (intravitreal).
Chỉ định
– Thoái hóa điểm vàng dạng ướt: thường gặp ở người trên 50 tuổi, gây ra tình trạng mất thị lực nặng. Thoái hóa điểm vàng dạng ướt xảy ra khi có sự hình thành các mạch máu mới ở võng mạc, các mạch máu này dễ vỡ, rò rỉ chất dịch và máu vào võng mạc, hình thành sẹo và làm giảm thị lực.
– Phù hoàng điểm do đái tháo đường: sự gia tăng nồng độ đường trong máu trong một thời gian dài, sẽ phá hủy các mạch máu nhỏ và hình thành các mạch máu mới ở võng mạc, làm rò rỉ chất dịch và máu, gây sưng phù hoàng điểm và làm giảm thị lực.
– Tân sinh hắc mạc: thường gặp ở người bị cận thị nặng. Sự biến đổi cấu trúc của võng mạc (võng mạc bị kéo dài, mỏng, dễ bị rách) trong một thời gian dài, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các mạch máu mới ở võng mạc. Các mạch máu này dễ vỡ, rò rỉ chất dịch và máu vào võng mạc làm giảm thị lực. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật ở mắt.
– Tắc tĩnh mạch võng mạc: tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch nhánh hay tĩnh mạch trung tâm của võng mạc do huyết khối hay xơ vữa động mạch, gây ra phù và xuất huyết võng mạc, làm giảm thị lực.
Chống chỉ định
● Không sử dụng thuốc kháng VEGF trong các trường hợp sau:
● Dị ứng với thuốc kháng VEGF hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
● Nhiễm trùng trong hoặc xung quanh hai mắt.
● Nhiễm trùng nghiêm trọng ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể.
● Phụ nữ trong giai đoạn mong muốn có thai hay đang mang thai hoặc đang cho con bú.
Thận trọng
● Người có tiền sử bị đau tim hoặc đột quỵ trong ba tháng qua.
● Người bị đau thắt ngực hay huyết áp cao không kiểm soát được.
Tác dụng phụ
● Xuất hiện ghèn hay chảy nước mắt nhiều.
● Đỏ, ngứa, xốn mắt, tăng sự nhạy cảm với ánh sáng.
● Nhức đầu.
● Nhiễm trùng mắt.
● Bong võng mạc.
● Đục thủy tinh thể…
Các thuốc kháng VEGF trong điều trị các bệnh lý võng mạc là những thuốc kê đơn, phải được sự chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa mắt. Thủ thuật tiêm thuốc trực tiếp vào mắt phải thực hiện tại bệnh viện, với sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa mắt.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}