Nói chung, đường kính động mạch chủ trên 3cm là phình động mạch chủ bụng, hầu hết là dạng hình thoi. Nhiều tổn thương được lót bằng huyết khối. Tùy thuộc vào kích thước của chỗ phình cũng như tốc độ tiến triển, việc xử lý sẽ thay đổi từ theo dõi đến phẫu thuật cấp cứu.
Biểu hiện đôi khi không có gì khi kích thước nhỏ
Hầu hết các trường hợp phình động mạch chủ bụng không có triệu chứng. Các triệu chứng và dấu hiệu, khi xảy ra, có thể không đặc hiệu nhưng thường là kết quả của sự đè ép lên các cấu trúc lân cận. Phình động mạch chủ tiến triển chậm và không có dấu hiệu nào gây chú ý nên trong thực tiễn rất khó phát hiện sớm. Một số loại phình không bao giờ bị vỡ. Rất nhiều trường hợp bắt đầu phình nhỏ và không tiến triển, một số khác thì to dần theo thời gian hoặc thậm chí tiến triển nhanh.
Tình trạng phình động mạch chủ bụng to có thể gây ra các dấu hiệu: đau dai dẳng sâu ở vùng bụng hoặc cạnh rốn, cũng có thể gây đau lưng, có thể sờ được mạch đập ở quanh rốn. Trường hợp đau nhiều và đột ngột thì cần phải đến cơ sở y tế. Bệnh nhân phình động mạch chủ bụng tiềm ẩn đôi khi biểu hiện với triệu chứng của các biến chứng hoặc nguyên nhân (như sốt, khó chịu, hoặc giảm cân do nhiễm trùng hoặc viêm mạch).
Có nhiều yếu tố nguy cơ và khó xác định nguyên nhân phình
Túi phình có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào của động mạch chủ nhưng phần lớn túi phình ở động mạch chủ đoạn rốn. Có một số yếu tố được xem là đóng vai trò phát triển túi phình động mạch chủ bụng:
– Sự dày lên của động mạch (xơ vữa động mạch): tình trạng xơ vữa xảy ra khi các chất béo lắng đọng ở thành trong mạch máu.
– Cao huyết áp: gây tổn thương và làm yếu thành động mạch chủ.
– Bệnh lý mạch máu: có nhiều tình trạng bệnh lý gây ra tình trạng viêm mạch máu.
– Nhiễm trùng động mạch chủ: rất hiếm, nhiễm trùng hay nhiễm nấm gây ra tình trạng phình động mạch chủ.
– Chấn thương: tai nạn làm chấn thương động mạch chủ sẽ gây tình trạng phình.
Các chuyên gia cũng ghi nhận được một số yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng phình động mạch chủ bụng:
– Hút thuốc lá: thuốc lá là yếu tố nguy cơ mạnh nhất gây phình động mạch chủ. Thuốc lá làm suy yếu thành của động mạch chủ, tăng nguy cơ phình và vỡ túi phình. Càng hút lâu và nhiều thì nguy cơ phình càng lớn. Các chuyên gia khuyến cáo nên siêu âm bụng tầm soát tình trạng phình động mạch chủ bụng cho tất cả nam giới 65 – 75 tuổi đang hút thuốc lá hoặc có hút thuốc lá trước đó.
– Tuổi: phình động mạch chủ bụng thường xảy ra ở người trên 65 tuổi.
– Nam giới: dễ phát triển phình động mạch chủ bụng.
– Chủng tộc: người da trắng dễ bị phình động mạch chủ bụng hơn.
– Tiền sử gia đình: phình động mạch chủ bụng cũng mang tính gia đình.
– Những phình mạch máu khác: những túi phình mạch máu lớn khác hoặc động mạch chủ ngực làm tăng nguy cơ bị phình động mạch chủ bụng.
Chẩn đoán giai đoạn sớm thường qua khám định kỳ
Phình động mạch chủ bụng thường phát hiện khi khám bệnh định kỳ hoặc khi được cho làm siêu âm bụng. Việc chẩn đoán phình động mạch chủ bụng dựa trên khám và tiền sử gia đình. Nếu nghi ngờ sẽ cho làm các xét nghiệm hình ảnh học để xác định. Thông thường siêu âm bụng có thể chẩn đoán chính xác tình trạng phình động mạch chủ bụng, ngoài ra cũng có thể chụp cộng hưởng từ (MRI) hay chụp cắt lớp bụng (CT Scan).
Nam giới hút thuốc lá sẽ tăng đáng kể tình trạng phình động mạch chủ bụng nên các chuyên gia khuyến cáo:
– Nam giới tuổi 65 – 75 có hút thuốc lá cần phải làm siêu âm một lần tầm soát.
– Nam giới tuổi 65 – 75 chưa từng hút thuốc lá, bác sĩ sẽ quyết định có cần làm siêu âm bụng không dựa vào các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như tiền sử gia đình bị phình động mạch. Hiện chưa có đủ bằng chứng xác định nữ giới tuổi 65 – 75 từng hút thuốc lá hoặc có tiền sử gia đình bị phình động mạch chủ sẽ có lợi khi tầm soát như nam giới (riêng phụ nữ không hút thuốc lá thì không cần thiết tầm soát).
Phình động mạch chủ bụng có thể diễn biến chậm nhưng cũng có khi gây ra các biến chứng:
– Việc rách một hoặc nhiều lớp áo của thành động mạch chủ (bóc tách) hoặc phình bị vỡ là biến chứng chính. Việc vỡ phình mạch có thể gây đe dọa tính mạng (xuất huyết nội), nếu phình mạch tiến triển to ra nhanh thì càng tăng nguy cơ vỡ. Nếu phình động mạch chủ bụng bị vỡ thì người bệnh có triệu chứng đau lưng hoặc đau bụng đột ngột, dữ dội và kéo dài, người bệnh có cảm giác bị xé trong bụng; huyết áp sẽ giảm và mạch nhanh.
– Cục máu đông: phình động mạch chủ cũng làm tăng nguy cơ tạo ra cục máu đông nơi bị phình. Nếu cục máu đông bứt ra từ bên trong chỗ phình di chuyển trong tuần hoàn sẽ gây tắc bất kỳ mạch máu nào trong cơ thể, gây tình trạng đau hoặc tắc dòng máu đến chân, thận hoặc cơ quan trong ổ bụng.
Đã có nhiều tiến bộ trong điều trị phình động mạch chủ bụng
Mục tiêu của điều trị phình động mạch chủ bụng là phòng ngừa túi phình vỡ. Cần phải theo dõi sát và phẫu thuật kịp thời. Việc can thiệp dựa trên kích thước của túi phình và tốc độ tiến triển túi phình. Nếu túi phình nhỏ và không có triệu chứng thì chỉ cần theo dõi định kỳ và làm xét nghiệm hình ảnh để xác định, kiểm soát huyết áp. Cần phải làm siêu âm bụng mỗi 6 tháng để xác định tình trạng của túi phình.
Phẫu thuật chỉnh sửa túi phình động mạch chủ bụng được khuyến cáo nếu túi phình to trên 5 cm hoặc tiến triển nhanh. Nếu tình trạng bệnh có triệu chứng như đau bụng, túi phình căng, rò máu ra ngoài thì cần phải xem xét can thiệp phẫu thuật. Tùy vào vị trí, kích thước của túi phình, tuổi và tổng trạng của bệnh nhân mà có kế hoạch can thiệp phẫu thuật phù hợp. Có thể thực hiện phẫu thuật mở để cắt bỏ vùng tổn thương gây phình và thay thế bằng đoạn mạch máu nhân tạo (graft) hoặc tiến hành can thiệp nội mạch. Bác sĩ sẽ dùng ống thông nội mạch vào từ động mạch đùi, đặt một ống kim loại bên trong lòng động mạch chủ bụng (đoạn bị phình) để nâng đỡ và phòng ngừa vỡ túi phình. Không phải trường hợp nào cũng có thể can thiệp nội mạch được mà tùy thuộc vào tình trạng tổn thương và thiết bị can thiệp.
Để ngăn ngừa phình động mạch chủ hoặc giữ cho túi phình không xấu thêm thì phải ngưng hẳn thuốc lá, có chế độ ăn phù hợp (nhiều rau xanh, hoa quả, cá, sản phẩm ít chất béo, hạn chế chất béo bão hòa và không ăn mặn), cần phải kiểm soát tốt huyết áp nếu có cao huyết áp, tập thể dục đều đặn (cố gắng tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần).
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}